Huyện Mê Linh (TP Hà Nội): quyết tâm phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới
15/05/2017 - 00:00

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với cách làm sáng tạo, huyện Mê Linh hoàn thành sớm công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng sản xuất... Đến nay, diện mạo NTM của huyện đã có nhiều đổi thay, những tuyến đường giao thông đang kết nối hoàn chỉnh, vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đang hình thành, đời sống người dân được nâng cao.

Thực hiện chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông thôn”, huyện đã chỉ đạo tập trung nguồn lực đầu tư cho 4 xã chưa đạt chuẩn NTM hoàn thiện các tiêu chí: đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi...; đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM theo hướng bền vững, phát triển.

Được sự quan tâm của Ban chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy, UBND và các sở, ban, ngành thành phố, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo huyện, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện được thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả mới.

Active Image

Về phát triển nông nghiệp, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi  đều có những chuyển biến tích cực. Tiến độ sản xuất vụ xuân đã đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch của thành phố. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ nên tình hình chăn nuôi của huyện vẫn duy trì và có bước phát triển, không bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm.  Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa đã mang lại nhiều hiệu quả rõ nét, người dân phấn khởi thực hiện. Nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa có năng suất thấp sang trồng cây cảnh, bưởi, ổi, nuôi cá, trang trại chăn nuôi… bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, giúp nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình vững chắc. Các vùng sản xuất tập trung đã hình thành rõ nét như vùng chăn nuôi tập trung các xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng và đang tiếp tục được nhân rộng khẳng định được hiệu quả kinh tế và từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Huyện Mê Linh có 16 xã, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch 16/16 xã. Đến nay, tình hình thực hiện các tiêu chí NTM cụ thể đạt được như sau: hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư) được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, đi lại và sản xuất của nhân dân. Về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất: thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến cuối năm 2016 đạt 33,01 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tính đến đầu năm 2017 là 2.160 hộ, chiếm tỷ lệ 4,2%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn đạt 92%; mô hình hợp tác xã (HTX) phát triển và hoạt động hiệu quả, toàn huyện hiện có 78 HTX, trong đó có 50 HTX dịch vụ nông nghiệp, 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực khác, 3 quỹ tín dụng nhân dân.

Các tiêu chí về văn hóa - xã hội, môi trường cũng được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, số người trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS là 99,6%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT là 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, toàn bộ trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Toàn huyện có 70/74 làng, thôn được công nhận Làng văn hóa (đạt 94,56%) và 40.391 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 86,5%. Qua kiểm tra đánh giá việc sử dụng nước sinh hoạt, cảnh quan môi trường, thu gom rác thải... 16/16 xã cơ bản đạt tiêu chí môi trường. Hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và nâng cao, 16/16 Đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, không có đảng bộ, chính quyền yếu kém, góp phần đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở đã có một bước trưởng thành quan trọng; cán bộ, đảng viên, nhân dân ở nhiều nơi đã nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm đặt ra trong quá trình xây dựng NTM ở Mê Linh, dẫn đến một số tiêu chí chậm hoàn thành là do điều kiện kinh tế và nhận thức của nhân dân trên địa bàn các xã không đồng đều dẫn đến việc huy động nguồn lực phục vụ cho nhu cầu đầu tư, xây dựng là rất khó. Một số cán bộ và quần chúng nhân dân vẫn có tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước, trong khi đó nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới rất lớn, nguồn thu ngân sách của huyện ít, nguồn đấu giá đất hạn chế.

Nhận rõ những tồn tại và hạn chế, mục tiêu của huyện Mê Linh trong năm 2017 là tiếp tục đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt và cơ bản đạt, chủ yếu là về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông trục chính và liên thôn, đường giao thông ngõ xóm, nhà văn hóa; tiếp tục duy trì và hoàn thành các tiêu chí cơ bản đạt tại các xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM; chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung công tác xây dựng NTM, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư cho 4 xã chưa đạt chuẩn; phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện là 15 xã, chiếm 93,75%. Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt được, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CT tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.