Huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình): sức sống mới, diện mạo mới sau 15 năm thành lập
21/04/2017 - 00:00
Năm 2001, huyện Cao Phong được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Kỳ Sơn và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2002. Với diện tích tự nhiên là 25.600,25 ha, Cao Phong có 13 đơn vị hành chính với 3 dân tộc cùng sinh sống (Mường, Kinh, Dao), dân số trên 4 vạn người.

Trên chặng đường 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nhận thức đúng đắn những thuận lợi và khó khăn, tập trung dân chủ, đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, năng động, sáng tạo, phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể nhân dân và các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện để triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ. Sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, huyện đã có những bước tiến vượt bậc.

Active Image

Nhân dân và cán bộ huyện Cao Phong vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

 Kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực. Tính chung trong 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 12%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2002 đạt 1,4 tỷ đồng, năm 2016 đạt trên 29 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với năm 2002. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2002 đạt 3 triệu đồng, 2016 đạt 32,8 triệu đồng/người, tăng hơn 10 lần so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (tỷ trọng nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp năm 2002 là 72%, đến năm 2016 giảm xuống còn 46%; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng từ 18% năm 2002 lên 28% năm 2016; tỷ trọng du lịch, dịch vụ tăng từ 10% năm 2002 lên 26% năm 2016). Diện mạo của huyện Cao Phong đã có sự thay đổi nhanh chóng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của huyện ngày càng được hoàn thiện, các khu dân cư mới được hình thành, trụ sở các cơ quan hành chính được xây dựng khang trang, hệ thống giao thông được quy hoạch xây dựng đồng bộ... đã phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân trên địa bàn và thu hút đầu tư phát triển. Bộ mặt nông thôn và thị trấn huyện lỵ thay đổi từng ngày. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
 
Active Image  
Active Image

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm mô hình trồng Cam của huyện (năm 2015)

Với định hướng ưu tiên phát triển kinh tế du lịch và nông nghiệp, trong đó phát triển nông nghiệp với hai loại cây trồng chính là cam và mía, vì vậy cây cam, quýt trên địa bàn đã tăng mạnh về cả diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo ra bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của huyện nhà, mở ra một hướng mới là xây dựng Cao Phong thành một huyện sản xuất hàng hóa tập trung về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Năm 2015, huyện Cao Phong đã tổ chức thành công Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất, đã tạo được tiếng vang lớn đến người tiêu dùng trong cả nước và được tỉnh đánh giá cao. Tiếp nối thành công đó, năm 2016, trong chương trình kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, Lễ hội cam Cao Phong và Hội chợ Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc là một trong những chương trình diễn ra đầu tiên trong chuỗi các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm. Sự thành công của Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc đã tạo bước đột phá mang tính chiến lược trong định hướng phát triển nông nghiệp, góp phần trực tiếp nâng cao giá trị của cam Cao Phong một cách bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để cam Cao Phong phát triển ổn định, có điều kiện tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước. Năm 2016, diện tích cam, quýt của huyện khoảng 2.080 ha, sản lượng đạt trên 23.000 tấn. Bình quân 1 ha cam, quýt có tổng thu nhập ước đạt từ 300 - 600 triệu đồng; diện tích mía khoảng 2.500 ha, giá trị bình quân ước đạt khoảng 200 - 240 triệu đồng/ha. Trong lĩnh vực nông nghiệp có gần 400 hộ dân thu từ 100 đến 500 triệu đồng, có trên 130 hộ thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, có 70 hộ dân thu từ 1 đến 3 tỷ đồng và có trên 20 hộ dân thu trên 3 tỷ đồng, có những hộ thu trên 9 tỷ đồng/năm.

Lĩnh vực du lịch đạt mức tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2010 - 2015, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường, tạo ra bước phát triển có tính đột phá. Công tác quản lý, bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể: lễ hội Đền Bờ; lễ hội Mường Thàng, lễ hội Khai xuân, lễ hội Chùa Khánh, lễ hội rước nước – Đền Bồng Lai...; khai thác có hiệu quả di tích lịch sử Chiến khu Cao Phong - Thạch Yên, di tích lịch sử anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan, di tích Vườn Hoa - Núi Cối, Đền Thượng Bồng Lai... đặc biệt quần thể hang động núi Đầu Rồng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia đã tạo ra diện mạo mới và sức hấp dẫn của du lịch Cao Phong. Số lượng khách du lịch năm sau cao hơn năm trước; năm 2016, đạt trên 260.000 lượt khách. Cao Phong vẫn giữ được khá nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc Mường, mà tiêu biểu hơn cả là văn hóa cồng chiêng. Hiện nay toàn huyện có trên 3.000 chiêng Mường, các xã đều có đội cồng chiêng và duy trì hoạt động thường xuyên. Tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, đội cồng chiêng Cao Phong tham dự với 800 tay chiêng, trang phục váy áo truyền thống và chiếc chiêng trên tay, phụ nữ Mường Thàng đã góp phần đưa nét đẹp văn hóa Mường đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh.

Active Image  

Active Image

Cam - Sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của huyện Cao Phong

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Dũng Phong là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Đây là tiền đề vững chắc tiến tới mục tiêu có một nền sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng xã hội nông thôn để nhân dân có đời sống sung túc; làng xã văn minh, sạch đẹp, xã hội dân chủ, đảm bảo sự hài lòng ngày càng cao của cán bộ và nhân dân đối với các mặt đời sống xã hội.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, các hoạt động văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt được những tiến bộ mới, toàn diện. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường, năm 2016 số phòng học được kiên cố hóa đã chiếm 98%; 20/40 trường đạt chuẩn Quốc gia, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đủ về số lượng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn; 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn và vượt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao; tỷ lệ học sinh thi vào các trường đại học năm sau cao hơn năm trước. Cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân được mở rộng và tăng cường. Đến năm 2016, huyện có 5,5 bác sĩ/1 vạn dân; 7 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế năm 2016 đạt 53,85%. Văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển mạnh và đạt nhiều thành tích. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Những kết quả đó, đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân, nhất là những vùng khó khăn. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 21,87% (Theo tiêu chí nghèo đa chiều).

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong, nhiều năm liền huyện Cao Phong được xếp hạng thi đua nằm trong tốp đầu của khối huyện, thành phố, được tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt năm 2012, Cao Phong vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập huyện. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Huân chương Lao động hạng Nhì.

Chặng đường phía trước còn đó nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, đồng tâm, hợp sức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ 27, xây dựng quê hương Cao Phong ngày càng văn minh, giàu mạnh.