HUBT khai giảng khóa VII Lưu học sinh nước CHDCND Lào (năm học 2018 – 2019)
30/10/2018 - 15:00

TĐKT - Sáng 27/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tổ chức Lễ khai giảng lớp khóa VII Lưu học sinh nước CHDCND Lào (năm học 2018 - 2019).

Lễ khai giảng khóa VII Lưu học sinh nước CHDCND Lào (năm học 2018 - 2019) của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tới dự, có: Ông Phạm Chí Cường, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Vi Lay Vone Boua Tong Moua, Bí thư thứ 3, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh – Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế; GS.TS. Đinh Văn Đức - Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt; đại diện lãnh đạo các khoa, phòng ban, đơn vị chức năng trong trường, các trợ lý, giảng viên và toàn thể các lưu học sinh Lào khóa VI và khóa VII.

Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh – Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Lớp đào tạo tiếng Việt khóa VII có gần 70 sinh viên đến từ các tỉnh, thành phố của CHDCND Lào. Khóa học diễn ra trong 10 tháng. Để chuẩn bị cho lớp đào tạo này, Trường đã hoàn thành các giáo trình giảng dạy; sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm và đầu tư cơ sở vật chất để lưu học sinh Lào được học tập thuận lợi tại trường.

Mở đầu lễ khai giảng, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh nhiệt liệt chào mừng các lưu học sinh Lào tham gia lớp tiếng Việt năm học 2018 - 2019 tại trường. Phó Hiệu trưởng khẳng định, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn xác định công tác dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do đó, những năm học vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Phòng Quản lý - Đào tạo Sau đại học và Viện Hợp tác quốc tế và khoa giảng dạy chuyên ngành đã phối hợp làm tốt công tác này.

Các thầy cô sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để sau 1 năm các lưu học sinh sẽ có vốn tiếng Việt vững vàng, sau đó bước vào học chuyên ngành ngay tại trường. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện trong quá trình các lưu học sinh học tập, sinh hoạt tại trường để các em có thể tập trung học tiếng Việt thật tốt, làm quen và hòa nhập với môi trường sinh hoạt, học tập mới.

GS.TS. Đinh Văn Đức - Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt trình bày báo cáo Tổng kết năm học 2017- 2018 và Kế hoạch đào tạo năm học 2018 - 2019

GS.TS. Đinh Văn Đức, Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt cũng đã trình bày báo cáo Tổng kết năm học dự bị 2017 - 2018 và Kế hoạch đào tạo năm học 2018 - 2019. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tiếp nhận, đào tạo được 6 khóa tiếng Việt cho lưu học sinh Lào với tổng số hơn 1.000 học sinh. Hiện tại, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang có gần 600 lưu học sinh, sinh viên Lào đang học tiếng Việt và học các chuyên ngành tại trường.

Hầu hết các lưu học sinh sau khi hoàn thành khóa học tiếng Việt và chuyển sang học chuyên ngành đều có thành tích học tập tốt. Nhiều bạn ra trường, quay trở về nước đều tìm được việc làm phù hợp với mức lương ổn định. Đó là thành tích rất đáng ghi nhận của tập thể thầy và trò Khoa tiếng Việt trong suốt những năm vừa qua.

Cũng tại buổi lễ, TS. Nguyễn Đình Đức, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên đã công bố Quyết định và trao chứng chỉ tiếng Việt cho 46 lưu học sinh khóa VI đạt điều kiện vào học hệ đại học chính quy của trường. Đồng thời, trong tổng số các lưu học sinh Lào khóa VI, 9 bạn có thành tích học tập xuất sắc cũng được nhà trường tuyên dương khen thưởng.

Ông Phạm Chí Cường - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phạm Chí Cường - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương những kết quả đã đạt được của thầy và trò trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Phó Cục trưởng nhấn mạnh: Đào tạo tiếng Việt cho các lưu học sinh Lào của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là hoạt động không chỉ cần thiết cho sự phát triển nguồn nhân lực của nước CHDCND Lào mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia đã được thiết lập từ lâu. Đồng thời, ông cũng cho rằng, sau khi các lưu học sinh đạt đủ điều kiện để học lên chuyên ngành chính, nhà trường vẫn nên tiếp tục củng cố tiếng Việt để các em có thể nắm vững kiến thức tốt hơn. Trường cũng nên thường xuyên liên kết với các trường đại học nước ngoài, trao đổi chương trình, kinh nghiệm giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa.

Thu Hương