Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên gần 6.000 km2, dân số gần 1,3 triệu người, trong đó độ tuổi lao động chiếm 52,6%. Nằm trên trục giao thông huyết mạch, là cửa ngõ hướng ra biển, vùng đất giàu truyền thống văn hóa - cách mạng, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, các khu kinh tế động lực cùng nhiều dự án trọng điểm, Hà Tĩnh hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển, trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư.
Mảnh đất giàu tiềm năng
Với vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh nằm trên các trục giao thông mang tính chiến lược, trở thành một trong những cửa ngõ lớn, có nhiều lợi thế trong liên kết hợp tác phát triển với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan so với các địa phương nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây.
Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế trọng điểm Quốc gia là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; 2 khu công nghiệp Hạ Vàng và Gia Lách thuộc Quy hoạch khu công nghiệp Quốc gia và 17 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu sẵn sàng triển khai các dự án.
Trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn dòng điện, nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển nhanh, kết nối rộng khắp, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc chất lượng cao trong nước và quốc tế. Tỉnh còn được biết đến là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản như titan, vàng, mangan, granit, nước khoáng nóng...
Sở hữu bờ biển dài 137 km với nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhiều danh lam, thắng cảnh độc đáo, di tích lịch sử - văn hóa lớn: Hồ Kẻ Gỗ, thác Vũ Môn, Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú… Hà Tĩnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, danh thắng và truyền thống văn hóa cách mạng.
Nhiều dự án đầu tư dịch vụ du lịch biển đã hoàn thành và khai thác hiệu quả: Sân golf Xuân Thành, resort nghỉ dưỡng và công viên nước lớn nhất khu vực của Tập đoàn VinGroup...
Kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện
Phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh cùng với chính sách mở cửa, hội nhập, trong những năm qua kinh tế - xã hội Hà Tĩnh tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện. Năm 2018, Hà Tĩnh dẫn đầu cụm thi đua các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ với mức tăng trưởng kinh tế đạt 20,8% cao nhất cả nước, có 14/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu mang tính quyết định của nền kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay như chỉ số sản xuất công nghiệp, tăng trưởng nông nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách.
Nhà máy gang thép Formosa
Đến nay, Hà Tĩnh đã thu hút được gần 1.300 dự án, trong đó gần 1.200 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký trên 107 nghìn tỷ đồng và 78 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vốn đăng ký trên 12 tỷ USD.
Nhiều dự án lớn của các Tập đoàn trong nước đã hoàn thành và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho lao động địa phương: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng, Nhà máy Bia Sài Gòn công suất 70 triệu lít/năm, tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót, Nhà máy sản xuất gỗ MDF - HDF công suất 150 ngàn m3/năm...
Formosa 4
Quá trình sản xuất bên trong nhà máy
Cùng với đó, việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh phát triển và thực hiện đúng đường lối đổi mới, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo hình ảnh tích cực đối với các nhà đầu tư. Hà Tĩnh xếp thứ 10 cả nước về thu hút FDI với các dự án lớn đã và đang triển khai như: Khu công nghiệp Phú Vinh, Dự án Khu bến Phoenix (bến cảng số 5, 6) cảng Vũng Áng, Khách sạn 5 sao và chung cư Hill Side,...
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh đã tập trung cao cải cách tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính; thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh và 13/13 trung tâm hành chính công cấp huyện; ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trên các lĩnh vực.
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, Hà Tĩnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI thuộc nhóm 5 tỉnh có sự cải thiện tốt nhất chất lượng điều hành, thuộc tốp 10 xếp hạng cấp tỉnh về phát triển chính phủ điện tử năm 2017, xếp thứ 10 về chỉ số PAPI.
Định hướng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kinh tế xanh - bền vững; xây dựng Hà Tĩnh thành trung tâm kinh tế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Với tiềm năng lợi thế về địa lý, tài nguyên, truyền thống văn hóa và con người, khát vọng và quyết tâm đổi mới vươn lên cùng với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, Hà Tĩnh đã và đang mời gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến tham quan, khảo sát và thực hiện đầu tư. Xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, Hà Tĩnh thực sự là điểm đến hấp dẫn và an toàn đối với các nhà đầu tư.