Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) là đơn vị đặc thù, có một không hai, cán bộ, nhân viên phần lớn là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, được rèn luyện trong quân ngũ, thử thách trong chiến đấu, tôi luyện khi đối mặt với kẻ thù, bản lĩnh vững vàng, một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Tổ quốc.
Tháng 10/2006, Bảo tàng chính thức được thành lập với hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại. Khi nghe tin bảo tàng được thành lập, ban đầu là đồng đội, sau đó là du khách khắp nơi trong và ngoài nước về tham quan, tìm hiểu, qua đó đã gửi gắm được phần nào cho mọi người thấy được giá trị cuộc sống.
Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, hiện Bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật, được chia thành 10 khu khác nhau để giúp cho du khách dễ tham quan, tìm hiểu.
Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng hiện thực, sống động, là góc khuất của bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của địch, cũng là những tư liệu, tài liệu vô giá để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, con người, nhắc nhở thế hệ trẻ hiểu sâu hơn công lao của Đảng, sự hy sinh của lớp người đi trước, phải đổi bằng xương máu để có được cuộc sống ngày hôm nay.
Trong những năm qua, thường xuyên Bảo tàng đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước về thăm quan, trải nghiệm vào các ngày lễ lớn. Trong đó có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, bộ đội, công an, người có công với cách mạng về thăm: Trường Đại học Đông Đô, Học viện Quân sự Z117, Học viện Chính trị, Đại học Cảnh sát, Học viện Tóc Quốc tế, Tổng cục 2, nhiều cơ quan, đoàn thể ở các quận huyện trên địa bàn Thủ đô và địa phương lân cận...
Đặc biệt, đơn vị được đón đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố về thăm, Huyện ủy - UBND huyện Phú Xuyên, các ban, ngành trong huyện về thăm tri ân anh hùng liệt sĩ.
Theo chia sẻ của ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (vốn là cựu tù binh bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc), hằng năm Bảo tàng kết hợp chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh (CCB), Huyện đoàn, Nhà văn hóa, Phòng Giáo dục huyện, tổ chức mở cửa thư viện Bảo tàng đón học sinh, sinh viên, độc giả trong và ngoài huyện về đọc sách, xem phim tư liệu, giao lưu trong dịp hè.
Vào cuối kỳ nghỉ hè, đơn vị tổ chức buổi giao lưu tài năng trẻ, giúp các em nối vòng tay lớn với bạn bè, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong học tập và giao lưu tiếng hát quê hương.
Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm, Bảo tàng cùng Hội CCB, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, thân nhân gia đình liệt sĩ, học sinh ra nghĩa trang huyện thắp nến tri ân và hát cho đồng đội nghe tại nghĩa trang huyện, nghĩa trang các xã, dâng hương Mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương.
Đặc biệt, vào cuối dịp hè, đơn vị kết hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh địa phương cùng sinh hoạt đoàn, trao đổi kinh nghiệm sống, để phấn đấu trong công tác, truyền cho các đoàn viên trẻ tình yêu quê hương đất nước, con người...
Trong năm 2018, Bảo tàng đã đón gấn 12.460.000 lượt khách về thăm quan, 27.000.000 lượt người thăm quan triển lãm lưu động; tổ chức 107 buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử ở các trường học, các đoàn học sinh, sinh viên.
Tháng 7 năm 2018, Bảo tàng kết hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức triển lãm tại ngã tư Tràng Tiền, đón 8700 lượt người đến thăm quan.
Những hình ảnh, hiện vật trưng bày đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tự hào xen lẫn sự xúc động nghẹn ngào, qua đó khắc sâu hơn tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của thế hệ cha anh.
Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của Ban liên lạc toàn quốc, nhìn chung các Hội và Ban liên lạc các tỉnh, thành hoạt động có hiệu quả, để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân, chính quyền các cấp.
Đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố phía Bắc thành lập Hội với số hội viên là 8.803 hội viên; 16 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban liên lạc với 10.731 hội viên; toàn quốc có trên 144.000 hội viên.
Đặc biệt, Đội tiếp lửa truyền thống cách mạng của Bảo tàng được thành lập đã thường xuyên đi phục vụ các lễ hội, đem lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và giữ gìn văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc, được UNESCO tặng Bằng khen.
Hiện nay, hàng ngày tại Bảo tàng có 16 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ.
Mọi người đều đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hi sinh.
Khách về tham quan mà gặp bữa cơm trưa thì mọi người đều vui vẻ dùng bữa cơm đạm bạc cùng với các anh hùng liệt sĩ và cùng với các bác trong ban thường trực Bảo tàng. Hằng ngày, trong các bữa ăn đều có thêm 2 bát, 2 đôi đũa, một mời hương hồn đồng đội nam, một mời hương hồn đồng đội nữ cùng ăn. Gắp cho đồng đội rồi mới gắp vào bát của mình.
Với sự tận tâm tận lực của ông Lâm Văn Bảng và những người đồng đội, những nhân chứng sống của một thời gian lao và hào hùng, Bảo tàng làm rất tốt vai trò giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương, nhất là cho thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên xã Nam Triều.
Bảo tàng đã nhiều lần vinh dự được các cấp lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội khen thưởng. Chi bộ Đảng của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm liền là chi bộ đảng trong sạch vững mạnh. Cá nhân ông Lâm Văn Bảng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
Để phát huy tốt hơn hoạt động của Bảo tàng trong thời gian tới, ông Lâm Văn Bảng mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, đoàn thể, cùng với sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm để gìn giữ những kỷ vật của thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” đã một thời hy sinh xương máu cho hòa bình của đất nước, là nơi thăm quan, tri ân anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.