Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế: Chung sức đồng lòng cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong thời kỳ mới
16/03/2020 - 14:22

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế được biết đến là địa phương tiêu biểu, điểm sáng toàn quốc trong thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp sức xây dựng quê hương. Trong thành công đó có dấu ấn quan trọng của Ban Dân tộc tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu công tác dân tộc trong tình hình mới, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Ban gồm: Lãnh đạo Ban, Văn phòng, Thanh tra, Phòng Chính sách Dân tộc. Tổng số cán bộ, công chức, nhân viên là 16 người, trong đó có: 3 Thạc sĩ; 12 người có trình độ đại học và 1 trung cấp.

Trụ sở Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo đồng chí Hồ Xuân Trăng - Trưởng Ban Dân tộc, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II, 5 năm qua, Ban đã triển khai đầy đủ chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến dân tộc; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc.

Thực tế cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Thừa Thiên Huế không ngừng được cải thiện và nâng cao; những giá trị truyền thống, nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục có nhiều đổi mới, văn minh, tiến bộ; chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đến nay, 100% xã, thị trấn được đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế kiên cố, đảm bảo cho việc học tập và khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia, trong đó có 98% hộ sử dụng điện, một số tuyến đường, trung tâm xã, thị trấn có điện chiếu sáng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 14% trong 4 năm từ 2014 - 2018.

Cụ thể, các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, mở rộng mạng lưới, quy mô trường, lớp ở 4 cấp học. Tỉnh hiện có 3 trường phổ thông dân tộc nội trú đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Số học sinh là con em người DTTS tốt nghiệp THPT tăng mạnh, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, nhất là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có số lượng học sinh thi đỗ đại học đông.

Bên cạnh đó, các chính sách y tế được chú trọng thực hiện. Công tác khám, chữa bệnh cho đối tượng thuộc hộ nghèo ở tuyến huyện/thị xã và y tế cơ sở được duy trì hiệu quả, việc cấp thẻ BHYT thực hiện đúng quy định. 100% Trạm y tế được kiên cố hóa, có bác sĩ cơ hữu; trong đó 21/21 Trạm Y tế của huyện A Lưới đều có 21 bác sĩ cơ hữu và hầu hết Trạm Y tế huyện Nam Đông đã có 2 bác sĩ - đây là kết quả rất đáng ghi nhận tại các trạm y tế vùng sâu, vùng xa.

Công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng người dân tộc thiểu số được quán triệt đến mỗi cán bộ, nhân viên y tế. Người DTTS đến khám chữa bệnh, được hưởng các chế độ chính sách BHYT, được hỗ trợ tiền ăn trong quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Bình quân hàng năm, trên 80% người dân tộc trong tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị tại 2 bệnh viện Nam Đông và A Lưới (ước tính trên 25.000 lượt khám điều trị ngoại trú và 7.500 lượt điều trị nội trú).

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III năm 2019

Văn hóa của các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn và phát triển, góp phần đẩy lùi lạc hậu. Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng, đi vào chiều sâu và đặc biệt là công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới. Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường...

Các phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy đã tạo động lực cho loại hình du lịch phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc luôn được giữ vững, không để xảy ra các điểm nóng liên quan đến công tác dân tộc.

Có thể nói, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định và ngày càng phát huy vai trò nòng cốt, mang đến những khởi sắc cho công tác dân tộc tỉnh nhà. Với những thành tích đạt được, Ban đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, Ban Dân tộc Thừa Thiên Huế hiện đang được đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xét tặng Bằng khen có thành tích trong việc thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II. Phần thưởng cao quý này sẽ là động lực quan trọng để Ban tiếp tục phấn đấu, tạo lập những giá trị mới, hướng tới Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II năm 2020.