Chính trị - Xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hướng dẫn cấp lại, đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin

TĐKT- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 2701/BHXH-TST hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không thay đổi thông tin. Theo đó, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam hướng dẫn như sau: Thứ nhất, người dân tham gia BHYT khi đi công tác, học tập, du lịch… ở địa phương khác bị mất thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT bị rách, nát, hỏng… có nhu cầu cấp lại, đổi thẻ BHYT (không thay đổi thông tin) để khám chữa bệnh (KCB), BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị di động thông minh cài đặt ứng dụng “VssID - BHXH số”và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này để KCB BHYT, không thực hiện cấp đổi thẻ BHYT giấy.   Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hướng dẫn cấp lại, đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin Thứ hai, trường hợp người dân tham gia BHYT không sử dụng thiết bị di động thông minh, BHXH cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc cấp lại, đổi thẻ BHYT giấy theo mẫu thẻ BHYT ban hành tại Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ngày 3/12/2020 của BHXH Việt Nam (mẫu thẻ BHYT mới).Thời hạn giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trước đó, tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, BHXH Việt Nam quy định: BHXH huyện, tỉnh nào thì có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT đối với thẻ không thay đổi thông tin ở huyện, tỉnh đó. Nay, theo Quyết định số 811/QĐ-BHXH ngày 16/8/2021, BHXH đã sửa đổi, bổ sung Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ, theo đó: BHXH huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT (mà không thay đổi thông tin) theo mẫu thẻ BHYT mới cho người tham gia BHYT ở các huyện, tỉnh khác. Như vậy, hiện nay, người tham giaBHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy để đi KCB ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không phải lo trì hoãn việc KCB khi không may thẻ BHYT bị hỏng hoặc mất như thẻgiấy trước đây. Trong trường hợp nếu mất, hỏng thẻ BHYT giấy mà không sử dụng điện thoại thông minh, người tham gia BHYT có thể đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để làm thủ tục đổi lại thẻ (không thay đổi thông tin), không phân biệt địa bàn. Có thể nói, với các thủ tục hành chính được cải cách này, BHXH Việt Nam đã tiếp tụcbám sát mục tiêu cải cách hành chính của ngành là lấy người dân làm trung tâm phục vụ, giúp người tham gia BHYT được thuận lợi hơn trong việc KCB BHYT, hạn chế đi lại và giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH. Đây là giải pháp thực sự có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương như hiện nay. Hồng Thiết      

Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN lần thứ 4

TĐKT - Ngày 30/8, Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) lần thứ 4 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các đại diện quốc gia và 26 đô thị thành viên, Ban thư ký ASEAN và các đối tác ngoài Mạng lưới. Về phía Việt Nam, dự hội nghị, có: Bộ Xây dựng là đại diện quốc gia; đại diện đô thị là 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan. Đại diện quốc gia, Chủ tịch Mạng lưới ASCN năm 2021 là Brunei Darussalam chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) chính thức được thành lập  tháng 4/2018, tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 32 tại Singapore. Hiện nay Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) có 26 đô thị thành viên đến từ 10 quốc gia. Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Chủ tịch Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN. Tại hội nghị, Bộ Xây dựng đã trình bày tóm tắt hoạt động nổi bật của ASCN trong năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 tác động tiêu cực tại nhiều quốc gia trên thế giới, với vai trò Chủ tịch mạng lưới ASCN, Việt Nam đã linh động, sáng tạo chuyển phương thức tổ chức các hoạt động, thay vì trực tiếp sang hình thức trực tuyến Hội nghị thường niên lần thứ 3 Mạng lưới ASCN, Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh 2020; Hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 2… Ngay sau Hội nghị thường niên ASCN 2020, các thành viên đã thông qua 3 văn kiện quan trọng tiếp tục định hình các hoạt động phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) trong toàn Mạng lưới hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung, đó là: Khung giám sát và đánh giá mạng lưới đô thị thông minh ASEAN; khung quy định về sự hợp tác giữa mạng lưới đô thị thông minh ASEAN với các đối tác bên ngoài;  văn bản xem xét mở rộng thành viên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN. Ngoài ra, 6 đối tác ngoài Mạng lưới ASCN đã đưa ra một số đề xuất hợp tác về phát triển ĐTTM với nhiều nội dung phong phú như: Hiệp hội Nhật Bản về hợp tác ĐTTM khu vực ASEAN (JASCA), Chương trình Hợp tác toàn cầu của Hàn Quốc, Chiến lược quốc gia và dự án về phát triển ĐTTM của Nga, Hợp tác ĐTTM Mỹ - ASEAN, đề xuất tổ chức đoàn khảo sát cho thành viên ASCN của Na Uy, ứng dụng phản hồi sức khỏe thông minh và điều khiển thành phố thông minh của WeGO… Trong mối quan hệ giữa ASCN và Nhật Bản, các bên cũng thống nhất đề xuất các cơ chế và hành động cụ thể duy trì kết nối và hợp tác trong lĩnh vực phát triển ĐTTM… Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đối tác với các đối tác trong và ngoài Mạng lưới ASCN, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan, các cấp chính quyền địa phương để cùng nhau gia tăng những cơ hội phát triển, đặc biệt chú ý đến lĩnh vực ứng dụng công nghệ chống đại dịch Covid-19 hướng đến mục tiêu cốt lõi của phát triển ĐTTM là vì chất lượng cuộc sống, sự phát triển, tiến bộ con người và phát triển quốc gia bền vững. Hội nghị lần này, các thành viên ASCN đã tập trung thảo luận để thông qua các tài liệu quan trọng của Mạng lưới, gồm: Tài liệu ý tưởng về phát triển Cổng thông tin trực tuyến ASCN; tài liệu ý tưởng về phát triển bộ công cụ đầu tư đô thị thông minh và bền vững ASEAN. Các tài liệu là một bước phát triển quan trọng mới, tiếp tục củng cố hoạt động của Mạng lưới cũng như tạo nền tảng vững chắc cho việc hợp tác với các đối tác. Đặc biệt, các thành viên cũng đã thông tin, trao đổi tình hình phát triển ĐTTM và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19; thảo luận về các tiến triển, thử thách và phương hướng hợp tác theo Chương trình hành động ĐTTM ASCN; trao đổi với các đối tác ngoài Mạng lưới về khả năng đóng góp các sáng kiến trong cơ hội hợp tác chung để thúc đẩy hiện thực hóa đô thị thông minh… Hội nghị cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị thường niên ASCN lần thứ 5 vào tháng 11/2021 và các hoạt động trong giai đoạn tới. Cũng tại Hội nghị, Singapore được bầu là quốc gia hướng dẫn ASCN cho 2 năm tới, đồng thời giới thiệu Campuchia giữ vai trò Chủ tịch ASCN cho năm 2022. Phương Thanh

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản hỏa tốc số 1104/TTg-KSTT gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính. Cà Mau đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN. Văn bản nêu rõ, để thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương “Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực” (Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương); giao Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính” (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030).   Triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đạt mục tiêu phân cấp ít nhất 20% thủ tục hành chính. Phương án đề xuất phân cấp bao gồm: Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công, phân cấp cho Bộ, địa phương; Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của bộ phân cấp cho địa phương; Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền địa phương cần tiếp tục phân cấp. Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất phương án phân cấp (sau đây gọi là Báo cáo) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nêu cụ thể nội dung, lý do phân cấp đối với từng thủ tục hành chính; tên điều, khoản văn bản cần sửa đổi và nội dung dự kiến sửa đổi; lợi ích mang lại... Các địa phương xây dựng báo cáo, gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan trước ngày 15/11/2021; trên cơ sở kết quả rà soát và báo cáo của địa phương, các Bộ, cơ quan xây dựng báo cáo, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2021 để tổng hợp, phục vụ xây dựng Đề án.   Các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của các phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.   Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng Đề án, bảo đảm tiến độ và chất lượng; phối hợp chặt chẽ và kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc với Văn phòng Chính phủ trong quá trình thực hiện.   Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn rà soát, đánh giá, đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó nêu rõ yêu cầu, đối tượng, phạm vi, cách thức triển khai, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương; triển khai các biểu mẫu rà soát điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và tổ chức tập huấn nghiệp vụ rà soát để tạo thuận lợi cho các Bộ, cơ quan, địa phương; hoàn thành trước ngày 30/9/2021. Tổ chức rà soát độc lập, huy động sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp... đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của phương án phân cấp tại dự thảo Đề án.   Đối với báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt mục tiêu, Văn phòng Chính phủ đề nghị bộ, cơ quan tiếp tục rà soát và gửi lại báo cáo, bảo đảm đạt mục tiêu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành trước ngày 15/01/2022.   Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan, địa phương và kết quả rà soát độc lập, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính”, kèm theo phương án phân cấp đối với từng thủ tục hành chính cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong tháng 3/2022. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình rà soát, đề xuất phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng Đề án. Theo moha.gov.vn

Chủ tịch nước gửi thư tới gia đình anh Vũ Quốc Cường - người tích cực hoạt động thiện nguyện, mất vì nhiễm virus SARS- CoV-2

Ngày 28/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi chị Nguyễn Thị Tuyết Lan vợ anh Vũ Quốc Cường, người tích cực hoạt động thiện nguyện, đã qua đời vì nhiễm virus SARS- CoV-2. VPCTN trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Chủ tịch nước: "Chị Tuyết Lan thân mến, Tôi rất buồn khi biết tin anh Vũ Quốc Cường đã qua đời vì nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 22/8/2021. Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội. Với lẽ đó, tôi mong chị cùng với các cháu và gia đình ta lúc này hãy mạnh mẽ như cách sống, niềm tin và tinh thần thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường. Xin nén đau thương và hãy tự hào về người chồng, người cha, người con, người bạn của mình. Sự ra đi của anh Cường không chỉ là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hình ảnh kiên cường, tận tâm của anh với cộng đồng trong lúc khó khăn, mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự quả cảm và những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội, sẵn sàng phụng sự, dấn thân vì cộng đồng, về tinh thần một Việt Nam. Và tôi càng thêm xúc động khi một cháu là con của anh, chị cũng đang tham gia tuyến đầu chống dịch. Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm trình, đề xuất tôn vinh tấm gương hy sinh, cống hiến của anh Vũ Quốc Cường. Qua đây, Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước các cấp kịp thời phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương sáng, sẵn sàng xả thân, hy sinh quên mình vì cộng đồng, những trái tim thiện nguyện đôi khi không ồn ào mà lặng lẽ đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn. Những con người bình dị nhưng phi thường đó, tôi tin rằng họ đã sống và làm theo tấm gương của cha ông mình, những người anh hùng vệ quốc thời chiến. Trân trọng! Nguyễn Xuân Phúc" Theo vpctn.gov.vn

Tăng cường lực lượng đồng hành cùng các tôn giáo, chung tay phòng, chống dịch bệnh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Tổ công tác tập trung hướng dẫn, vận động các chức sắc, chức việc, huy động các lực lượng, tín đồ tôn giáo chung tay, nỗ lực quyết tâm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Thực hiện việc lớn nhất là tạo ra sức mạnh toàn dân, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo để chung tay cùng cộng đồng chống dịch.  Lãnh đạo Bộ Nội vụ gặp mặt động viên Tổ công tác trước khi tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ngày 27/8, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức buổi gặp mặt cán bộ, công chức Ban Tôn giáo Chính phủ tham gia Tổ công tác tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Theo kế hoạch của Bộ Nội vụ, việc tăng cường lực lượng thực hiện nhiệm vụ công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại các tỉnh phía Nam được chia thành 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 27/8 đến 15/9, với các thành viên của Tổ công tác gồm có ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Đào Huy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo; ông Nguyễn Hồng Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và Các tôn giáo khác; ông Nguyễn Ngọc Huấn, Chuyên viên chính Vụ Cao Đài; ông Trần Trọng Tú, Chuyên viên Vụ Tin Lành và ông Lê Đức Dũng, Chuyên viên Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường lực lượng vào các tỉnh phía Nam để chủ động, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ cho chủ trương xử lý đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc; tiếp tục huy động nguồn lực của các tôn giáo tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trước tình hình khó khăn hiện nay, các ngành Y tế, Quân đội, Công an đã tập trung vào cuộc để chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các tổ chức tôn giáo cũng đã đồng hành, chung tay đóng góp hơn 10 tỷ đồng, huy động nguồn lực để tổ chức các hoạt động thiện nguyện với hơn 200 tỷ đồng. Nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình, phát huy những giá trị, tinh thần, sức mạnh dân tộc, tập trung nguồn lực toàn diện cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như: gian hàng 0 đồng, tủ lạnh cộng đồng, siêu thị 0 đồng, cây ATM gạo, bếp yêu thương… Các tổ chức tôn giáo đã vận động các tín đồ tham gia hiệu quả công tác phòng, chống dịch, trong đó có vai trò của Ban Tôn giáo Chính phủ đã hướng dẫn, vận động, tuyên truyền lan tỏa tốt các phong trào, cùng toàn dân chung tay thực hiện mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giao nhiệm vụ cho Tổ công tác. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động của Ban Tôn giáo Chính phủ, góp phần vào kết quả chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, lực lượng trực tiếp ở tuyến đầu của Ban Tôn giáo Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang làm việc rất vất vả, khó khăn. Do đó, cần có lực lượng tăng cường để đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng là vừa vận động, hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo để họ tuyên truyền, vận động tín đồ tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ vừa phát động là cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch và chiến thắng dịch COVID-19. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Tổ công tác tập trung hướng dẫn, vận động các chức sắc, chức việc, huy động các lực lượng, tín đồ tôn giáo chung tay, nỗ lực quyết tâm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Thực hiện việc lớn nhất là tạo ra sức mạnh toàn dân, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo để chung tay cùng cộng đồng chống dịch.  Tuyên truyền các chức sắc, chức việc phát huy tối đa nguồn lực lớn của các tín đồ tôn giáo, chung tay đóng góp cho quỹ phòng, chống dịch, quỹ vaccine, tổ chức các hoạt động thiện nguyện hiệu quả để chia sẻ với các tín đồ và người dân gặp khó khăn do đại dịch, đảm bảo an toàn chung cho người dân và các tín đồ. Từ nay đến cuối năm có nhiều hoạt động, Bộ trưởng đề nghị Tổ công tác hướng dẫn cách thức tổ chức an toàn chung cho cộng đồng, tín đồ, để không xảy ra các vi phạm trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, phối hợp tốt với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để vừa nắm bắt tốt tình hình, diễn biến chung để có sự hỗ trợ, hướng dẫn đối với các chức sắc, chức việc, vận động tín đồ, quần chúng Nhân dân chấp hành quy định về phòng chống dịch, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi dịch bệnh. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà  đề nghị mỗi cá nhân của Tổ công tác cần năng động, sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất, công việc cụ thể nhất, đóng góp tích cực, đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo để ngăn chặn đại dịch; đặc biệt, phải giữ gìn sức khỏe tốt, chấp hành nghiêm quy định để không ai bị nhiễm bệnh Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng, với tinh thần xung phong, sẵn sàng nhận nhiệm vụ với quyết tâm cao, Tổ công tác sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chung trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Thay mặt Tổ công tác, đồng chí Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác khẳng định, sẽ động viên thành viên Tổ công tác khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo sức khỏe, thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./ Theo baochinhphu.vn  

Bệnh viện K tăng cường 50 cán bộ y tế tiếp tục chi viện miền Nam chống dịch

TĐKT - Ngày 27/8, Bệnh viện K đã tổ chức Lễ xuất quân lần 4 đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Nam. 50 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện K sẽ nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2. Cán bộ tham gia đoàn công tác đã được xét nghiệm sàng lọc và tiêm phòng COVID-19 từ trước. Đến dự chương trình có: TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện; PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bệnh viện K; ThS.BS Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện; TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện; TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện; ThS.BS Nguyễn Công Hoàng, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện và đại diện lãnh đạo một số đơn vị đã tham dự động viên Đoàn công tác. Lễ xuất quân Trước đó từ ngày 27/7 đến ngày 18/8, 3 đoàn công tác của Bệnh viện K đã lên đường chi viện miền Nam, làm việc tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở II hiện đang điều trị hồi sức cho người bệnh COVID-19 và Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương, tại tỉnh Đồng Nai – Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. Tại Lễ xuất quân lần 4, TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện và PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K đã động viên, chia sẻ, dặn dò 50 cán bộ tham gia đoàn công tác, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ vừa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại phía Nam để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân COVID-19 và giữ an toàn cho bản thân để sớm trở về trong chiến thắng.​ Là cán bộ nữ nhưng với tinh thần xung phong, điều dưỡng Trần Thị Minh Hoa, Khoa Ngoại gan mật tụy không bày tỏ sự lo lắng trong chuyến công tác này: “Đây là lần đầu tiên tham gia chi viện cho công tác chống dịch tại địa phương khác, nhưng bản thân em luôn muốn cống hiến và đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để cùng các đồng nghiệp đón đợi chiến thắng chung. Em rất xúc động vì được các thầy trong Ban Lãnh đạo bệnh viện động viên, căn dặn tỉ mỉ; ở khoa, các cô, chú, anh chị cũng nhắn nhủ nhiều điều; đồng nghiệp hiện đang ở miền Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm rất đáng quý nên em và các anh chị đồng nghiệp lên đường trong tâm thế sẵn sàng. Chiến thắng mới trở về”. BSNT Nguyễn Trường Giang, Khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện K - Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Đây là lần xuất quân đợt 4 tăng cường hỗ trợ y tế phía Nam, vì vậy chúng tôi có nhiều kinh nghiệm từ các anh chị em đồng nghiệp của tôi đã vào miền Nam chống dịch từ trước. Do đó, mọi người đều sẵn sàng góp sức trong lần dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tinh thần các “chiến sĩ” lên đường rất tự tin, phấn khởi để chia sẻ khó khăn, quá tải của lực lượng tuyến đầu miền Nam. Tôi và cả đoàn quyết tâm sớm vượt qua và trở về.” Ban Lãnh đạo Bệnh viện đã trao hoa động viên và thư cảm ơn cùng quà của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đoàn công tác. Trong buổi Lễ, ông Lưu Quang Hiệp, Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Đống Đa cũng đã đến trao quà động viên đoàn. Hồng Thiết

Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và các phương án triển khai khi có trường hợp mắc COVID-19

Thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cương các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc; Công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị và Quyết định số 861/QĐ-BCĐ ngày 14/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ về việc phê duyệt phương án đảm bảo công tác y tế tại Bộ Nội vụ đối với tình huống có trên 250.000 người mắc COVID-19 trên cả nước, ngày 26/8/2021, Bộ Nội vụ Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các phương án triển khai khi có các trường hợp mắc COVID-19. Kế hoạch được ban hành nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép và hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động của Bộ Nội vụ. Đồng thời, xây dựng các phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo các mức độ nguy cơ. Chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực; thành lập Tổ an toàn COVID-19 theo các phương án chống dịch đề ra. Xem chi tiết Kế hoạch tại đây./. Theo tcnn.vn

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ và Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945-28/8/2021), thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và nhân danh cá nhân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi Thư chúc mừng tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ. Tạp chí Thi đua Khen thưởng trân trọng đăng toàn văn Thư chúc mừng của Bộ trưởng.

Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9 và 10/2021 vào cùng một kỳ

TĐKT - BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 2675/BHXH-TCKT gửi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9 và 10 năm 2021 vào cùng một kỳ chi trả. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, để công tác chi trả đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, cũng như phát huy tinh thần quyết tâm cùng các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tại Công văn này, BHXH Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9 và tháng 10 năm 2021 vào cùng một kỳ chi trả. Chi trả lương hưu vào cùng 1 kỳ đảm bảo an toàn phòng dịch Thứ hai, BHXH tỉnh phối hợp cùng với Bưu điện tỉnh căn cứ vào diễn biến tình hình dịch Covid-19 của từng địa phương, xây dựng phương án tổ chức chi trả cho người hưởng nhận bằng tiền mặt đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo đúng mục tiêu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo, đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương khuyến nghị người hưởng đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân để hạn chế đi lại, tiếp xúc và được chi trả kịp thời. Đồng thời, kết hợp đẩy mạnh các giải pháp vận động khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân, tích cực tuyên truyền về tính ưu việt của việc nhận chế độ qua tài khoản cá nhân trong giai đoạn hiện nay. Thứ ba, tổ chức chi trả, tránh tập trung đông người đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người hưởng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thông báo cho người hưởng biết các nội dung thay đổi về phương thức chi trả, thời gian chi trả, địa điểm chi trả để thực hiện. Ngoài ra, tại các điểm chi trả, chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang, sát khuẩn miễn phí; yêu cầu nhân viên chi trả, người hưởng phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, đặc biệt phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. Đây là lần thứ 4 trong năm 2021, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã chủ động, linh hoạt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp cùng ngành Bưu điện tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng vào cùng một kỳ chi trả (trước đó có kỳ chi trả gộp tháng 3 - 4/2021; tháng 5 - 6/2021 và tháng 7 - 8/2021) để đảm bảo quyền lợi cho người hưởng được đầy đủ, kịp thời, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngành cũng đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người lao động, như: Chủ động, tích cực xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng kịp thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều đại phương; cải cách và rút gọn thời gian giải quyết các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68-NQ/CP xuống không quá 1 ngày làm việc; cung cấp các dịch vụ công liên quan đến hồ sơ thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ về BHXH, BHYT trên Cổng dịch vụ công của ngành cũng như Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT, không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT… Hồng Thiết

Hướng dẫn thay đổi thông tin giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH

TĐKT - BHXH Việt Nam vừa triển khai chức năng điều chỉnh thông tin giao dịch điện tử cá nhân, thông tin người tham gia trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam (tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/) nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung, điều chỉnh, cập nhật thông tin vào hồ sơ giao dịch của người tham gia. Các thông tin có thể thay đổi trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam gồm: Họ tên, giới tính, ngày sinh, số CCCD/CMND/Hộ chiếu, điện thoại, email, địa chỉ liên hệ, ảnh chân dung, ảnh mặt trước - mặt sau CCCD/CMND/Hộ chiếu (ảnh giấy khai sinh đối với người được giám hộ). Lưu ý, khi thay đổi một trong các các thông tin: Họ tên, giới tính, ngày sinh sẽ phát sinh đồng thời: Hồ sơ đăng ký, điều chỉnh thông tin giao dịch điện tử (Mẫu số 01 ban hành kèm Công văn số 5236/VBHN-BLĐTBXH ngày 13/12/2018 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp); Hồ sơ giao dịch điện tử theo thủ tục 608a - Cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT do thay đổi thông tin nhân thân. Để thực hiện việc thay đổi thông tin, người tham gia làm theo các bước sau: Bước 1: Đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam Truy cập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn Chọn "Đăng nhập". Chọn đăng nhập bằng tài khoản Cá nhân, nhập mã số BHXH, mật khẩu, mã kiểm tra rồi nhấn "Đăng nhập". Bước 2: Thay đổi thông tin. Nhấn vào tên tài khoản (góc trên bên trái màn hình sau khi đăng nhập thành công), chọn "Thông tin tài khoản". Tại cửa sổ Thông tin tài khoản, chọn biểu tượng hình chiếc bút hoặc chiếc ghim tại các trường thông tin để thay đổi, bổ sung thông tin: Sau khi cập nhật các thông tin cần thay đổi hoặc bổ sung, nhập mã kiểm tra rồi nhấm "Ghi nhận". Nhập mã OTP gửi về số điện thoại đã đăng ký, nhấn "Xác nhận". Gửi hồ sơ thay đổi thông tin thành công, hệ thống hiển thị thông báo như hình dưới: Theo đó, đối với thay đổi địa chỉ liên hệ: Hệ thống tự động phê duyệt. Đối với thay đổi địa chỉ email: Hệ thống kiểm tra, nếu email chưa tồn tại trong hệ thống sẽ cho phép tự động cập nhật. Đối với thay đổi số điện thoại: Hệ thống sẽ gửi mã OTP đến số điện thoại hiện tại và số điện thoại mới (thay đổi), nếu nhập đúng mã OTP, hệ thống sẽ tự động cập nhật thay đổi số điện thoại. Các thông tin khác sẽ được cập nhật ngay sau khi hồ sơ điều chỉnh thông tin được phê duyệt. Cơ quan BHXH phê duyệt hồ sơ điều chỉnh thông tin trên cơ sở các thông tin đã được phê duyệt trước đó, thông tin xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu đang quản lý và các giấy tờ kèm theo hồ sơ điều chỉnh thông tin. Hồng Thiết

Trang