Chính trị - Xã hội

Lễ tổng kết Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

TĐKT - Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tổng kết cuộc thi trắc nghiệm "Chung tay phòng, chống dịch COVID-19". Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Lễ tổng kết. Cuộc thi được tổ chức trên mạng xã hội VCnet nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch COVID-19, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, quy định về phòng, chống dịch bệnh cho mọi người dân. Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, cuộc thi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam hướng tới thích ứng an toàn, linh hoạt, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 15 tuần, Cuộc thi đã luôn đáp ứng tính thời sự, các câu hỏi trắc nghiệm cập nhật kịp thời các văn bản chính sách hướng dẫn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa các điển hình, tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống dịch, đồng thời cổ vũ, động viên các cấp, ngành, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài… cùng chung sức đồng lòng và quyết tâm phòng, chống dịch. Cuộc thi diễn ra từ ngày 13/10/2021 đến 26/1/2022, thu hút 1.921.559 lượt người (tài khoản VCNet) tham gia với 4.890.662 lượt thi. Tổng số 472.513 lượt người đã trả lời đúng cả 5 câu hỏi. Các tỉnh, thành phố dẫn đầu về số người dự thi là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Quảng Ngãi… Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng, chống dịch COVID-19 Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Xuân Tuyên khẳng định, sau gần 4 tháng tổ chức, Cuộc thi đạt được nhiều kết quả quan trọng, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu, dự thi của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo sức lan tỏa to lớn trong xã hội. Nhiều cá nhân đã đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu, dự thi rất nhiệt tình, nghiêm túc, hiệu quả. Nhờ đó, Cuộc thi không chỉ góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các kiến thức, quy định, pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng, mà còn góp phần xây dựng thói quen lành mạnh, trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Quá trình mở kết quả thi trắc nghiệm hàng tuần được thực hiện nghiêm túc, khách quan, trung thực với tinh thần trách nhiệm cao. Đối với người dự thi đoạt giải, Ban Tổ chức nhanh chóng liên hệ, xác minh thông tin cá nhân để kịp thời chuyển tiền giải thưởng và cấp Giấy chứng nhận đoạt giải. Cụ thể, sau 15 tuần thi, Ban Tổ chức đã trao 15 giải Nhất, 30 giải Nhì, 45 giải Ba với tổng số tiền thưởng là 120 triệu đồng. Nhiều cơ quan báo chí của các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước đã đưa tin, dẫn đường link của Cuộc thi; đến nay đã có trên 50 triệu lượt truy cập, tìm hiểu kiến thức từ các nguồn thông tin, tư liệu phòng, chống dịch COVID-19 trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và mạng xã hội VCNet. Hồng Thiết

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và môi trường

TĐKT - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW) với chủ đề: “Đạt bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xây dựng chương trình và chính sách về giảm thiểu rủi ro thiên tai và môi trường”. Khóa họp diễn ra từ ngày 14 đến 25/3/2022 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ với sự tham dự của các đoàn đại biểu cấp cao từ gần 200 quốc gia thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có 1 Tổng thống, 1 Phó Tổng thống, 2 Thủ tướng, 1 Phó Thủ tướng và gần 130 Bộ trưởng và tương đương làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn và các thành viên gồm đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Vụ Các Tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham dự. Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung Khóa họp CSW-66 năm nay thảo luận về vấn đề được coi là cấp bách nhất và thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại và tương lai của trái đất, đó là biến đổi khí hậu cùng với những hệ quả về thảm họa thiên tai và môi trường; các giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu và việc lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và chính sách liên quan. Các nội dung này được xem xét, phân tích, thảo luận tại các phiên họp chính thức và hơn 200 sự kiện bên lề của Khóa họp. Phiên thảo luận chung được xem là phiên họp quan trọng nhất, với sự tham dự đầy đủ của các trưởng đoàn đại diện cho các quốc gia thành viên nhằm rà soát, đánh giá việc thực hiện kết quả của Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ và Khóa họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chủ đề ưu tiên. Tại phiên thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của Khóa họp. Chủ đề này cũng hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam hiện nay. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều chính sách, chiến lược, Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng trưởng xanh, giảm nghèo, phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đã được xây dựng và triển khai thực hiện, trong đó vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép và bao trùm trong các chính sách này. Quá trình xây dựng và triển khai chính sách, sự đóng góp, phản biện và đề xuất của phụ nữ và các tổ chức đại diện cho phụ nữ đóng vai trò quan trọng, được ghi nhận và tiếp thu nghiêm túc. Nhiều hoạt động được đã triển khai như: Truyền thông, nâng cao nhận thức; tăng cường kỹ năng ứng phó; xây dựng các mô hình sinh kế bền vững và thay thế phù hợp; các cuộc vận động bảo vệ môi trường,... đem lại những kết quả tích cực, góp phần giúp phụ nữ và trẻ em gái thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Đóng góp vào nỗ lực chung trên toàn cầu, năm 2018 Việt Nam đã chủ trì xây dựng Nghị quyết của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và quyền con người, kêu gọi các quốc gia áp dụng cách tiếp cận toàn diện, tích hợp và đáp ứng giới đối với các chính sách nhằm giải quyết hiệu quả các tác động và thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hỗ trợ khả năng chống chịu và thích ứng của phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2020, Việt Nam cũng đệ trình cập nhật đóng góp do quốc gia quyết định, trong đó bình đẳng giới là một điểm nhấn quan trọng và xuyên suốt. Tại Hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Mục tiêu này không chỉ hướng đến những kết quả cụ thể trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu mà còn mang lại những lợi ích to lớn về an sinh xã hội và bình đẳng giới. Với quan điểm “mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”, bài phát biểu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế, quyết tâm và cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được bình đẳng giới cũng như trao quyền đầy đủ cho phụ nữ và trẻ em gái. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm của các nước phát triển đã cam kết để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đạt được, Việt Nam kêu gọi các quốc gia đoàn kết, san sẻ trách nhiệm và tương trợ lẫn nhau nhiều hơn, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết về tài chính khí hậu đã đưa ra để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện bình đẳng giới. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh: Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực và quyết tâm mang đến một tương lai xanh, an toàn, bình đẳng và trao quyền đầy đủ cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; trên chặng đường này, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của Liên hợp quốc cũng như các quốc gia thành viên. Phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh và nhất trí cao của các đoàn đại biểu tham dự Khóa họp. Hiện tại, các phiên họp tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung nghị sự quan trọng, đoàn đại biểu Việt Nam tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận. Kết quả của Khóa họp được kỳ vọng sẽ gợi mở nhiều định hướng quan trọng cho công tác hoạch định và thực thi chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái cho các quốc gia trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Hồng Thiết

Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái khu vực Đông Nam Á chịu tác động bởi đại dịch COVID-19

TĐKT - Chủ đề “Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bị tác động bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực” đã được tổ chức đối thoại trực tuyến giữa các Lãnh đạo nữ khu vực Đông Nam Á và Australia tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là ý tưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L. P. Marsudi. Sự kiện được tổ chức giữa Australia và hơn 30 nữ Lãnh đạo khu vực Đông Nam Á với mục đích trao đổi, đánh giá các tác động của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực, từ đó đưa ra các giải pháp để tăng quyền cho nhóm này. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đối thoại Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội, đe dọa những thành tựu về bình đẳng giới của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đặc biệt phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn như chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ bằng tiền, cho vay vốn. Trong đó, lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em là F0, F1; trẻ em mồ côi do COVID-19 và trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 nhận được hỗ trợ bổ sung ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng được tăng cường. Với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, năm 2022 Chính phủ Việt Nam ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 5 nhóm giải pháp cụ thể: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động; rà soát, tiếp tục đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Các chính sách đều được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể nhằm đảm bảo các quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Omicron, điều này đặt ra các thách thức lớn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, cũng như triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt với những đối tượng yếu thế như lao động nữ trong khu vực phi chính thức, lao động nữ di cư.  “Chúng tôi mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bạn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và áp dụng phù hợp vào bối cảnh của Việt Nam, đồng thời đề xuất Australia và các quốc gia ASEAN tiếp tục hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế vì tương lai tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu. Thông qua Đối thoại, Việt Nam bày tỏ mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và áp dụng phù hợp vào bối cảnh của đất nước. Đồng thời, tiếp tục hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế vì tương lai tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái. Hồng Thiết

Hiệu quả từ mô hình nuôi “heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” tại tỉnh Trà Vinh

TĐKT - Tham gia chính sách BHXH tự nguyện, người lao động tự do có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí (trong suốt quá trình hưởng lương hưu) để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già. Với ý nghĩa, lợi ích thiết thực đó, trên cả nước đã và đang xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để giúp người dân tham gia lưới an sinh BHXH, BHYT. Trong đó, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Lễ ra mắt mô hình Ra đời từ năm 2020, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trà Vinh đến nay đã được triển khai và nhân rộng với 40 Tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh. Tham gia mô hình nuôi heo đất, mỗi chị em hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hằng ngày bỏ vào con heo đất, đến kỳ sinh hoạt của Chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với mức đóng phù hợp. Bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm mà còn yên tâm, tự tin lo cho tương lai khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT nhờ tham gia BHXH tự nguyện ngay khi còn trẻ. Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Với mô hình này, chỉ trong năm 2021, Hội LHPN tỉnh đã vận động, phát triển được 1.583 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020), đạt 158,3% chỉ tiêu kế hoạch BHXH tỉnh giao. Kết quả này đã góp phần cùng BHXH tỉnh hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong năm 2021 với 19.433 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ hơn 3,86% lực lượng lao động của tỉnh. Đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy Trà Vinh giao về số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021 theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 19/01/2021 (đạt 3% lực lượng lao động trong độ tuổi). Các hội viên cùng nhau nuôi lợn tiết kiệm Vừa khui heo đất với thành quả sau 1 tháng tiết kiệm, bà Trần Thị Hết - Xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh phấn khởi nói: “Tôi tham gia nuôi heo đất này được hơn 1 năm rồi. Mỗi ngày, tôi bỏ vào heo 10.000 đồng nhưng cũng có khi hai, ba ngày mới tích góp được hai chục thì tôi bỏ hai chục; năm, bảy ngàn thì bỏ năm, bảy ngàn. Bây giờ làm sao để cố gắng dành dụm nuôi heo cho nó mập lên và tiếp tục đóng BHXH tự nguyện hằng tháng, sau này không phải phụ thuộc vào con cháu”. Bà Nguyễn Thị Thu - xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang năm nay 60 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn khi phải nuôi cháu nhỏ, nhưng bà vẫn hứng khởi tham gia vào Tổ nuôi heo đất. Mỗi ngày tiết kiệm một chút, bà tin rằng sau này khi không còn lao động được nữa, bà sẽ có một chỗ dựa tài chính, an tâm trang trải cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe. Bà Thu tâm sự: “Tham gia BHXH này rất là tốt, sau này, mình được lĩnh lương hưu hằng tháng cũng đỡ gánh nặng cho con cháu. Mình lại còn có cả thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh, không phải lo vì tốn tiền chữa bệnh nữa”. Không chỉ bà Hết, bà Thu, hàng trăm chị em phụ nữ khác tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cũng đang là hội viên tích cực tham gia mô hình này. Tiếp nối thành công triển khai mô hình “Góp vốn xoay vòng” để tham gia BHYT hộ gia đình, năm 2020, Hội LHPN huyện Cầu Ngang đã ra mắt mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm mua BHXH tự nguyện cho hội viên”. Ngay sau khi Hội LHPN huyện Cầu Ngang kêu gọi thành lập Tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm mua BHXH tự nguyện, rất nhanh chóng các bà, các cô và các chị em đều phấn khởi tham gia.Nhờ đó, năm 2020 - năm đầu tiên triển khai mô hình mới này, huyện Cầu Ngang đã có 1.971 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 220% so với năm 2019. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đến nay, toàn huyện đã phát triển được 32 Tổ phụ nữ nuôi heo đất, với mỗi tổ ít nhất 15 thành viên. Đánh giá hiệu quả của mô hình này tại địa bàn, bà Võ Thị Thúy Hằng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang cho biết, đây là mô hình hết sức thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của chị em hội viên phụ nữ địa phương. Trước đây, chỉ có cán bộ, công chức nhà nước mới có lương hưu nhưng nay thông qua chính sách BHXH tự nguyện, người lao động tự do cũng có cơ hội được hưởng lương hưu. “Có thể nói chính sách này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như hội viên phụ nữ…”, bà Hằng chia sẻ. Để góp phần động viên, đồng thời trực tiếp tư vấn, giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện cho bà con, định kỳ hàng tháng, Tổ công tác BHXH huyện Cầu Ngang xuống tận địa phương gặp gỡ và trao tặng các thành viên của Tổ nuôi heo đất những chú heo mới. Những buổi giao lưu, gặp gỡ này không chỉ góp phần tuyên truyền, đưa chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân, mà còn đem đến niềm vui, niềm tin về điểm tựa an sinh cho các chị em, và rồi chính họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trên quê hương mình với niềm tin rồi sẽ có nhiều chị em tham gia BHXH tự ngụtênh để có cuộc  sống thảnh thơi hơn khi về già. Phát huy những kết quả đạt được, ông Ngọc Phương Thanh - Giám đốc BHXH huyện Cầu Ngang thông tin, trong năm 2022, BHXH huyện và Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, cách làm hay này đến tất cả các ấp. Mục tiêu đặt ra mỗi ấp phải có ít nhất 1 Tổ nuôi heo đất tiết kiệm để giúp người dân có điều kiện tiếp cận và tham gia chính sách BHXH tự nguyện nhân văn này của Đảng và Nhà nước. Có thể nói, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” tại tỉnh Trà Vinh đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Bên cạnh 40 Tổ nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, hiện toàn tỉnh Trà Vinh còn có 62 Tổ tiết kiệm tham gia BHYT và mô hình này sẽ tiếp tục được Hội LHPN phối hợp BHXH tỉnh phát triển, nhân rộng trong thời gian tới để góp phần thúc đẩy mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn. Hồng Thiết

Mổ cấp cứu cứu sống bệnh nhân Covid-19 đột ngột chảy máu dữ dội do bị rò đại tràng sau mổ

TĐKT - Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã mổ cấp cứu kịp thời, cứu sống nam bệnh nhân 46 tuổi mắc Covid-19 nguy kịch, chảy máu dữ dội qua vết mổ thành bụng sau mổ đại tràng. BSCKII Lê Nhật Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Hậu môn trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh nhân Đ.D.H được bệnh viện tuyến trước đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu với chẩn đoán: Rò đại tràng sau mổ và nhiễm Covid-19. 2h sáng ngày 14/3, bệnh nhân đột ngột chảy máu dữ dội qua vết mổ thành bụng, bệnh nhân bắt đầu lơ mơ, mạch nhanh 120 lần/phút, tụt huyết áp (70/40 mmHg). Ngay lập tức, kíp trực ngoại phối hợp cùng các bác sĩ gây mê hồi sức chuyển bệnh nhân vào phòng mổ áp lực âm. Ca mổ được tiến hành chỉ sau khoảng 30 phút từ khi bệnh nhân có dấu hiệu chảy máu. Mổ cấp cứu cứu sống bệnh nhân Covid-19 đột ngột chảy máu dữ dội do bị rò đại tràng sau mổ “Bệnh nhân đã được phẫu thuật khâu cầm máu động mạch vị mạc nối phải (do áp xe trong ổ bụng hoại tử thủng vào mạch máu), cắt bỏ phần đại tràng bị rò, làm sạch ổ bụng... Sau mổ, bệnh nhân được chuyển đến Đơn vị thu dung và Điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tiếp tục thở máy và hồi sức. 3 ngày sau mổ, được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng tại đây, bệnh nhân đã rút được máy thở và chuyển về phòng điều trị người bệnh Covid-19 tại Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn theo dõi và điều trị tiếp”, BS Lê Nhật Huy cho biết thêm. Hiện nay, với số ca mắc Covid-19 lên tới hàng trăm nghìn ca mỗi ngày, kéo theo số người bệnh Covid-19 phải mổ cấp cứu cũng tăng theo. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi ngày đều có bệnh nhân Covid-19 cần phải mổ cấp cứu. Bệnh viện đã hoàn toàn chủ động trong việc tiếp nhận, cấp cứu, mổ cấp cứu, hồi sức sau mổ và chăm sóc điều trị người bệnh Covid-19 sau mổ, đảm bảo tính linh hoạt cũng như dần đưa bệnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu ở người bệnh nói chung và người bệnh cần phẫu thuật nói riêng. Hồng Thiết

Kỳ vọng tạo ra nhiều đột phá trong thực hiện chính sách BHYT

TĐKT - Trong khuôn khổ chuyến thăm của Đoàn cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam, BHXH Việt Nam và USABC đã có buổi làm việc thảo luận về Kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 cơ quan. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã giới thiệu khái quát về tình hình thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Theo đó, trải qua 30 năm thực hiện chính sách BHYT, đến cuối năm 2021, tại Việt Nam số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, bao phủ hơn 91% dân số. Mỗi năm quỹ BHYT chi trả hàng trăm nghìn tỷ đồng, đóng góp cơ chế tài chính trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, chi thuốc chiếm khoảng 36%, chi vật tư y tế (VTYT) chiếm khoảng 10%. Quang cảnh buổi làm việc Tuy nhiên, nhu cầu được tiếp cận thuốc mới, thuốc hiệu quả trong điều trị bệnh, tiếp cận vật tư y tế (VTYT) mới, công nghệ y tế mới tiếp tục gia tăng nhưng nguồn lực tài chính quỹ BHYT có giới hạn, đặt ra sự cần thiết phải có các công cụ, quy trình xác định phạm vi thanh toán đối với danh mục thuốc, VTYT, dịch vụ kỹ thuật và chiến lược mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế hiệu quả để đảm bảo việc chi tiêu hiệu quả và chính sách BHYT phát triển bền vững. Mặc dù bước đầu các hình thức mua sắm mới về thuốc, VTYT ở Việt Nam thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên việc học hỏi, tìm kiếm các chiến lược mua sắm hiệu quả, bền vững vẫn được đặt ra và được xác định có vai trò quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Luật BHYT đang trong quá trình sửa đổi cũng đòi hỏi tìm kiếm các giải pháp bền vững về tài chính để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người dân… Vì vậy, việc hợp tác với USABC trong lĩnh vực BHYT là rất cần thiết. BHXH Việt Nam mong muốn được USABC chia sẻ các thực tiễn tốt nhất của thế giới và các mô hình hợp tác để hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, chính sách BHYT, chính sách về quản lý dược phẩm, bao gồm cả lĩnh vực đấu thầu, đàm phán giá thuốc một cách bền vững ở Việt Nam với khả năng tiếp cận tốt nhất với các sản phẩm y tế sáng tạo. Đại diện Đoàn công tác của USABC, ông Michael Michalak - Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá, việc BHXH Việt Nam và USABC ký Bản ghi nhớ hợp tác trong thực hiện chính sách BHYT là một dấu mốc, khởi đầu thuận lợi cho sự hợp tác. Các doanh nghiệp thành viên của Hội đồng luôn sẵn sàng và mong muốn được triển khai các dự án, công việc, cung cấp nguồn lực để Việt Nam cải thiện chính sách BHYT, hệ thống y tế của mình. “Tôi tin tưởng rằng sau buổi làm việc hôm nay, chúng ta sẽ có tiền đề để thực hiện việc hợp tác công tư tốt hơn trong lĩnh vực BHYT của Việt Nam và đạt được mục tiêu của các dự án trong khuôn khổ Bản ghi nhớ giữa BHXH Việt Nam và USABC”- ông Michael Michalak nói. Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thảo luận, trao đổi về các lĩnh vực đã được đưa vào Bản ghi nhớ hợp tác gồm: Thứ nhất, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển BHYT toàn dân bền vững: Cải thiện, duy trì sự ổn định và bền vững về bao phủ BHYT và quỹ BHYT; thứ hai, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực hiện giám định thanh toán BHYT; thứ ba, xây dựng các phương pháp, chỉ số, mô hình đánh giá chất lượng, chi phí, giá cả của các dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế trong thanh toán BHYT; thứ tư, đánh giá các quy trình, các phương thức liên quan đến chi trả BHYT đối với dịch vụ y tế, dược phẩm, trang thiết bị y tế và vật tư y tế. Thứ năm, chia sẻ về việc thanh toán thuốc biệt dược gốc, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế, việc sử dụng thuốc biệt dược gốc khi đã có thuốc generic thay thế. Thứ sáu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế, việc thực hiện đàm phán giá thuốc. Thứ  bảy, trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp trong xây dựng khung pháp chế và thực hành quản lý dược phẩm, bao gồm cả đấu thầu thuốc. Thứ tám, chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt về mô hình quản lý thống nhất dược phẩm và các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Thứ chín, hỗ trợ, phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, thông tin khoa học; hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo cán bộ, tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số nước có trình độ quản lý, công nghệ về lĩnh vực dược phẩm. Tại mỗi lĩnh vực đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp của USABC đã phát biểu, trình bày các dự án, phương pháp, đề xuất liên quan. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đánh giá cao các dự án, đề xuất này và nhấn mạnh hầu hết đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của BHXH Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo BHXH Việt Nam và USABC thống nhất các mục tiêu, chương trình chung; đồng thời nhận định, các dự án dự kiến được triển khai là rất lớn, phức tạp nên sau buổi làm việc, hai bên sẽ cử các chuyên gia theo từng lĩnh vực để đánh giá, trao đổi sâu hơn về các dự án; đồng thời tổ chức các chuỗi hội thảo trong từng lĩnh vực hợp tác. Từ đó, hai bên sẽ đưa ra chương trình hành động cụ thể, biến các mục tiêu, nhiệm vụ trong Bản ghi nhớ thành hiện thực, tạo bước đột phá trong thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam. Hồng Thiết

Đồng chí Hà Thị Nga tái đắc cử Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

TĐKT - Chiều 10/3, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam lần thứ nhất, khóa XIII (nhiệm kỳ 2022 - 2027), đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII Hà Thị Nga Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các đại biểu đã bầu 155 ủy viên Ban Chấp hành khóa mới, giảm 8 người (tương đương với 5%) so với khóa trước. Với sự tham dự của 132/155 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII (đạt tỷ lệ 85%), Hội nghị đã tập trung thảo luận với tinh thần dân chủ về Đề án nhân sự Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần thứ nhất, khóa XIII Tại Hội nghị, 100% ủy viên Ban Chấp hành có mặt đã biểu quyết danh sách 31 ủy viên trúng cử Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII. 100% ủy viên Ban Chấp hành có mặt đã biểu quyết bầu đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII. 100% ủy viên BCH có mặt tại Hội nghị đã biểu quyết bầu 4 đồng chí giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII. Trong đó, có 2 nhân sự mới là đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Trần Lan Phương. Hai nhân sự là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII tái cử gồm: Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực và đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII Hà Thị Nga, sinh ngày: 20/02/1969; dân tộc Thái; quê quán: huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Chức vụ Đảng, chính quyền: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trình độ chuyên môn: Cử nhân Sư phạm ngành Ngữ văn Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân. Quá trình công tác: Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai; Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa VIII và IX; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XIV (nhiệm kỳ 2011 - 2016); Bí thư Huyện ủy Mường Khương; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV; Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lào Cai; tháng 5/2020, đồng chí là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và là đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Mai Thảo

BHXH Việt Nam sẵn sàng mọi nguồn lực nhằm tạo thuận lợi cho người lao động F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ BHXH

  TĐKT - Cùng với số lượng người mắc mới COVID-19 điều trị tại nhà gia tăng, hiện có hàng trăm ngàn người đang có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (chế độ ốm đau, chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau). Nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng... số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà rất lớn và đang gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bởi theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận này do các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện, trong khi đa số người lao động điều trị COVID-19 tại nhà chỉ được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly do chính quyền địa phương hoặc trạm y tế xã cấp nên các giấy tờ này không đạt tiêu chuẩn để làm cơ sở đề nghị hưởng BHXH. BHXH Việt Nam sẵn sàng mọi nguồn lực nhằm tạo thuận lợi cho người lao động F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ BHXH Mục tiêu phục vụ của ngành BHXH Việt Nam luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT lên hàng đầu. Lúc người lao động cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ Quỹ BHXH (do người lao động đóng góp) thì cần nhanh chóng chi trả, để hỗ trợ người lao động tháo gỡ những khó khăn trước mắt trong cuộc sống. Thời gian qua, kịp thời nắm bắt những khó khăn của người lao động trong việc xin hồ sơ từ cơ sở khám chữa bệnh làm thủ tục hưởng BHXH, BHXH Việt Nam đã chủ động gửi văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Y tế có giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinh nêu trên nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong việc thụ hưởng chế độ BHXH. Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc công nhận 7 loại giấy tờ (gồm: Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp; Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp; Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp; Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của trạm y tế xã, trạm y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng, y tế cơ quan/doanh nghiệp; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế xã, trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị COVID-19 tại nhà; Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung; Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến) có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để cơ quan BHXHcó căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19. Trong trường hợp không ban hành Nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXHvà quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ này vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế. Như vậy, Bộ Y tế cũng đã có những bước cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy quá trình giải quyết chế độ cho người lao động được linh hoạt. Theo đó, một số đề xuất, kiến nghị của BHXH Việt Nam đã được Bộ Y tế tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư số 56. Về phía ngành BHXH Việt Nam đã sẵn sàng cải cách hành chính, rút gọn quy trình và chuẩn bị nguồn kinh phí, nhân lực để tiếp nhận và giải quyết sớm nhất chế độ BHXH cho người lao động bị F0 ngay khi có hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế về các loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. BHXH Việt Nam sẽ kịp thời chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan để giải quyết nhanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi Thông tư được ban hành. Trong thời gian này, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động chưa có tài khoản cá nhân nên khẩn trương mở tài khoản để khi Thông tư hướng dẫn được ban hành, người lao động là F0 có đầy đủ hồ sơ,cơ quan BHXH sẽ chuyển thẳng tiền hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau vào tài khoản của người lao động; vừa đảm kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ, cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID-19. Hồng Thiết

BHXH Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT

TĐKT - Trong khuôn khổ chuyến thăm của Đoàn cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam năm 2022, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và USABC đã tổ chức Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT. Dự Lễ ký kết có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ và Quốc hội; đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam… Đặc biệt, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper dự và chứng kiến Lễ ký kết qua điểm cầu trực tuyến.Về phía BHXH Việt Nam có: Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh; lãnh đạo một số vụ, đơn vị chuyên môn liên quan.Về phía USABC có: Ông Ted G.Osiu - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc; ông Michael Michalak - Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực; lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp thành viên. Lễ ký kết USABC là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C., đại diện cho 175 tập đoàn thành viên có hoạt động kinh doanh toàn cầu, phần lớn trong số đó nằm trong danh sách 500 công ty hàng đầu Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn. Các công ty thành viên của USABC hoạt động trong những ngành kinh tế đa dạng, năng động và có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. USABC hỗ trợ các công ty thành viên kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực. Từ năm 2019, BHXH Việt Nam và USABC đã có một số hoạt động hợp tác sơ bộ về chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách BHYT tại Hoa Kỳ; tham vấn ý kiến chuyên gia về mua sắm, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý trong khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, các hoạt động ban đầu còn mang tính nhỏ lẻ, nên chưa khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai bên để hỗ trợ ngành BHXH Việt Nam triển khai tốt chính sách BHYT... Vì vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm của Đoàn cấp cao USABC tại Việt Nam năm 2022, hai bên đã đề xuất ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác trong lĩnh vực BHYT. Mục tiêu của Bản ghi nhớ là tăng cường hợp tác hai bên trong thực hiện chính sách BHYT, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thường xuyên giữa BHXH Việt Nam và các đối tác Hoa Kỳ, hướng tới phát triển hệ thống BHYT tại Việt Nam bền vững, giúp người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe và thụ hưởng chế độ BHYT chất lượng, an toàn, hiệu quả Phát biểu tại buổi lễ, ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC cho biết, Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá rất cao nỗ lực và thành tích của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Việt Nam trong việc vừa chống dịch để bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh để bắt kịp với đà tăng trưởng trở lại của kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Hằng năm, USABC đều tổ chức Đoàn doanh nghiệp cấp cao đi thăm Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Bên cạnh việc gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao để báo cáo những thành tựu lớn trong hoạt động kinh doanh và các khuyến nghị chính sách vĩ mô nhằm giúp Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, Đoàn cũng có những buổi làm việc chuyên môn với lãnh đạo các bộ, ban, ngành để thảo luận những giải pháp cụ thể, nhằm giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong những buổi làm việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các lãnh đạo bộ, ngành đều bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên sâu sắc hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp thành viên trong Hội đồng với cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hợp tác với Việt Nam. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh bắt tay Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted G.Osiu Trên tinh thần đó, với sự chứng kiến của các đại biểu, khách mời, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted G.Osiu đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT. Bản ghi nhớ hợp tác sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày ký. Hai bên kỳ vọng việc ký Bản ghi nhớ hợp tác lần này sẽ giúp BHXH Việt Nam nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, góp phần hoàn thiện và phát triển hệ thống BHYT toàn dân bền vững, hiện đại, hội nhập quốc tế. Theo nội dung Bản ghi nhớ hợp tác, hai bên sẽ tập trung hợp tác ở các lĩnh vực về thực hiện BHYT như: Phát triển BHYT toàn dân bền vững; xây dựng các phương pháp đánh giá chất lượng, chi phí, giá cả của thiết bị vật tư y tế, các dịch vụ y tế, trang thiết bị y tế và thuốc trong thanh toán BHYT; thực hiện giám định thanh toán BHYT. Đồng thời tìm kiếm các nội dung có thể hợp tác giữa hai bên như: Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực BHYT; tư vấn về an sinh xã hội, đầu tư quỹ và các nội dung tiềm năng khác có thể được hai bên phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình chi trả dịch vụ y tế đối với điều trị ung thư và các bệnh mạn tính không lây nhiễm có chi phí cao; các giải pháp cần thiết cho bệnh nhân ở Việt Nam được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến; các bệnh hiếm gặp, các phương thức thanh toán chi phí điều trị được áp dụng theo mô hình ở một số nước và những điều chỉnh cần thiết để triển khai các mô hình này tại Việt Nam… Đặc biệt, USABC sẽ hỗ trợ BHXH Việt Nam đánh giá hệ thống BHYT toàn dân, bao gồm xây dựng các chỉ số và mô hình tài chính; nghiên cứu, chia sẻ và kinh nghiệm để cải thiện, duy trì sự ổn định và bền vững của quỹ BHYT; đánh giá các quy trình, các phương thức liên quan đến chi trả BHYT đối với dược phẩm, thiết bị y tế và vật tư y tế; xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ BHXH Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt về mô hình quản lý thống nhất dược phẩm và các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Hồng Thiết

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Nội soi tái tạo khớp cổ tay

TĐKT - Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay cho bệnh nhân M.L.A.T, 30 tuổi, ở Hà Nội. Anh T đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám trong tình trạng đau cổ tay, mất vững khớp cổ tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Anh T cho biết anh bị chấn thương thể thao khi chơi bóng đá cách đây 1 năm, đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Cuối tháng 1/2022, khi chơi lại thể thao với bộ môn trượt ván thì anh bị chấn thương lại, khó khăn trong việc cầm nắm các dụng cụ, mang vác, dắt xe máy, thậm chí cầm bút viết cũng bị ảnh hưởng. Kiểm tra hình ảnh tổn thương phức hợp dây chằng sụn sợi tam giác TFCC trên phim MRI PGS.TS.TTƯT Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Sau khi thăm khám các triệu chứng lâm sàng: đau vùng giữa cổ tay, mất vững khớp cổ tay phải, đặc biệt là vùng xương trụ, các bác sĩ đã nghĩ đến tổn thương phức hợp sụn sợi tam giác. Phim cộng hưởng từ cũng cho chẩn đoán tương tự như trên lâm sàng. Đây là một phức hợp dây chằng ở khớp cổ tay rất phức tạp. Mới đây, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi tái tạo khớp cổ tay (điều trị tổn thương phức hợp dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay- TFCC Triangular Fibrocartilage Complex). Đây được xem là một trong những kỹ thuật mổ chấn thương phức tạp nhất được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang phẫu thuật cho bệnh nhân T Trong phẫu thuật, các bác sĩ đã sử dụng bộ nội soi chuyên dụng cho những khớp nhỏ, cụ thể là ống nội soi đường kính 2,7 mm (khác với khớp gối, khớp vai, sử dụng ống nội soi có đường kính 4,5 mm). Trong khớp quan sát thấy bắt đầu có tổ chức viêm, thoái hóa nhẹ, có đứt tổn thương dây chằng phức hợp sụn sợi tam giác gây mất vững khớp cổ tay. Các bác sĩ quyết định tạo hình lại giúp dây chằng liền được, vững chắc và hoàn toàn bằng phương pháp nội soi. Nếu như trước đây, kỹ thuật chẩn đoán rất khó, một số trường hợp được mổ phanh nhưng vết mổ lớn, tàn phá phần mềm và những phần xương rất nhiều. Do vậy, thực hiện kỹ thuậtbằng phẫu thuật nội soi rất nhẹ nhàng cho người bệnh, vết mổ nhỏ (0,5cm), có thể đánh giá toàn bộ trong khớp cổ tay về phần xương, khớp, hệ thống dây chằng, giúp cho việc xử lý tổn thương đó bằng nội soi được. Ngay sau mổ, người bệnh có thể vận động khớp cổ tay nhẹ nhàng và chưa đầy 24h sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể xuất viện. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ phải bất động bằng nẹp khoảng một tuần để ổn định phần mềm, bớt phù nề cổ tay, sau đó người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng và 3-4 tuần sau phẫu thuật, người bệnh có thể quay trở lại chơi các bộ môn thể thao như bình thường. PGS.TS.TTƯT Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật Lý giải vì sao phương pháp này đến nay mới được triển khai tại Việt Nam, PGS.TS.TTƯT Nguyễn Mạnh Khánh cho biết thêm: Nội soi khớp gối đã trở thành thường quy, có thể thực hiện ở nhiều cơ sở; một số cơ sở cũng bắt đầu thực hiện nội soi khớp vai; nội soi khớp cổ chân và khớp khuỷu rất ít nơi làm được, chủ yếu ở các cơ sở chuyên sâu như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là nơi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện nội soi tái tạo khớp cổ tay do bệnh lý khớp cổ tay rất chuyên sâu, tổn thương phức tạp. Cổ tay là một phức hợp đầu dưới của hai xương cẳng tay, có xương quay với xương trụ. Tiếp dưới nữa có 8 xương nhỏ ở khối trụ cốt bàn tay, đó là: Xương thuyền, xương nguyệt, xương tháp, xương đậu, xương thang, xương thê, xương cả, xương móc. Tiếp theo nữa là 1 loạt xương đốt bàn ngón tay giúp vận động chức năng linh hoạt của bàn tay. Để liên kết được các khớp và để các khớp vận hành tốt thì có rất nhiều hệ thống dây chằng khác nhau, rất phức tạp. Việc chẩn đoán bệnh lý không dễ dàng nếu không có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành này, đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật tái tạo khớp và y học thể thao. Các tổn thương như thế này sẽ bị lẫn với các bệnh lý khác nhau do đặc thù giải phẫu nhiều xương, nhiều khớp, nhiều dây chằng, là nơi dễ bị chấn thương, đặc biệt trong chấn thương thể thao, ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh hoạt, vận động của người bệnh… nên để chẩn đoán được bệnh lý, đòi hỏi việc thăm khám rất kỹ. Đồng thời, cùng với việc chẩn đoán trên lâm sàng thì chẩn đoán hình ảnh cũng rất quan trọng, với phim X-quang thông thường khó phát hiện bệnh, cần dựa vào các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu, ví dụ như phim chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ. Đặc biệt cộng hưởng từ có giá trị cao trong việc đánh giá, phát hiện cũng như định hướng các tổn thương, nhất là các tổn thương dây chằng ở cổ tay. Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh cũng phải được đào tạo bài bản mới có thể phát hiện được các tổn thương. Khớp cổ tay rất nhỏ, đòi hỏi các động tác tinh tế cũng như các trang thiết bị đặc thù, chuyên sâu như ống nội soi, camera, các dụng cụ kèm theo hỗ trợ. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân chấn thương thể thao chiếm số lượng nhiều nhưng đa phần đến muộn, hầu hết không nghĩ đến tổn thương hoặc bị bỏ sót do không được chẩn đoán chính xác, không có định hướng từ đầu. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Cổ tay - bàn tay là khớp linh hoạt, mềm dẻo nhất của con người, ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động không chỉ trong thể thao mà còn trong lao động, sinh hoạt hàng ngày. Chấn thương khớp cổ tay là một trong những tổn thương thường gặp nhưng dễ bị bỏ sót. Khi bị chấn thương, người bệnh không nên chủ qua mà cần được thăm khám bởi các chuyên gia để tránh bỏ sót tổn thương và có hướng điều trị kịp thời. Hồng Thiết  

Trang