Chính trị - Xã hội

Ngày 6/4 Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc mới Covid-19

TĐKT - Ngày 6/4, Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc: 245 trường hợp (153 người từ nước ngoài chiếm 62,4%; 92 người lây nhiễm thứ phát trong đó 62 người thuộc ổ dịch nội địa). CA BỆNH 242 (BN242): Bệnh nhân nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, sinh sống và làm việc tại Nga. Ngày 25/3, bệnh nhân từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay SU290, ghế 23A, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại ký túc xá Đại học FPT, Thạch Thất, Hà Nội. Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 5/4 cho kết quả dương tính với  SARS-CoV-2. Hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. CA BỆNH 243 (BN243): Bệnh nhân nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện. Ngày 30/3, bệnh nhân khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh. Ngày 4/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội; ngày 6/4 cho kết quả dương tính với  SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. CA BỆNH 244 (BN244): Bệnh nhân nữ, 44 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nhân viên phục vụ quán ăn nhanh tại Đức. Bệnh nhân từ Đức đến Nga trên chuyến bay SU2313, số ghế 20F, nối chuyến từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay SU290, ghế 40C, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài ngày 25/3. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại ký túc xá Đại học FPT, Thạch Thất, Hà Nội. Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính với  SARS-COV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. CA BỆNH 245 (BN245): Bệnh nhân nữ, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhân viên làm móng tại Tây Ban Nha. Bệnh nhân từ Tây Ban Nha đến Nga trên chuyến bay SU250, số ghế 26B, nối chuyến từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay SU290, số ghế 30H và nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài ngày 25/3. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT, Thạch Thất, Hà Nội. Xét  nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Tình hình điều trị: 4 người được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng, 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Cần Thơ và 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh được công bố khỏi bệnh. Số ca âm tính lần 1: 34 ca. Số ca âm tính lần 2: 24 ca. Hồng Thiết

Thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng

TĐKT - Chiều 6/4, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục bàn các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chỉ thị số 16 và giải quyết một số kiến nghị của các ngành liên quan nâng cao kết quả phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Phát biểu tại cuộc họp, ghi nhận những ngày qua, chúng ta có ít ca nhiễm mới hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, truyền thông và thông tin, những người ở tuyến đầu chống dịch. Thủ tướng cũng biểu dương việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời biểu dương tấm lòng nhân ái, gương người tốt, việc tốt, nhường cơm sẻ áo hỗ trợ người khó khăn. Những hành động đẹp đó đã đem lại nhiều ý nghĩa to lớn, lan tỏa tinh thần đoàn kết, "anh em, đồng chí" của đồng bào, chiến sĩ cả nước chung tay chống dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Nhấn mạnh đến yêu cầu không được chủ quan, "say sưa với chiến thắng bước đầu", Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nguy hiểm và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với sự bùng phát ở giai đoạn 2 của dịch bệnh. Do đó, để bảo tồn những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều thống nhất phải tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội. "Chiến lược phòng, chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch theo phương pháp "khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong"; tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh. Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến 15/4, cả hệ thống chính trị, các địa phương, ngành y tế và các đơn vị liên quan cần nắm chắc tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần tìm cho được những ca F0; truy tìm mọi dấu vết 2 ổ dịch tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tăng cường phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở thờ tự, đám đông, các siêu thị, phương tiện công cộng tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm cao. Cần chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống. Ban Chỉ đạo cần tập trung nắm vững các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả về công nghệ, giám sát, đánh giá. Điều phối các nguồn lực, hướng dẫn, đào tạo, tăng cường năng lực y tế cho các địa phương; hỗ trợ tăng cường công nghệ kiểm soát dịch bệnh. Cần thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng; cho rằng, nếu làm tốt việc này sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam. Đi liền với đó, các địa phương có dịch xuất hiện cần tăng cường đầu tư đẩy mạnh xét nghiệm cho người dân; thực hiện nghiêm ngăn ngừa lây nhiễm cho các đối tượng công nhân, giám sát việc tuân thủ phòng, chống dịch cho các cơ sở sản xuất. Tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ sở sản xuất như Chỉ thị 16 đã quy định. Về vấn đề máy thở, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này. Về công tác tuyên truyền, Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần phản ảnh đầy đủ, toàn bộ cuộc sống và công tác phòng, chống dịch, đề cao việc phản ảnh gương người tốt, việc tốt; nhân rộng truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn; phản ánh những ưu việt của chế độ, tính nhân văn của xã hội trong những tình huống khẩn cấp cần bảo vệ người dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường hợp tác toàn cầu về phòng, chống dịch; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác về kinh tế. Việt Nam có thể xuất khẩu gạo có kiểm soát, xuất khẩu khẩu trang và phần mềm liên quan cho các nước có nhu cầu. Hiện nay, những tiến bộ trong phòng, chống dịch đang diễn ra từng ngày, nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Thủ tướng chỉ đạo cần thành lập riêng một bộ phận chuyên gia của ngành y tế để theo dõi, đề xuất thông tin với Ban Chỉ đạo và Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đề nghị tạo điều kiện cho người Việt Nam, nhất là các nhóm yếu thế như trẻ em vị thành niên, người đi chữa bệnh nặng bị kẹt ở nước ngoài về nước. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chương trình tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng biểu dương các địa phương bước đầu hỗ trợ người nghèo trên địa bàn. Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng cũng có những cơ hội, cần tập trung khai thác, đó là đổi mới phương thức hoạt động, những ngành công nghiệp và dịch vụ mới, có thể đó là những quyết định mạnh mẽ cho những vấn đề mà bấy lâu nay ta đang cân nhắc, có thể là những thay đổi lành mạnh hơn trong lối sống, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15/4. Phụ thuộc vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ có chủ trương về vấn đề cách ly xã hội. Trên cơ sở tình hình cụ thể dịch bệnh, các cơ quan liên quan có đề xuất cụ thể với Thủ tướng. Bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Thủ tướng cũng lưu ý việc chuẩn bị chương trình toàn diện phục hồi kinh tế. Nguyệt Hà

Ban Nội chính Trung ương ủng hộ phòng, chống Covid – 19

TĐKT - Chiều 6/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tiếp nhận ủng hộ phòng, chống Covid -19 từ Ban Nội chính Trung ương và một số đơn vị. Tại buổi tiếp, ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, mỗi cán bộ và đoàn viên công đoàn trong cơ quan Ban Nội chính Trung ương đã ủng hộ một ngày lương, có những người ủng hộ nhiều hơn và thông qua cả hình thức nhắn tin, chuyển khoản. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ từ Ban Nội chính Trung ương “Sự lan tỏa của những tấm lòng này trong Ban Nội chính Trung ương khẳng định một lần nữa sự chung tay, góp sức cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh. Bởi mỗi người chỉ một tấm lòng nhỏ thôi nhưng với hơn 95 triệu người Việt Nam, nguồn lực đó sẽ tăng lên gấp bội”,  ông Trần Quốc Cường bày tỏ.  Tiếp nhận số tiền 100 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid – 19 từ đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tấm lòng của cán bộ, công chức, viên chức Ban Nội chính Trung ương. Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hơn 2 tháng nay, dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng tới trên 200 nước trên thế giới và đã trở thành đại dịch khi tốc độ lây lan ngày càng nhanh, số người chết ngày càng tăng. Tại Việt Nam, chỉ từ ngày 6/3 đến nay, từ 16 ca đã tăng lên tới 241 ca, nhưng điều đáng mừng là có 91 ca được chữa khỏi và chưa có ca nhiễm nào tử vong. “Thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị với tinh thần đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm an sinh, an toàn xã hội”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. “Những ngày qua, nhiều nguồn lực trong xã hội đã được gửi tới MTTQ Việt Nam. Thống kê sơ bộ, số tiền ủng hộ bằng tin nhắn thông qua Cổng Thông tin Nhân đạo Quốc gia đã đạt trên 128 tỷ đồng; cùng với đó, số tiền và hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ trực tiếp thông qua MTTQ Việt Nam đã lên tới trên 750 tỷ đồng.” – Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, mang lại sự bình an cho nhân dân nếu toàn dân tộc ta đoàn kết, đồng thuận, đồng hành với mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đề ra trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19. Cùng ngày, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tiếp nhận ủng hộ từ Công ty TNHH Đoàn kết với số tiền 105 triệu đồng; Cộng đồng AOE Việt Nam ủng hộ 335 triệu đồng; Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam ủng hộ 30 triệu đồng; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật ủng hộ 40 triệu đồng; Công ty TNHH Hoàng Hương ủng hộ 5.000 chai dung dịch nước rửa tay khô trị giá 143 triệu đồng. Mai Thảo

Thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

TĐKT - Từ ngày 5 - 6/4, cả nước có thêm 5 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 95 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh vào ngày 6/4 tại Bệnh viện Đà Nẵng Đó là bệnh nhân số 57, người Anh, 66 tuổi điều trị tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ngày vào viện: 16/3/2020.  Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 31/3 và lần 2 vào ngày 4/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam Đinh Đạo cho biết: đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân không ho, không sốt, sức khỏe ổn định, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Trường hợp bệnh nhân này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Đây cũng là bệnh nhân mắc COVID-19 duy nhất đến thời điểm này điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Bệnh nhân số 122, nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam được điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Ngày vào viện: 22/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 30/3/2020; lần 2 vào ngày 1/4/2020 và âm tính lần 3 vào ngày 03/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân số 154: Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam điều trị tại bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ. Ngày vào viện: 24/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 31/3 và lần 2 vào ngày 1/4/2020 và lần 3 vào ngày 2/4/2020, sức khỏe bệnh nhân hiện tại không sốt, không ho, không khó thở, ăn uống bình thường, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, bệnh nhân số 117, nam, 30 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Ngày vào viện 22/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 30/3/2020 và lần 2 vào ngày 31/3/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân số 118: Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Ngày vào viện: 22/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 30/3 và lần 2 vào ngày 31/3/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Hồng Thiết

Vua Nệm tặng 333 chiếc nệm cho các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch

TĐKT - Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, trong hai ngày 31/3 và 1/4, phối hợp cùng Mekong Capital, Vua Nệm đã thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng bằng việc trao 333 chiếc nệm (tương đương 160 triệu đồng) cho các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự chung tay của doanh nghiệp cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhận quà từ Vua Nệm Vua Nệm không chỉ là chuỗi bán lẻ nệm hàng đầu mà còn là chuyên gia đáng tin cậy nhất trong việc cung cấp các sản phẩm và giải pháp về giấc ngủ uy tín cho khách hàng. Xuất phát từ mong muốn tất cả mọi người có được giấc ngủ ngon, tăng sức để kháng chống lại dịch bệnh, Vua Nệm luôn cảm thấy đau đáu trước tình trạng khan hiếm giường ngủ cho các y, bác sĩ cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ngay trong sáng 31/3/2020, ông Nguyễn Hữu Tùng - Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Nam đã thay mặt Ban Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Vua Nệm trao tặng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh 200 chiếc nệm xếp và nệm lò xo Amando. Tiếp tục hành trình mang giấc ngủ ngon đến những “chiến sĩ tuyến đầu” trong hành trình đẩy lùi dịch Covid-19, chiều ngày 1/4/2020, 133 chiếc nệm cũng đã được vận chuyển, đóng gói cẩn trọng và trao tận tay các y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Xanh Pôn. Chị Thu Hường, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Chúng tôi trân trọng đối với đóng góp thiết thực và kịp thời của Vua Nệm trong việc chăm sóc sức khỏe giấc ngủ của đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân dù rằng đây là thời điểm khó khăn của cả bệnh viện và doanh nghiệp”. Đại diện Vua Nệm chia sẻ: “Chúng tôi muốn bày tỏ sự trân trọng đặc biệt đối với “những chiến sĩ áo trắng” đã hết mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ. Hi vọng với món quà này, Vua Nệm đã tiếp thêm sức mạnh cho các y, bác sĩ, ngày đêm cùng cả nước vượt qua đại dịch và sớm ổn định cuộc sống”. Phương Thanh

Quyên góp 5.540 bộ quần áo bảo hộ y tế để phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng đã quyên góp 5.540 bộ quần áo bảo hộ y tế, với tổng trị giá 1 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 ở tuyến đầu. Đây là đóng góp mới nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng trong quá trình triển khai cứu trợ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhằm phòng chống và đẩy lùi dịch COVID-19, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn thử thách này. Lễ tiếp nhận quần áo bảo hộ y tế phòng, chống dịch COVID-19 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng tài trợ, sáng 6/4, tại Hà Nội PGS. TS. Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: “Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ kịp thời của công ty trong giai đoạn cấp thiết này, với mặt hàng hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế, đó là những bộ quần áo bảo hộ y tế, tạo sự an toàn hơn cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.” Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng trong năm 2019 thuộc tốp doanh nghiệp đóng thuế cao tại Việt Nam, đào tạo miễn phí kiến thức quản trị tài chính, tạo việc làm cho 100 ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổng định, trong đó có hàng chục ngàn lao động khởi nghiệp với vốn không đồng. Tập đoàn có 9 hệ sinh thái phát triển bền vững trên nền tảng công nghệ do chính công ty công nghệ của Tập đoàn tạo ra kết hợp mô hình phân quyền kinh doanh toàn phần trên nền tảng liên kết tiếp thị Affileate Marketin, đã tạo cơ hội cho mọi đối tượng cùng khởi nghiệp với mức chi phí rẻ nhất và cơ hội thăng tiến không giới hạn dựa vào khả năng kết nối phát triển doanh nghiệp của mỗi thành viên. Cùng với phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng chú trọng đến cơ cấu tổ chức doanh nghiệp như chi bộ Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Tổ chức các đoàn thể và hệ thống lãnh đạo Tập đoàn phối kết hợp tạo thành một khối tổng thể thống nhất cho việc vận hành hệ thống và phát triển chuỗi các doanh nghiệp nằm trong lòng doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng cũng thực hiện nhiều hoạt động đóng góp, hỗ trợ khác cho các tổ chức, như hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức các hoạt động cùng em đến trường ở các trường vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, trao thưởng 1,4 tỷ đồng cho Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và một số cầu thủ bóng đá nam nữ suất xắc tại Sea Games 30. Ông Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Đây là sự đóng góp và tấm lòng của công ty và toàn thể nhân viên của công ty trong công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam. Chúng tôi trân trọng cảm ơn Chính phủ, đội ngũ y, bác sĩ, những lực lượng tham gia phòng, chống dịch đã nỗ lực không ngừng trong phòng, chống dịch”. Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đại diện Công ty đã đến trao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 500 bộ quần áo bảo hộ y tế. Số còn lại sẽ được trao cho các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như: Bạch Mai, Xanh Pôn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi... Phương Thanh

Từ 18h ngày 5/4 đến nay chỉ có duy nhất 1 ca mắc mới đã dược cách ly sau khi nhập cảnh

TĐKT - Từ 18h ngày 5/4 đến nay, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc: 241 trường hợp (150 người từ nước ngoài chiếm 62,2%; 91 người lây nhiễm thứ phát, trong đó có 61 người thuộc ổ dịch nội địa). CA BỆNH 241 (BN241): Bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 20 tuổi, có địa chỉ tại phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh, là du học sinh tại Anh. Ngày 21/3, bệnh nhân từ London (Vương quốc Anh) lên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN0050, số ghế 5A, về tới sân bay Cần Thơ ngày 22/3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có dấu hiệu triệu chứng bệnh và được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 25/3 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/3, bệnh nhân có triệu chứng sốt kèm đau họng. Ngày 1/4, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu để cách ly, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm. Xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với SARS-COV2.  Những người ở cùng phòng với bệnh nhân tại khu cách ly tập trung chưa ghi nhận triệu chứng bệnh, được cách ly riêng để theo dõi trong 14 ngày tiếp theo. Về tình hình điều trị, Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Quảng Nam công bố điều trị khỏi COVID-19 cho 1 bệnh nhân. Đó là BN57, bệnh nhân nam, quốc tịch Anh, 66 tuổi. Bệnh nhân vào viện ngày 16/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 31/3 và lần 2 vào ngày 4/4. Ban chỉ đạo khuyến cáo: Cả nước đã thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội trong hơn 4 ngày qua. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm: Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân những thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19: 1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay. 2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. 3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa. 4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn. 5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác. 6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn. 7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng, chống dịch. La Giang  

Giá trị của các kỹ thuật xét nghiệm SARS-CoV-2

TĐKT - PGS. TS Nguyễn Vũ Trung, PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trưởng Bộ môn Vi sinh, Bộ môn Vi sinh - Ký sinh trùng lâm sàng, Đại học Y Hà Nội cho biết, chúng ta đang đối mặt với những câu hỏi, những thách thức liên quan đến vi rút mới này.  Khi nào chúng ta xét nghiệm? Xét nghiệm cho ai? Xét nghiệm cái gì? Chúng ta xét nghiệm bao nhiêu lần? Chúng ta sẽ làm gì với các kết quả xét nghiệm? SARS-CoV-2 là một vi rút mới, chúng ta chưa có nhiều thông tin để phát triển, tối ưu các kỹ thuật xét nghiệm, phương pháp chẩn đoán, điều trị, dự phòng. Sự hiểu biết này giúp định hướng việc sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm ở phạm vi quốc gia, vùng, từng địa phương cũng như việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để thực hiện xét nghiệm. PGS. TS Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh, vấn đề ở đây là, chúng ta đang đối mặt với thứ nhất, một vi rút mới, thứ hai, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ ở thời hiện đại, và thứ ba mức độ ảnh hưởng toàn cầu. Với suy nghĩ đó, khi thiếu các liệu pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin, các kỹ thuật xét nghiệm chúng ta có trong tay sẽ là một phương tiện đặc biệt quan trọng giúp việc xác định ca bệnh, chẩn đoán, điều trị, dự phòng sự lây lan của vi rút. Vậy kỹ thuật xét nghiệm phù hợp nhất là gì? Chúng ta sẽ xét nghiệm cho ai và khi nào? Giả thiết rằng, chúng ta có thể xét nghiệm cho toàn bộ dân số trên hành tinh cùng một thời điểm với một kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu 100% (hiển nhiên điều này là không có thực), chúng ta hy vọng có thể xác định tất cả các trường hợp nhiễm vi rút và phân loại thành nhóm bị nhiễm và không bị nhiễm vi rút. Kết quả xét nghiệm kết hợp triệu chứng lâm sàng, có thể phân thành nhóm không có triệu chứng, nhóm có triệu chứng nhẹ hoặc vừa, nhóm có biểu hiện nặng. Chúng ta cũng sẽ có khả năng phân loại họ thành nhóm cần chăm sóc y tế (tùy mức độ) hoặc chưa cần chăm sóc y tế. Ngoài ra, cần điều tra các trường hợp có nguy cơ khi họ đang trong giai đoạn ủ bệnh qua khai thác tiền sử phơi nhiễm. Nếu có điều kiện, có thể xét nghiệm để phát hiện đáp ứng của cơ thể với việc nhiễm vi rút. Với giả thiết độ nhạy và độ đặc hiệu của kỹ thuật là 100%, chúng ta có thể xác định những người  trước đây “đã” hoặc “đang nhiễm” vi rút. Mặc dù, hiện nay có thể nuôi cấy được SARS-CoV-2, nhưng kỹ thuật này cần điều kiện trang thiết bị đặc biệt, đảm bảo an toàn sinh học và không dùng phổ biến tại các phòng xét nghiệm vi sinh lâm sàng. Do vậy, kỹ thuật nuôi cấy vi rút không được sử dụng thường quy. Hầu hết các kỹ thuật phát hiện vật liệu di truyền của vi rút là các kỹ thuật sinh học phân tử dựa vào nguyên lý khuếch đại gien (acid nucleic-ARN) của SARS-CoV-2. Kỹ thuật thường dùng nhất là PCR (Polymerase Chain Reaction-Phản ứng chuỗi trùng hợp). Các kỹ thuật này phát hiện sự có mặt của ARN vi rút trong mẫu bệnh phẩm từ người (người bệnh/hoặc người nghi ngờ) nhiễm vi rút. Loại bệnh phẩm thường dùng nhất là dịch ở họng mũi (tỵ hầu) và họng miệng (khẩu hầu). Người ta dùng dụng cụ chuyên dụng - tăm bông đưa vào mũi với độ sâu nhất định để lấy dịch tỵ hầu và tăm bông đưa vào họng miệng của bệnh nhân để lấy dịch ở đây. Theo khuyến cáo, để phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR người ta nên lấy cả hai loại bệnh phẩm này. Tuy nhiên, khả năng phát hiện vi rút ở dịch họng mũi cao hơn ở dịch họng miệng. Người ta thường lấy cả hai loại dịch từ một người rồi để chung vào một ống có môi trường bảo quản. Môi trường này được vận chuyển về phòng xét nghiệm để xử lý, tách vật liệu di truyền, thực hiện kỹ thuật PCR (thuật ngữ đầy đủ trong trường hợp này là Realtime Reverse Transcription-PCR) để phát hiện sự có mặt của vi rút trong bệnh phẩm. Với bệnh nhân bị viêm phổi, ngoài hai loại dịch kể trên, một số loại dịch tiết ở đường hô hấp dưới như đờm, dịch rửa phế quản… cũng có thể được dùng để xét nghiệm. Một điều cần lưu ý là, khả năng cũng như tỷ lệ phát hiện SARS-CoV-2 ở từng loại bệnh phẩm, từng lần lấy bệnh phẩm sẽ khác nhau ngay cả ở cùng một người và khác nhau giữa người này với người khác. Đặc biệt, khả năng phát hiện được vi rút cũng thay đổi qua các giai đoạn của bệnh. Một số bệnh nhân bị viêm phổi có thể có kết quả phát hiện vi rút ở dịch họng mũi, họng miệng ÂM TÍNH nhưng có thể có kết quả DƯƠNG TÍNH với xét nghiệm dịch ở đường hô hấp dưới hoặc bệnh phẩm khác như phân chẳng hạn. Như vậy, độ nhạy của xét nghiệm trong thực tế của bất cứ kỹ thuật nào rất khó xác định chính xác (và chắc chắn là không được 100% như kỳ vọng về mặt lý thuyết). Kết quả của một xét nghiệm ÂM TÍNH cũng không có nghĩa là người đó không bị nhiễm vi rút. Nếu một kết quả xét nghiệm cho kết quả DƯƠNG TÍNH, cũng cần phải xem xét khả năng DƯƠNG TÍNH giả. Do vậy, việc phối hợp xét nghiệm với đánh giá các yếu tố trên lâm sàng cũng như tiền sử dịch tễ là rất quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết là, sự xuất hiện ARN của vi rút không đồng nghĩa với việc vi rút đó còn sống và tồn tại trong cơ thể người và cũng không đồng nghĩa với việc vi rút có thể lây truyền từ người này sang người khác. Việc phát hiện ARN của SARS-CoV-2 từ bệnh phẩm là kỹ thuật tốt nhất cho tới nay để xác định người nhiễm vi rút. Gần đây, một số kỹ thuật cho phép xác định số lượng vi rút trong bệnh phẩm, giúp cho việc chẩn đoán, điều trị, theo dõi, tiên lượng và giám sát trường hợp bị nhiễm vi rút. Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là độ chính xác của kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố khác nhau như khi lấy bệnh phẩm có đúng vị trí không, đủ lượng dịch, lượng vi rút trong dịch không, bệnh phẩm có được vận chuyển, bảo quản đảm bảo các điều kiện tối ưu không, việc xử lý bệnh phẩm có đúng qui định, ARN của vi rút có bị phá hủy không, các khâu của quá trình xét nghiệm có được đảm bảo theo yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở y tế hay không. Nếu toàn bộ các yếu tố trên được đảm bảo, việc xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 giúp xác định người nhiễm, để chẩn đoán, điều trị, giám sát cũng như quản lý bệnh nhân và cộng đồng. Với các kỹ thuật xét nghiệm nói chung, đặc biệt là các kĩ thuật chẩn đoán  SARS-CoV-2, vẫn còn có nhiều câu hỏi, những thách thức, những vấn đề chưa được thống nhất đối với xét nghiệm này. Điều này cũng là bình thường vì đây là một vi rút mới, các nhà khoa học cần có thời gian để nghiên cứu, tăng cường hiểu biết để ngày càng cải tiến, hoàn thiện các kỹ thuật nhằm tăng độ nhạy, độ đặc hiệu cũng như giá trị của xét nghiệm. Giả sử rằng SARS-CoV-2 có thể gây nhiễm bất cứ ai và dẫn đến việc lây truyền vi rút trước khi người (bệnh) có các triệu chứng. Thậm chí cũng có những người nhiễm vi rút không có triệu chứng. Do vậy, việc xét nghiệm phát hiện nhiễm vi rút ở những người này là hết sức quan trọng nếu chúng ta có lý do nào đó (như tiền sử tiếp xúc, phơi nhiễm…). Liên quan đến câu hỏi chúng ta cần xét nghiệm bao nhiêu lần cho một người nếu lần đầu xét nghiệm ÂM TÍNH để có thể nói rằng người đó không nhiễm hay đã “sạch vi rút”. Đây là điều khá khó, chúng ta cần nghiên cứu thêm và cần có cập nhật cho hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và giám sát tại cơ sở y tế và cộng đồng tùy thuộc vào tình hình thực tế tại quốc gia, khu vực, lãnh thổ và từng địa phương. Hiện nay, cùng với việc có nhiều loại sinh phẩm, hóa chất (gọi chung là test) xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, cũng có nhiều thách thức mới như: (1) Sự hiểu biết rõ hơn về đặc tính của các test (ví dụ: độ nhạy và độ đặc hiệu) cũng như các đánh giá hiệu quả xét nghiệm trên các loại mẫu khác nhau, (2) tối ưu hóa các xét nghiệm (ví dụ: tối ưu để phát hiện một gen đích thay vì nhiều gen đích) nhằm tối ưu hóa việc sử dụng sinh phẩm hóa chất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng xét nghiệm và (3) theo dõi khả năng xuất hiện sự biến đổi của virus. Cuối cùng, chúng ta phải thường xuyên tiến hành giải trình tự gien của vi rút để theo dõi sự biến đổi, đột biến của vi rút theo thời gian nhằm kịp thời điều chỉnh thiết kế trình tự mồi và probe phù hợp với sự biến đổi này. Ngoài ra, khi yêu cầu về xét nghiệm tăng lên, việc giảm thời gian trả kết quả xét nghiệm tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng nhằm quản lý tốt hơn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Do đó, việc phát triển test xét nghiệm chẩn đoán nhanh cần được ưu tiên. Đo tải lượng vi rút cũng có hữu ích trong việc theo dõi sự phục hồi, đáp ứng với trị liệu và/hoặc đánh giá mức độ lây nhiễm. Hiện nay, các xét nghiệm theo nguyên lý PCR dựa vào ARN chủ yếu là định tính, còn ít các kit định lượng tiêu chuẩn. Lý do là chúng ta chưa thiết lập được ngưỡng định lượng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng có thể xây dựng được. Ngoài vấn đề test xét nghiệm, còn có những thách thức trong chuỗi cung ứng hóa chất sinh phẩm và vật tư tiêu hao bao gồm tăm bông lấy dịch họng mũi, họng miệng, hóa chất tách chiết ARN, hóa chất thực hiện PCR. Ngay cả với các xét nghiệm thương mại đã được FDA phê chuẩn, vẫn có sự chậm trễ trong việc lắp đặt máy móc và cung cấp hóa chất sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu tại nhiều nơi. Hiện tại, có nhiều nỗ lực đang được thực hiện trên nhiều khía cạnh để giải quyết các thách thức về nguồn cung, đảm bảo tính liên tục và an toàn của các vấn đề liên quan đến test xét nghiệm. Bên cạnh các xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện ARN của SARS-CoV-2, các loại kỹ thuật xét nghiệm khác như phát hiện IgM, IgA, IgG hoặc kháng thể tổng số trong máu (có thể gọi là xét nghệm huyết thanh học) được nhiều nhà khoa học và các công ty nghiên cứu và phát triển. Đối với các bệnh lý nhiễm trùng nói chung và nhễm SARS-CoV-2 nói riêng, sự hình thành kháng thể phụ thuộc thời gian nhiễm bệnh và vật chủ (người). Trường hợp SARS-CoV-2, một số nghiên cứu cho thấy, phần lớn bệnh nhân chuyển đổi huyết thanh (có sự xuất hiện kháng thể trong máu) trong khoảng thời gian từ 7 đến 11 ngày sau khi nhiễm vi rút, mặc dù trong thực tế, một số bệnh nhân có thể có kháng thể sớm hơn. Do sự đáp ứng muộn (tự nhiên) này, kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể không hữu ích trong bối cảnh bệnh lý cấp tính. Các nghiên cứu cũng không xác định chắc chắn rằng, liệu những người bị nhiễm SARS-CoV-2 sau khi phục hồi, kháng thể được hình thành sẽ có tác dụng bảo vệ hoàn toàn hay một phần nếu bị nhiễm trong tương lai hoặc khả năng miễn dịch bảo vệ có thể kéo dài bao lâu. Bằng chứng gần đây từ một nghiên cứu trên động vật không cho thấy khả năng bảo vệ của kháng thể sau khi nhiễm vi rút tiên phát; tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu về vấn đề này. Các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể đối với SARS-CoV-2 có thể dùng để điều tra nguồn lây nhiễm; giám sát huyết thanh học ở địa phương, khu vực và quốc gia; nhận dạng những người đã nhiễm vi rút và do đó có thể có miễn dịch bảo vệ. Thông tin về huyết thanh học có thể được sử dụng để đánh giá người bệnh trong giai đoạn phục hồi. Xét nghiệm huyết thanh học ứng dụng trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng huyết tương của người đã khỏi bệnh. Trong một số trường hợp, các kỹ thuật này có thể được sử dụng nhằm kiểm tra các bệnh nhân có kết quả âm tính với xét nghiệm dựa trên nguyên lý PCR, do vi rút xuất hiện muộn trong giai đoạn bệnh. Tóm lại, các kỹ thuật sinh học phân tử và huyết thanh học đều rất hữu ích trong việc phát hiện người nhiễm, chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu về SARS-COV-2 bệnh Covid-19. Các kỹ thuật xét nghiệm đóng vai trò quyết định, bên sự hiểu biết về vi rút học, bệnh học, dịch tễ học. Ngoài ra, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cá nhân và cộng động, đặc biệt là những biện pháp quyết liệt như “giãn cách xã hội” là yếu tố quyết định góp phần chiến thắng đại dịch này. Hồng Thiết  

BHXH Quảng Nam: Đồng bộ các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT ứng phó với dịch Covid-19

TĐKT - Thực hiện Chỉ thị số 16/CP-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách, phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 1785/UBND-KGVX về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Danh phụ trách, điều hành BHXH tỉnh về việc triển khai các giải pháp để đảm bảo bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT ứng phó với dịch Covid-19 đã trao đổi về vấn đề này.   Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Danh - Phóng viên: Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 trong đó có khuyến cáo thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại Quảng Nam sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông? + Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh: Hiện nay, BHXH tỉnh đang thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng trên 32.000 đối tượng thụ hưởng, trong đó có 24.000 đối tượng thuộc diện chi trả tiền mặt trực tiếp và gần 8.000 đối tượng đăng ký nhận qua tài khoản cá nhân. Lịch chi trả bắt đầu vào ngày 4 - 5 hằng tháng và tổ chức chi trả trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn, tránh tập trung đông người và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, được sự đồng ý của BHXH Việt Nam, việc thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5 sẽ được thực hiện trong một kỳ chi trả. BHXH tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh thống nhất giao BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh xây dựng phương án chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5/2020 vào chung 1 kỳ chi trả tháng 4. Cụ thể, thời điểm bắt đầu thực hiện chi trả từ ngày 16/4 đến ngày 20/5 với hình thức chi trả tận nhà cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Đồng thời, ngành BHXH và Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, thôn, khối phố để rà soát địa chỉ cụ thể từng đối tượng đảm bảo kịp thời chi trả tận nhà cho nhân dân. - Phóng viên: Việc thực hiện chi trả tại nhà dù mang lại thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, những sẽ gặp những khó khăn nào với các đơn vị thực hiện công tác chi trả, thưa ông? + Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh: Việc chi trả tận nhà trong thời gian qua chủ yếu được thực hiện cho các đối tượng thường xuyên ốm đau, đi lại khó khăn, người già trên 80 tuổi. Hình thức chi trả tận nhà tới tất cả các đối tượng rất mới và đặc biệt sẽ khó khăn hơn trong công tác tổ chức thực hiện của ngành trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Khó khăn nữa là lực lượng chi trả tại 18 huyện, thị xã, thành phố hiện nay khá “mỏng” với địa bàn rộng lớn. Yêu cầu đối với chi trả tận nhà phải có địa chỉ cụ thể của người hưởng. Việc rà soát tập trung địa chỉ cụ thể, với yêu cầu người nhận phải có mặt tại nhà để đảm bảo thực hiện chi trả kịp thời và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho đối tượng, cũng như giữ khoảng cách và không tập trung đông người tại nơi chi trả sẽ là những khó khăn không nhỏ với chúng tôi. Lường trước những khó khăn này, BHXH tỉnh đã đưa ra các biện pháp như, thông qua xã phường thị trấn cùng với ban nhân dân khối phố, thôn để rà soát từng địa chỉ của người hưởng; sau đó huy động lực lượng của BHXH và Bưu điện tỉnh để trả từng địa chỉ cụ thể theo phương thức cuốn chiếu, nhanh cho từng địa bàn. Với những địa phương có số đối tượng đông, địa bàn rộng thì giữa hai ngành phải bố trí phương án ưu tiên lực lượng chi trả. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo sự an toàn cho người hưởng, tránh trường hợp tập trung đông người, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chúng tôi đã quán triệt chỉ đạo của UBND tỉnh đến đội ngũ nhân viên thực hiện nhiệm vụ chi trả, phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Nhân viên phải đảm bảo không liên quan đến yếu tố dịch tể, thường xuyên đeo khẩu trang trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, đo thân nhiệt ít nhất mỗi ngày 2 lần, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau mỗi lần chi trả và thực hiện các biện pháp khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế nhằm đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19. - Phóng viên: Bên cạnh công tác này, thì việc thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHYT tại cơ quan BHXH tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện như thế nào, thưa ông?   BHXH tỉnh Quảng Nam thông báo công khai về việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trong thời gian thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 + Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh: Hiện nay BHXH tỉnh có 18 bộ phận “một cửa” tại BHXH các huyện, thị xã, thành phố. Hằng ngày, ngành BHXH tiếp nhận hồ sơ qua các kênh: một là “Giao dịch điện tử”, hai là kênh “dịch vụ Bưu chính công ích”, và thứ ba là nhận hồ sơ trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.  Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã báo cáo và được sự đồng ý của UBND tỉnh, trong 6 thủ tục thường xuyên thực hiện giao dịch với nhân dân, xác định 2 hình thức cần thiết duy trì giao dịch trực tiếp gồm: Cấp lại thẻ BHYT bị mất, hỏng khi người có thẻ BHYT đang khám, chữa bệnh; chốt sổ BHXH cho người lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (đảm bảo cho người lao động kịp thời hoàn thiện hồ sơ hưởng BH thất nghiệp). Đồng thời, tăng cường truyền thông trên Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để khuyến nghị nhân dân với các trường hợp chưa thực sự cấp bách, tạm thời chờ đến ngày 16/4 để BHXH tỉnh tiếp tục nhận hồ sơ phục vụ nhân dân. Ngoài ra, BHXH tỉnh và cấp huyện vẫn bố trí cán bộ trực tại bộ phận "một cửa" để tiếp nhận hồ sơ giao dịch điện tử, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích cho nhân dân. Cán bộ, viên chức, người lao động của cơ quan BHXH được yêu cầu làm việc tại nhà, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo giải quyết công việc hiệu quả. Bố trí cán bộ trực làm việc tại cơ quan BHXH các cấp đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. - Phóng viên: Xin cảm ơn ông! La Giang

Công an huyện Bình Xuyên xử phạt 2 cơ sở kinh doanh và 73 cá nhân không chấp hành quy định phòng, chống dịch

TĐKT – Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Công an huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã xử phạt 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng quán và 73 cá nhân không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng. Từng là tâm điểm chú ý của cả nước khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam, nên sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020, Công an huyện Bình Xuyên đã chủ động tham mưu các cấp chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của cấp trên. Lực lượng công an huyện lập biên bản xử phạt người dân không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Theo đó, công an huyện Bình Xuyên đã ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, Đồn Công an Khu Công nghiệp Bá Thiện, công an các xã, thị trấn chủ động tham mưu cho UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ công tác rà soát, các tổ tuần tra lưu động. Công an huyện phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho từng cán bộ chiến sĩ để rà soát, thống kê các cơ sở nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, cơ sở cho thuê lưu trú; các trường hợp là người nước ngoài; người Việt Nam nhập cảnh từ 8/3 đã đến hoặc đi qua vùng có dịch đến địa bàn huyện Bình Xuyên nhưng chưa áp dụng biện pháp cách ly; các trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai từ 10/3/2020 và số người đã tiếp xúc gần với các trường hợp đó; các trường hợp đã đến nơi mà bệnh nhân số 237 (quốc tịch Thụy Điển) đến khám, chữa bệnh và số người tiếp xúc gần với bệnh nhân này... Các tổ tuần tra lưu động đã tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm túc việc cách ly toàn xã hội, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; nhắc nhở các trường hợp tập trung đông người, xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, các hành vi vi phạm về phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định tại Nghị định số 176/2013-NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Song song với công tác tuyên truyền, Công an huyện Bình Xuyên cũng kiên quyết xử lý đối với những đơn vị, cá nhân cố tình không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, đến nay, Công an huyện đã lập biên bản xử lý 2 trường hợp đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng quán phải tạm đình chỉ hoạt động theo Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; lập biên bản và xử phạt hành chính 73 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Minh Phương

Trang