Xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật qua các sáng kiến nghệ thuật
06/11/2020 - 19:44

TĐKT – Nhằm góp phần xóa bỏ sự phân biệt đối xử với đối tượng là phụ nữ khuyết tật, Hội Người khuyết tật (NKT) quận Thanh Xuân phối hợp với trường THCS Khương Đình tổ chức chương trình truyền thông “Giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật thông qua các sáng kiến nghệ thuật”, do Quỹ Abilis Phần Lan tài trợ.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án “Tăng cường nhận thức về kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật thông qua các sáng kiến nghệ thuật” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 1376/QĐ-UBND ngày 06/4/2020.

Chương trình có sự tham dự của bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân; bà Đỗ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội - Giám đốc Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam; sự tham gia tích cực của gần 1.700 thầy và trò trường THCS Khương Đình.

Nghệ sĩ NKT của Dự án chụp ảnh với Ban Giám hiệu trường THCS Khương Đình và đại biểu tham dự

Phát biểu khai mạc tại chương trình, bà Nguyễn Thúy Ngân, Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân nhấn mạnh “Dự án có mục tiêu nâng cao nhận thức cho NKT, thanh thiếu niên và sinh viên các trường THPT, THCS và đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân để nói không với kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật. Nhóm học viên nòng cốt tham gia dự án sau khi được đào tạo kiến thức và kỹ năng về phòng, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật sẽ lên ý tưởng thực hiện 4 sáng kiến nghệ thuật, được hướng dẫn luyện tập và biểu diễn các ý tưởng nghệ thuật tại 11 sự kiện được thực hiện từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021”.

Hội NKT Thanh Xuân là một trong nhiều Hội NKT trên cả nước mà các thành viên nữ có báo cáo bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong gia đình và cộng đồng. Từ thực tế đó, phát triển một mô hình hỗ trợ một nhóm phụ nữ khuyết tật có kiến thức, kỹ năng để đối phó với sự kỳ thị và phân biệt đối xử bằng cách nâng cao nhận thức, đưa các thông điệp truyền thông đến gần hơn với mọi người thông qua sử dụng các hình thức nghệ thuật là điều cần thiết.     

Tại chương trình, bằng các sáng kiến nghệ thuật, người khuyết tật Thanh Xuân đã truyền cảm hứng đến với giáo viên và học sinh của trường nói riêng và giáo viên, học sinh của quận Thanh Xuân nói chung; giúp họ hiểu đầy đủ về kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT và phụ nữ khuyết tật để truyền thông tới cộng đồng, xã hội.

Đầu tiên là các nghệ sĩỹ ảo thuật (người không sử dụng ngôn ngữ nói mà nói bằng tay với khán giả), mời học sinh lên sân khấu tham gia tương tác. Các chú hề không chỉ có tài biến hóa, thực hiện các phép thuật mà còn là những nhà thông thái trẻ tuổi. Mỗi khán giả tương tác được các chú hề tặng phần quà là một câu danh ngôn. Khán giả có lời bình hay được nhận một phần quà đặc biệt của chú hề trao tặng.

 

               Toàn cảnh của Chương trình truyền thông tại trường THCS Khương Đình

Tiếp theo, trong chương trình, các đại biểu cùng thầy và trò của trường THCS Khương Đình còn được gặp vị tiên nữ nổi tiếng xinh đẹp và nhân ái trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam với tiết mục hát múa chầu văn “Cô đôi Thượng ngàn”. Cô được thờ ở nhiều di tích Đền và Phủ ở phía Bắc Việt Nam và được coi là người có uy tín, có quyền năng. Đi đến đâu cũng được chào đón, tôn thờ; vì cô luôn mang lại may mắn, hạnh phúc cho muôn người.

Ngày nay, trong xã hội, vẫn tồn tại quan niệm: NKT sinh ra để trả giá cho tội lỗi của tổ tiên. Vì quan niệm này dẫn đến việc NKT thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong gia đình và xã hội. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử càng nặng nề hơn với phụ nữ khuyết tật. Vì vậy, học viên Dự án đã quyết định hóa thân vào nhân vật “Cô đôi Thượng ngàn” và các tiên nữ. Bởi người ta cho rằng: Chỉ những người có sức mạnh siêu nhiên, có sự kết nối đặc biệt với “Cô đôi Thượng ngàn” thì mới hóa thân được vào nhân vật.

Trong sự kiện này, học sinh trường THCS Khương Đình được gặp gỡ “Cô đôi Thượng ngàn” và các tiên nữ là các chị NKT vận động. Các chị hóa thân thành công vào nhân vật và mang đến những may mắn cho mọi người. Như vậy để khẳng định, NKT sinh ra là để yêu thương và tôn trọng.

Với các trò chơi tương tác cùng học sinh, các nghệ sĩ của chương trình đã chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa đến với khán giả: Trẻ em khuyết tật khi học hòa nhập sẽ giúp các học sinh khác học về lòng nhân ái và vẻ đẹp trong sự đa dạng; hầu hết người khuyết tật đều có thể đi làm và nuôi sống bản thân nếu họ được học tập và được tạo cơ hội làm việc; người khuyết tật có quyền được yêu, được kết hôn và sinh con; trẻ em cần tôn trọng, lễ phép với mọi người, trong đó có người khuyết tật….

Ngân Thúy