Trong tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, công tác xây dựng luật và giám sát là nội dung trọng tâm được các đại biểu Quốc hội dành phần lớn thời gian làm việc tại hội trường và thảo luận sôi nổi tại các phiên họp tổ.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Các đại biểu Quốc hội từ thực tiễn cuộc sống sinh động, phản ánh và phân tích, làm rõ những “điểm nghẽn” về thể chế, chỉ ra những vướng mắc vừa qua tạo lực cản với quá trình phát triển đất nước. Nhiều kiến nghị và giải pháp làm thế nào khơi thông điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, triệt để khắc phục cơ chế xin-cho, bỏ dần tư duy “không quản được thì cấm”... được các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng.
Hàng loạt vấn đề thời sự được đề cập thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao trong phiên thảo luận ngày làm việc đầu tuần, chung quanh chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” được cử tri, người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản gặp khó khăn; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương xử lý các dự án còn tồn đọng.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, phải coi trọng mối quan hệ cung cầu và yếu tố thị trường trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, tính minh bạch trong thị trường tín dụng bất động sản và thị trường giao dịch nhà ở thứ cấp, khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên, cần làm rõ việc không hợp thức hóa các sai phạm đối với các dự án bất động sản trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Phản ánh tình hình thực tế từ cơ sở và kiến nghị của cử tri, nhân dân, nhiều yêu cầu đặt ra với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan là phải cơ cấu lại quy hoạch địa phương và ưu tiên phát triển nhà ở xã hội ở các thành phố lớn, các khu vực tập trung đông khu công nghiệp, hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhà ở xã hội; có chính sách, cơ chế tài chính, tín dụng hấp dẫn cho chủ đầu tư và đối tượng sử dụng nhà ở xã hội. Mặt khác, các cơ quan hữu quan có các biện pháp tăng cường điều tra phát hiện, xử lý các hành vi đẩy giá, đầu cơ để trục lợi trong lĩnh vực này; và quan tâm có nguồn lực đầu tư ứng dụng công nghệ, vật liệu mới thân thiện với môi trường trong xây dựng, phát triển nhà ở... Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tuần qua, nhiều nội dung lớn, trong đó nhiều dự thảo luật có tác động xã hội rộng lớn về lĩnh vực thuế, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, quy hoạch... có tính cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, giúp khơi thông các nguồn lực xã hội đã được Quốc hội thảo luận thấu đáo. Sẵn sàng làm việc ngoài giờ, kể cả những ngày cuối tuần, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thuộc Chính phủ cho thấy quyết tâm, đặt ưu tiên xây dựng luật theo hướng một luật sửa nhiều luật, sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hạn chế đã được chỉ rõ trong nội dung phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; của lãnh đạo Quốc hội cũng như các thông điệp quan trọng trong quá trình thảo luận.
Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán đối với công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp này nhằm đáp ứng yêu cầu vừa quản lý, vừa kiến tạo phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mục tiêu đặt ra đối với Quốc hội, Chính phủ trong quá trình lập pháp là tuân thủ kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật, nghị quyết. Nội dung quan trọng khác là bảo đảm mục tiêu khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...
Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần phải đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Theo đó, công tác này phải bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật...
Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội hôm nay 4/11 dành cả ngày làm việc thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian làm việc trong tuần, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến hơn 10 nội dung dự thảo luật và nội dung khác.
Hàng loạt nội dung thời sự lớn ở tầm mức vĩ mô quốc gia đại sự cũng như vấn đề cụ thể, thiết thân “quốc kế dân sinh”, “cơm áo gạo tiền” từ thực tiễn sôi động của cuộc sống sẽ được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự, để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi.
Theo tcnn.vn