Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số
18/07/2019 - 15:50

TĐKT - Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp cùng Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Hà Ban, đồng chủ trì Hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ Nội vụ được phân công, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS).

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng chính sách về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch đối với đội ngũ công chức, viên chức là người DTTS, thực hiện việc ưu tiên cho các đối tượng là người DTTS trong thi tuyển, xét tuyển, bố trí, phân công công tác và đối với các đối tượng cử tuyển sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Thực hiện các chính sách về ưu tiên tuyển dụng linh hoạt, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nói chung mặc dù được ban hành nhiều nhưng còn thiếu quy định cụ thể đối với công chức, viên chức là người DTTS.

Công tác kiểm tra và báo cáo thực hiện các chính sách chưa được chú trọng thường xuyên, nên chưa được phản ánh, kiến nghị kịp thời. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chưa tương ứng với tỷ lệ dân số là người DTTS.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chỉ rõ, nước ta có 53 dân tộc anh em sinh sống trải rộng trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khiến cho việc áp dụng, triển khai một số chính sách gặp khó khăn, chưa phù hợp với tình hình ở một số địa phương.

Với trên 5.200 huyện và hơn 500 xã có đồng bào DTTS sinh sống, việc thực hiện chính sách với vùng đồng bào DTTS vẫn dàn trải, cần có lời giải căn cơ. Hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo đã giảm, nhưng là giảm nghèo trong cả nước nói chung, còn với riêng vùng có đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao.  Do đó, một trong những nguyên nhân chính là chất lượng công tác cán bộ tại vùng có đồng bào DTTS sinh sống.

Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, lý giải nguyên nhân cán bộ DTTS thường tập trung ở một số lĩnh vực trong bộ máy nhà nước mà ít có mặt ở khắp các lĩnh vực, thường tập trung ở cấp cơ sở nhưng giảm ở các cấp tỉnh và Trung ương, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số là người DTTS. Đấy cũng chính là vấn đề trăn trở, cần nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong việc giải quyết vấn đề này, tháo gỡ khó khăn cho công tác cán bộ, nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù để thúc đẩy các mục tiêu của Đảng về công tác dân tộc.

Về chính sách đặc thù ở đây không có nghĩa là ưu tiên, mà chính là sự bình đẳng về cơ hội, cụ thể cần mang lại cho đồng bào DTTS cơ hội để bình đẳng chứ không phải mãi là chính sách ưu tiên.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thống nhất với ý kiến chỉ đạo không tiếp tục sử dụng cụm từ “ưu tiên” trong xây dựng chính sách, thay vào đó, cần có chính sách đặc thù để thúc đẩy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS “đi nhanh hơn”. Cụ thể, cần xem lại một số vấn đề, như về chính sách cử tuyển, về nguồn lực thực hiện chính sách, về công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách; đặc biệt, cần dành sự quan tâm hơn nữa đối với những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao để đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả nhanh chóng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

La Giang