Việt Nam đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu
30/06/2017 - 00:00

TĐKT - Ngày 30/6, tại Hà Nội, Chương trình Chống Lao quốc gia (CLCLQG)  tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình Chống lao 6 tháng đầu năm 2017.  Hiện nay, Việt nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2016).

 Active Image

Phát hiện và phòng chống lao ở trẻ em   

Kết quả 6 tháng đầu năm 2017, CTCLQG vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 45 trên 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. CTCL đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác: Bộ Công an; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; WHO; KNCV; CDC: URC; CHAI, các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác. Đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2017, CTCL có thêm các đối tác mới chính thức trở thành những đơn vị viện trợ phụ (SRs) cùng tham gia vào dự án Quỹ toàn cầu và công tác chống lao như FIND, Hội chống lao Hoàng gia Hà lan (KNCV), Trung tâm nghiên cứu và phát triển sức khỏe cộng đồng (RCSCH), Bộ Công an.

Trong quý 1 năm 2017, số liệu phát hiện của CTCLQG có xu hướng tăng nhẹ về số bệnh nhân lao các thể (402 bệnh nhân). Số bệnh nhân lao mới có bằng chứng vi khuẩn học tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016 (218 bệnh nhân). Số bệnh nhân không có bằng chứng vi khuẩn học và lao ngoài phổi cũng tăng tương đối so với năm 2016, lần lượt là 339 và 553 trường hợp, cho thấy những thành công bước đầu của việc tăng cường phát hiện chủ động. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được duy trì ở mức cao (89,8%) đạt mục tiêu đề ra là >85%. Tỷ lệ âm hóa đờm sau 2 – 3 tháng điều trị của bệnh nhân mới cũng được duy trì ở mức cao và ổn định là 89,7%. Số tỉnh triển khai lao kháng đa thuốc là 63/63 tỉnh, thành phố. Tính đến 31/5/2017, cả nước thu dung điều trị 1.093 bệnh nhân lao kháng thuốc, tuy nhiên mới chỉ đạt 36% chỉ tiêu thu dung Quỹ Toàn cầu cả năm 2017 (3.000 bệnh nhân).

Bên cạnh việc duy trì triển khai, đảm bảo chất lượng các hoạt động xét nghiệm, phát hiện, quản lý điều trị…thường quy, CTCL sẽ đẩy mạnh triển khai sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại các khu vực khó tiếp cận, có tình hình dịch tễ lao cao, trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người già, bệnh nhân tâm thần, phạm nhân, người nhiễm HIV…)

Đặc biệt, thời gian tới CTCLQG sẽ đẩy mạnh hoạt động phát hiện, tăng tối đa tỷ lệ thu nhận điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc trên toàn quốc nhằm đạt chỉ tiêu đặt ra với Bộ Y tế và nhà tài trợ tới cuối năm 2017. Chú trọng chất lượng quản lý điều trị, tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm bỏ trị trong quản lý lao kháng thuốc. Tăng cường sàng lọc, phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao ở trẻ em.

Hồng Thiết