Vận dụng khoa học tiên tiến trong lĩnh vực địa kỹ thuật công trình
28/11/2019 - 14:13

TĐKT - Hội nghị quốc tế lần thứ tư về lĩnh vực địa kỹ thuật và hạ tầng (GEOTEC HANOI 2019) diễn ra từ ngày 28 - 29/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị do Công ty FECON, Hội Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi và Công ty Kokosai Kogyo Nhật Bản phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hội địa kỹ thuật công trình thế giới.

Ông Phạm Việt Khoa, Trưởng Ban tổ chức GEOTEC HANOI 2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Fecon cho biết, Việt Nam là nước nằm trong địa lý có nhiều biến đổi khí hậu và điều kiện địa chất phức tạp dẫn đến các công trình không bền vững. Do đó, việc lựa chọn giải pháp nền móng rất quan trọng, ứng dụng công nghệ cao để thi công xây dựng các công trình bền vững.

GEOTEC HANOI là diễn đàn để nhà khoa học quốc tế và Việt Nam kết nối, chia sẻ các kiến thức, vận dụng khoa học tiên tiến trong lĩnh vực địa kỹ thuật công trình nhằm tìm ra giải pháp và ứng dụng công nghệ, đảm bảo 3 tiêu chí: An toàn bền vững, thân thiện môi trường và giá thành tốt nhất.

Theo Ban tổ chức, GEOTEC HANOI 2019 có quy mô vượt trội so với 3 kỳ hội nghị trước. 160 bài viết của các tác giả đến từ 40 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Italy, Hà Lan, Australia, Singapore... sẽ được lựa chọn trình bày trong hai ngày diễn ra Hội nghị. Năm nay, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với số lượng bài viết hoàn chỉnh được lựa chọn là 63.

Tại Hội nghị lần này, bên cạnh 4 chủ đề đã trở thành truyền thống như: Móng sâu; hầm và công trình ngầm; gia cố nền đất; mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật, có thêm 2 chủ đề mới trong phát triển bền vững đang rất được quan tâm hiện nay là: Trượt lở và xói mòn; kỹ thuật nền móng bờ sông, bờ biển.

Đặc biệt, 6 bài giảng quan trọng cho 6 chủ đề của Hội nghị năm nay sẽ được trình bày bởi 6 giáo sư hàng đầu thế giới; GS Delwyn G.Fredlund (Canada), GS Adam Bezuijen (Bỉ), GS Harry Poulos (Australia), GS Lidija Zdravkovic (Anh), GS Mark F.Randolph (Australia) và GS Masaki Kitazume (Nhật Bản).

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chào đón 4 diễn giả khách mời là GS. Charles Ng, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật thế giới; GS. Eun Chul Shin, Phó Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật thế giới khu vực châu Á, GS Norikazu Shimizu, Phó Chủ tịch Hội Cơ học đá thế giới (IRSM) và TS. Kenji Mori, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn địa kỹ thuật Nhật Bản.

Đây đều là các giáo sư, tiến sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, các giáo sư và tiến sĩ này cũng tham gia vào các dự án thực tế, các hội nghị chuyên ngành trên toàn thế giới với nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực địa kỹ thuật nói riêng và lĩnh vực xây dựng thế giới nói chung.

Sự kiện triển lãm bên lề GEOTEC HANOI 2019 cũng được quan tâm với 48 gian hàng triển lãm của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, quan trắc, sản xuất thiết bị sản xuất vật liệu thi công nền móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, điện gió, chống sạt lở, hạ tầng công nghiệp...

Phương Thanh