Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Xây dựng “Quy tắc ứng xử của người học”
23/12/2018 - 20:08

TĐKT - Ngày 21/12, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Họp về việc góp ý kiến hoàn thiện “Quy tắc ứng xử của người học”. Quy tắc này là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá thi đua của sinh viên. Buổi họp do GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường chủ trì.

Họp dự thảo về Quy tắc ứng xử của người học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

“Quy tắc ứng xử cho người học” được xây dựng với mục đích duy trì cho người học lối sống tích cực, ứng xử văn minh; chủ động học tập; tạo nền nếp, phong cách và môi trường văn hóa trong nhà trường, đồng thời tạo lập, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, định hướng các mối quan hệ theo tính nhân văn; nâng cao khả năng thích nghi của người học với xã hội. Đó cũng sẽ là cơ sở để kiểm tra việc chấp hành các quy định và nội quy của trường; đánh giá, xếp loại rèn luyện, xử lý kỷ luật khi người học vi phạm các chuẩn mực trong quá trình học tập tại trường.

Nội dung dự thảo bao gồm nhiều nội dung quan trọng: Trách nhiệm với bản thân và gia đình; ứng xử trong học tập, rèn luyện; ứng xử với cán bộ, giảng viên, nhân viên, bạn học, người học trong trường; ứng xử với khách đến thăm và làm việc tại trường; ứng xử nơi thực tập và công cộng và Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, tài sản công. Tại cuộc họp, đa số các ý kiến đều nhất trí về các điều khoản và quan điểm được nêu trong dự thảo.

GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Đề cập đến văn hóa ứng xử của sinh viên đối với giảng viên hay giữa sinh viên với nhau, thực chất là đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của sinh viên trong giao tiếp với giảng viên, bạn học ở môi trường đại học. Hiện nay, không ít sinh viên quan niệm rằng, giảng viên chỉ có nhiệm vụ là giảng dạy về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên đến giảng đường học tập chỉ với mục đích là lấy bằng cấp.

Với quan niệm lệch lạc đó, không ít sinh viên xem giảng viên chỉ đơn thuần là người “làm thuê”, người “phục vụ”, còn sinh viên là “thượng đế”, mà đã là “thượng đế” thì muốn làm gì thì làm. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng một số sinh viên tỏ thái độ thiếu tôn trọng đối với giảng viên, cán bộ, nhân viên trong quá trình giao tiếp.

Ngoài ra, trong các cuộc giao tiếp giữa sinh viên với nhau cũng thể hiện những câu từ không đúng thuần phong mỹ tục, gây hiểu lầm và dễ dẫn tới xung đột đáng tiếc.

Vì vậy, xây dựng quy tắc ứng xử dành cho người học là vô cùng cần thiết, giúp định hướng cho người học cư xử đúng mực, ghi nhớ và thực hiện ứng xử theo giá trị văn hóa cốt lõi của nhà trường: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm - Văn minh”.”

Sau buổi họp, Quy tắc ứng xử sẽ được chuẩn hóa, phê duyệt bởi Ban Giám hiệu, sau đó gửi đến các đơn vị có liên quan và đông đảo sinh viên, nghiên cứu sinh của nhà trường trong thời gian tới.

                                                                             Thu Hương