Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cơ bản hoàn tất việc tự đánh giá chất lượng giáo dục
05/10/2020 - 10:47

TĐKT - Sau một thời gian nghiên cứu và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến nay, công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã cơ bản hoàn tất. Các tài liệu và minh chứng cần thiết cho hoạt động đánh giá ngoài cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, hoàn thiện và được sắp xếp, hệ thống hóa một cách bài bản.

Hội nghị Kiểm định chất lượng giáo dục theo Thông tư số 12/2017/TT – BGDĐT được tổ chức tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ban hành theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ngày 19/5/2017 bao gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí. Bộ tiêu chuẩn đánh giá được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Các nhóm tiêu chuẩn được phân chia theo 4 lĩnh vực của đảm bảo chất lượng (ĐBCL) gồm ĐBCL về chiến lược, ĐBCL về hệ thống, ĐBCL về thực hiện chức năng và kết quả hoạt động.

GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Tự đánh giá chất lượng giáo dục trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết: Việc đăng ký tham gia việc kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tác động vô cùng quan trọng không chỉ đối với bên ngoài mà bên trong nhà trường. Mỗi khoa, phòng ban, đơn vị chức năng, thậm chí là cá nhân mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đều phải tham gia, phải tự nhìn nhận xem kết quả công việc, chất lượng giáo dục từ khâu quản lý, tổ chức đào tạo, học tập, rèn luyện, thi cử cho đến tự đánh giá chất lượng đã thực sự tốt chưa, hiệu quả chưa. Có thể nói rằng, việc tự đánh giá chất lượng đang tác động một cách toàn diện đến tất cả hoạt động đào tạo của nhà trường, đặc biệt là đối với 4 mục tiêu phát triển chính: Quản lý chất lượng đào tạo; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học và dịch vụ phục vụ cộng đồng.

Đến nay, công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã cơ bản hoàn tất.

Về công tác quản lý chất lượng đào tạo, trường đã thiết lập được hệ thống đào tạo theo hình thức tín chỉ, phù hợp với triết lý giáo dục và để đạt chuẩn đầu ra của trường. Ngay từ những ngày đầu thành lập, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, đồng thời định hướng các hoạt động dạy và học lấy sinh viên làm trung tâm, giúp sinh viên chủ động xây dựng kế hoạch học tập, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Triết lý giáo dục của nhà trường cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chung của giáo dục đại học Việt Nam là giúp cho người học phát triển toàn diện, học tập có chất lượng, xác định nội dung và phương pháp dạy học để người học có khả năng thích ứng với giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa; đáp ứng các yêu cầu quy định về chuẩn kiến thức - kỹ năng đối với trình độ đào tạo của Bộ GD&ĐT thông qua hình thức đào tạo tín chỉ. Trong khi đó, đào tạo theo hệ thống tín chỉ chính là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình tự đánh giá chất lượng giáo dục để tiến hành kiểm định chất lượng bên ngoài của nhà trường.

Chính vì vậy, Ban Giám hiệu đã có các quy định cụ thể về cách thức lựa chọn các hoạt động dạy - học phù hợp và để đạt chuẩn đầu ra; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đổi mới các phương pháp dạy và học, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo tín chỉ trong năm học 2019 - 2020. Đến nay, hệ thống tín chỉ của 27 chuyên ngành đào tạo đã được chuẩn bị sẵn sàng để đưa vào giảng dạy cho sinh viên từ năm học 2019 - 2020.

Về công tác hợp tác quốc tế, nhà trường nỗ lực phát triển mối quan hệ với các tổ chức khoa học và giáo dục có uy tín trên thế giới, cũng như với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài với mong muốn phát triển hợp tác lâu dài, tin cậy, đôi bên cùng có lợi; phấn đấu là một trong những trường đại học trong tốp đầu tại Việt Nam để phát triển hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, học viện, trung tâm, viện nghiên cứu lớn trên thế giới.

Trong giai đoạn 2018 - 2022 và tầm nhìn đến 2030, nhà trường chú trọng nhiều hơn nữa vào nhiệm vụ hợp tác quốc tế, thông qua việc ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong giai đoạn kể trên, trong đó có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về các hoạt động đối ngoại, trong đó mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học tiên tiến trong khu vực, châu Á và thế giới; thiết lập chương trình liên kết đào tạo thiết thực, có hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nhất là với các quốc gia như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; có kế hoạch mời một số nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học gốc Việt thường xuyên giảng dạy, nghiên cứu tại trường. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các giảng viên của trường tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại nước ngoài; mở rộng hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường nước ngoài, tiếp nhận sinh viên, học viên nước ngoài, nhằm gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài học tập, nghiên cứu tại trường. Đồng thời, nhà trường cũng tổ chức cho sinh viên, học viên Việt Nam du học ở nước ngoài theo chương trình liên kết hợp tác đào tạo.

Nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng và nâng cao chất lượng rõ rệt. Cụ thể, trong Chiến lược hoạt động khoa học công nghệ trường giai đoạn 2018 - 2022, tầm nhìn 2030 cũng như trong Quy chế NCKH ban hành theo văn bản số 791/QĐ-BGH-QĐ Ban hành Quy chế NCKH của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, loại hình NCKH được định hình như sau: Nghiên cứu lý luận khoa học và ứng dụng liên quan trực tiếp đến các chương trình đào tạo và môn học đang giảng dạy tại trường; nghiên cứu đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề đào tạo, quản lý, tổ chức, xây dựng và phát triển trường. Tạp chí khoa học mang tên “Kinh doanh và Công nghệ” chính là nơi đăng tải các sản phẩm NCKH của các cán bộ, giảng viên, qua đó giúp nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đẩy mạnh phong trào NCKH trong toàn trường.

Với 1.116 giảng viên cơ hữu, trong đó có 79 giáo sư, phó giáo sư; 105 tiến sĩ và 675 thạc sĩ, luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, nhà trường đặc biệt tập trung vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong tất cả các lĩnh vực đào tạo hiện có. Nhà trường đảm bảo chất lượng của các hội nghị khoa học, chú ý đặc biệt nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hội thảo chuyên ngành hẹp (cấp quốc gia và quốc tế), phấn đấu 100% giảng viên cơ hữu tham gia NCKH, 50% giảng viên thạc sĩ và 100 % giảng viên có học vị tiến sĩ trở lên có ít nhất 1 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành/năm hoặc có báo cáo trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia (hoặc quốc tế) và phấn đấu có bài đăng trong các tạp chí quốc tế.

Dịch vụ phục vụ cộng đồng (PVCĐ) chính là một trong những điểm mạnh của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển. Nhiều hoạt động kết nối và PVCĐ đã được thực hiện nhằm tối đa hóa lợi ích từ việc thiết lập và duy trì sự gắn kết giữa nhà trường với cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, đã dần thay đổi nhận thức, thái độ, thúc đẩy tinh thần tham gia PVCĐ của cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên, học viên của trường.

Trên cơ sở các văn bản pháp quy của Bộ GD&ĐT, Trường đã xây dựng các chính sách về phục vụ cộng đồng (PVCĐ), chính sách hỗ trợ đối với sinh viên như các Khoa tổ chức phụ đạo sinh viên học yếu, tổ chức lớp sinh viên xuất sắc, cấp học bổng, giảm học phí, khen thưởng và xây dựng các kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động phong phú như: Xây dựng và thực hiện văn hóa học đường, tổ chức hội chợ việc làm, hội thảo tìm kiếm việc làm cho sinh viên, tư vấn hỗ trợ học vụ, tư vấn hướng nghiệp, phong trào sinh viên tình nguyện…

Đối với cán bộ, giảng viên, PVCĐ đã được thể hiện rõ nét nhất qua các hoạt động: Tham gia công tác tư vấn hướng nghiệp; tư vấn tuyển sinh hàng năm, giao lưu - hợp tác đào tạo trong và ngoài nước; giao lưu - hợp tác doanh nghiệp trong và ngoài nước; tham gia NCKH như thực hiện các đề tài về ứng dụng khoa học - công nghệ (thiết kế xe lăn cho người khuyết tật, máy sấy nông sản, dược liệu dùng năng lượng mặt trời…); hợp tác với Tập đoàn Vingroup thực hiện các đề án phục vụ sản xuất và các đề án khởi nghiệp của sinh viên; giúp địa phương đào tạo cán bộ miễn phí, hợp tác với các bệnh viện; thành lập phòng khám đa khoa Phúc An tại Cơ sở 2 (Từ Sơn, Bắc Ninh) phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trong khu vực…

Đối với sinh viên, các hoạt động PVCĐ là những hoạt động tình nguyện rất ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quảng bá hình ảnh cũng như uy tín của nhà trường trong xã hội như: Chiến dịch Mùa hè xanh, Hiến máu nhân đạo, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, giao lưu, hợp tác với thanh niên, sinh viên quốc tế trong và ngoài nước.

Sau khi tham gia vào công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thành lập Ban hoạt động PVCĐ do Chánh Văn phòng làm trưởng ban, thành viên các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên) và đại diện các phòng ban là ủy viên, với nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các hoạt động này. Các kế hoạch kết nối và PVCĐ được triển khai, giám sát thường xuyên thông qua mạng lưới các thành viên của Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường (mỗi đơn vị 1 lãnh đạo và 1 trợ lý là thành viên của Ban). Các đơn vị lập kế hoạch PVCĐ hàng năm, sau mỗi đợt hoạt động, nhà trường tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm, đề ra hướng cải tiến nhằm tìm kiếm thêm và làm phong phú hơn loại hình PVCĐ.

Ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều hoạt động hướng tới công tác phục vụ cộng đồng như: Tuần công dân - sinh viên, phổ biến nội quy, quy chế học tập cho sinh viên; Phát hành Cẩm nang sinh viên; gặp gỡ phụ huynh sinh viên trong những ngày đầu của năm học mới; đưa đón miễn phí sinh viên quốc tế đi và về từ ký túc xá ở Từ Sơn, Bắc Ninh…

Về các hoạt động thiện nguyện, trường đã thực hiện rất tốt chủ trương “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, kêu gọi các cán bộ, giảng viên, sinh viên ủng hộ, giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần cho những đồng bào khó khăn ở vùng sâu vùng xa, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Đặc biệt, năm 2014, 1080 cán bộ, giảng viên nhà trường đã ủng hộ 116.940.000 đồng và 233 bộ quần áo, chăn màn cho học sinh, giáo viên trường tiểu học Noong U ở Huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên; năm 2018, Công đoàn nhà trường cũng đã hỗ trợ kinh phí cho trường mầm non Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) để nâng cấp hệ thống nước sạch tại đây. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã đánh giá cao đóng góp của các cán bộ, giảng viên nhà trường trong hoạt động ủng hộ tiền và quần áo hỗ trợ giáo dục miền núi đối với giáo viên, học sinh các trường tiểu học, mầm non tại Lào Cai, Yên Bái; hỗ trợ nhân dân các địa phương bị thiên tai trong suốt thời gian qua…

Có thể nhận định rằng, công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục không chỉ tác động tích cực đến tất cả các công tác quản lý, đào tạo của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà còn giúp các cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên hiểu rõ hơn, quan tâm hơn đến hoạt động này. Để triển khai công tác tự đánh giá một cách hiệu quả, đòi hỏi toàn trường từ Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm các Khoa, Ban lãnh đạo các phòng ban, trung tâm tới từng giảng viên, sinh viên phải đầu tư thời gian, công sức. Tất cả đều thể hiện sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng nhằm hoàn thành công tác tự đánh giá cũng như phục vụ cho công tác đánh giá ngoài sẽ diễn ra trong thời gian tới.

                                                                    Thu Hương