Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
25/04/2017 - 00:00

TĐKT - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa quý II năm 2017.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, ngành đường thủy nội địa đã chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện thủy nội địa, siết chặt hoạt động quản lý vận tải, chống quá mớn, quá tải tại các cảng, bến thủy nội địa, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATGT.

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 28 người, bị thương 13 người. So với 4 tháng đầu năm 2016, giảm 4 vụ tai nạn, tăng 14 người chết và tăng 10 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do thuyền viên, người lái phương tiện bất cẩn, tránh, vượt sai quy định (10/26 vụ, chiếm 38,46%); do lật thuyền khi qua sông hoặc trên hồ thủy điện (9/26 vụ, chiếm 34,62%); do cháy tàu du lịch; do điều kiện thời tiết xấu, sóng to, gió lớn; tàu chở quá tải…

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, còn có một số tồn tại: công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn để tình trạng phương tiện chở quá tải trọng, đặc biệt là phương tiện thủy nội địa chở vật liệu xây dựng; công tác phối hợp với doanh nghiệp cảng về kiểm soát bốc xếp hàng hóa lên ô tô chưa được thường xuyên, liên tục, vẫn còn xe ô tô chở quá tải trọng ở cảng thủy nội địa. Có khoảng 154 lễ hội liên quan đến đường thủy nội địa được tổ chức trong năm, phần lớn diễn ra vào 3 tháng đầu năm với số lượng người tham gia lớn, trong khi công tác giám sát, tuyên truyền về bảo đảm ATGT thủy tại lễ hội chưa được chặt chẽ. Ngoài ra, công tác tổ chức quản lý đối với phương tiện thô sơ, phương tiện miễn đăng ký chưa được các địa phương quan tâm. Ý thức của thuyền viên, người lái phương tiện thủy về triển khai các thiết bị cứu sinh đến hành khách, người đi trên phương tiện thủy chưa được thường xuyên, liên tục; áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh chưa được đặt đúng nơi quy định…

Để khắc phục tình trạng trên, tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa: rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan điều chỉnh hoạt động vận tải, đảm bảo ATGT; kiên quyết xử lý và không cấp phép cho các phương tiện thủy rời cảng, bến khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn, chở quá tải trọng cho phép; tăng cường phối hợp với địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thực hiện kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành giữa 3 Cục (Cục Đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát Giao thông và Cục Đăng kiểm Việt Nam), tập trung kiểm tra, xử lý đối với vận tải hành khách, tham quan, du lịch, lưu trú ngủ đêm, vận tải khách ngang sông, dọc tuyến. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Thường xuyên kiểm tra, quản lý, bảo trì đường thủy nội địa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành xử lý vi phạm…

Nguyệt Hà