TĐKT - Chiều 24/3, Bộ Y tế tổ chức Lễ khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.
Sau hơn 30 năm triển khai, chương trình tiêm chủng mở rộng đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nước ta và được người dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Hơn 600 triệu liều vắc - xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dịch vụ tiêm chủng đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý đối tượng do biến động dân số, người dân thay đổi chỗ ở. Việc theo dõi lịch sử tiêm chủng của con em mình, đặc biệt trong những năm gần đây khi mà mỗi đối tượng được tiêm nhiều loại vắc - xin trong suốt cuộc đời mình theo hình thức tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Những khó khăn này đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc quản lý, thống kê, báo cáo và chỉ đạo điều hành công tác tiêm chủng.
Nghi thức khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia
Để khắc phục những khó khăn này, từ cuối năm 2015 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng, triển khai áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia. Hiện nay, hệ thống này đã triển khai thí điểm ở 5 tỉnh, thành phố và sẽ được tiến hành nhân rộng trên toàn quốc vào tháng 6/2017.
Hệ thống quản lý tiêm chủng với việc phân cấp quản lý, đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống và người tham gia. Khi thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các cán bộ y tế nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vi cả nước, từng tỉnh, huyện, xã phụ trách nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và triển khai hoạt động tiêm chủng một cách kịp thời, khoa học, hiệu quả.
Thông qua hệ thống, lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời. Đặc biệt, dù đối tượng tiêm chủng thay đổi chỗ ở vẫn được theo dõi trên hệ thống. Ngoài ra còn có các tiện ích cho người dân: chủ động khai báo thông tin, đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhận tin nhắn nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia này, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan để có thể lồng ghép quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến y tế cơ sở vào phần mềm.
Hệ thống Quản lý thông tin Tiêm chủng Quốc gia được áp dụng chính thức từ 24/3, và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/6/2017. Đến ngày 1/6/2018 sẽ không sử dụng giấy trong tiêm chủng trên 17.000 điểm tiêm chủng trong toàn quốc. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống sẽ giúp Hà Nội tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công.
Từ năm 2016 đến nay, hệ thống đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố với kết quả 100% xã, phường đã nhập thông tin của hơn 700.000 trẻ em trong 2 năm gần nhất, trên 1.400 đơn vị đã tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống.
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: sự ra đời của hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia thêm một lần nữa khẳng định những bước tiến rất xa của ngành y tế trong việc đưa ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Mai Thảo