Tri ân 10 nữ Anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ
24/07/2024 - 09:13
BTĐKT - Hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), sáng ngày 23/7, tại Hà Nội, Tổ chức“Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội đồng Họ Đặng Việt Nam tổ chức giới thiệu di ảnh 10 nữ Anh hùng Liệt sĩ dân quân Lam Hạ (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) vừa được phục dựng màu từ ảnh đen trắng. 

 

Những năm 1965 – 1967, địa bàn phường Lam Hạ (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hiện nay) là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, vì có tuyến đường sắt và đường bộ tiếp tế cho chiến trường miền Nam, với mục tiêu chính là 2 cây cầu bắc qua sông Châu dành cho ô tô và xe lửa và cống 7 cửa đập Lạc Tràng giữ nước cho 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đó là giai đoạn bom đạn Mỹ trút xuống Hà Nam suốt ngày đêm.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận di ảnh màu của 10 cô gái Lam Hạ do Tổ chức“Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” trao tặng

Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17 đến 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dũng hi sinh trong những năm 1966 – 1967.

Đầu tiên là trận ngày 1/10/1966, tại trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu Phủ Lý khoảng 300m. Sáu nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hi sinh.

Tám ngày sau, ngày 9/10/1966, máy bay Mỹ điên cuồng tấn công trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm. Trong trận chiến này có ba nữ pháo thủ dân quân là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hi sinh.

Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo đặt ở thôn Hòa Mạc, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.

Việc phục dựng thành công hình ảnh của 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ và sự kiện giới thiệu, trao tặng 10 di ảnh trên cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là hoạt động vô cùng ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đồng thời là lời tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì quê hương đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ghi nhận và trân trọng cảm ơn nghĩa cử đẹp của Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”, CLB “Mãi mãi tuổi 20” và các đơn vị đồng hành. Thời gian tới, những di ảnh của các liệt sĩ sẽ được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đưa vào các triển lãm, trưng bày phục vụ giới thiệu đến đông đảo nhân dân.

Dịp này, Ban Tổ chức cũng giới thiệu đến công chúng cuốn nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến - Cuốn sách đầu tiên được ứng dụng chuyển đổi số phục vụ bạn đọc, được Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn. Cuốn sách giới thiệu những trang sổ tay nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến (1945 - 1968), ghi lại những tháng ngày tập luyện gian nan, vất vả, để chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu; đồng thời phản ánh mối tình đặc biệt đã đi qua chiến tranh của đôi trai tài gái sắc xứ Hà Đông (Trần Minh Tiến – Lưu Liên).  

Ban tổ chức cũng trao tặng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” cho Trường THCS Lương Văn Nắm. Đây là tủ sách thứ 3 được trao tại tỉnh Bắc Giang, đồng thời là tủ sách thứ 14 được trao trên toàn quốc (kể từ khi phát động vào tháng 11/2023 đến nay).

Mai Thảo