Tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Thanh niên
25/12/2017 - 15:28

TĐKT- Ngày 22/12, tại Hà Nội Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Thanh niên năm 2005 và đề xuất chính sách đưa vào Dự án Luật Thanh niên sửa đổi. Đến dự, có: Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, Chuyên gia cao cấp của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) Phan Thị Lê Mai.

Quang cảnh Hội thảo

Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, sau hơn 10 năm tổ chức triển khai Luật Thanh niên (TN) cho thấy, việc ban hành Luật Thanh niên là cần thiết, là đòi hỏi tất yếu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến thanh niên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các chính sách, pháp luật cho thanh niên; đồng thời, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hội thảo sẽ đánh giá tính hiệu lực, tính khả thi của Luật Thanh niên; vấn đề cấp bách nâng cao chất lượng thanh niên, thiếu niên trong giai đoạn tới.

Ông Vũ Đăng Minh đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung đánh giá kết quả một cách thực chất, khách quan quá trình triển khai Luật Thanh niên; làm rõ những vấn đề hạn chế còn tồn tại; góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Thanh niên; đồng thời, đề xuất các nội dung cần kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Thanh niên.

Theo đó, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Thanh niên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực như trong học tập và hoạt động khoa học, công nghệ của thanh niên; trong lao động và tạo việc làm cho thanh niên; trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí và bảo vệ sức khỏe, hoạt động thể dục, thể thao; trong an ninh quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; trong hôn nhân và gia đình…

Tuy nhiên, Luật Thanh niên năm 2005 vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại: Việc triển khai Luật Thanh niên chưa thật sự đồng bộ và rộng rãi, còn bó hẹp trong phạm vi thanh niên và Đoàn Thanh niên; nhiều cấp ủy và chính quyền chưa thật sự vào cuộc và đầu tư cho phát triển thanh niên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai Luật Thanh niên của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên chưa được kiện toàn đầy đủ, không ổn định; công tác quản lý nhà nước về thanh niên chưa thực sự được quan tâm…
Dự thảo báo cáo cũng đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho Luật Thanh niên năm 2005 như quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với nhóm thanh niên đặc thù; trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của các tổ chức thanh niên; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế đối với thanh niên…

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với thực tiễn và sự phát triển toàn diện của thanh niên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền và quán triệt triển khai Luật Thanh niên đảm bảo có hiệu quả thiết thực; ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên, phù hợp với thực tiễn; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên…

Tại Hội thảo, Bộ Nội vụ đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ mới của thanh niên phù hợp với Hiến pháp và luật chuyên ngành. Trong đó, bổ sung quy định thanh niên từ 18 đến đủ 22 tuổi được hưởng chế độ miễn, giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa, cách mạng… Bổ sung quyền của thanh niên được chăm sóc sức khỏe, cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống lành mạnh; được tư vấn sức khỏe, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trước khi thanh niên kết hôn.

Dự kiến, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua đề nghị xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi vào tháng 1/2018, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 1/3/2018 và trình Quốc hội vào tháng 5/2019.

Hồng Thiết