Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 – 2030
19/03/2021 - 07:49

TĐKT - Ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cài cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng chủ trì có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Đại diện lãnh đạo các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương và lãnh đạo các địa phương dự tại 63 điểm cầu.

Quang cảnh Hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, CCHC đã được xác định là một trong 3 giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Mục tiêu và giải pháp thực hiện CCHC đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với thực tế đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương. CCHC  đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; dân chủ hóa đời sống xã hội; hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố và duy trì ổn định chính trị; phòng, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mười năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

Sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hằng năm, Chính phủ, Ban chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch CCHC mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch CCHC một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến. Nhìn chung, đa số các mô hình, sáng kiến CCHC đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh. Ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình.

Chính phủ, Ban chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Từ năm 2016 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã kiểm tra hoặc kết hợp nội dung CCHC tại 3 bộ, 18 tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đã kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ tại 11 bộ, 22 tỉnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng Ban chỉ đạo kiểm tra CCHC tại 7 bộ, 12 tỉnh. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban chỉ đạo tại một số bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn kiểm tra CCHC theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thú tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Từ năm 2011 đến tháng 3/2020, các bộ, ngành đã kiểm tra khoảng 3.484 cơ quan, đơn vị, trung bình 348 cơ quan, đơn vị một năm. Trong đó, năm 2014, các bộ, ngành đã kiểm tra với số lượng các cơ quan, đơn vị lớn nhất là 466 cơ quan, đơn vị. Tại các địa phương, đã có hơn 19.800 cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong cả giai đoạn 2011 - 2020.

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cũng tăng lên qua từng năm, trong đó, năm 2019 có số lượng đơn vị được kiểm tra nhiều nhất với 2.950 đơn vị.

Công tác kiểm tra đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, đội ngũ công chức, viên chức trong triển khai CCHC của các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong CCHC đã được xử lý kịp thời sau kiểm tra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành CCHC, tạo động lực cải cách mạnh mẽ và lan tỏa trong toàn hệ thống, tạo được niềm tin cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Các thể chế, văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm của việc đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.

Từ năm 2012 đến nay, việc đổi mới công tác theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả và tác động của CCHC đã được triển khai một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Việc công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được tiến hành hằng năm, trở thành một công cụ tốt trong quản lý CCHC, được nhân rộng trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp.

Việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hàng năm (SIPAS) đã trở thành thước đo đánh giá khách quan chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Quảng Ninh

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Đó là, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thể hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành và một số địa phương. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai còn hình thức, không hiệu quả.

Việc kiểm tra CCHC nhiều lúc chưa hiệu quả, còn hình thức. Việc thông tin, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, một số địa phương chưa thật sự tạo ra sức lan tỏa tới người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng xã hội nhận thức về CCHC, kết quả, tác động của CCHC. Việc nhân rộng những mô hình, sáng kiến, cách làm hay về CCHC còn hạn chế.

Với những nỗ lực không ngừng, tại Hội nghị, Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. 17 tập thể và 14 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, CCHC được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Thủ tướng nhắc lại câu chuyện trước đây sản xuất 1 thanh sô cô la phải sử dụng 13 loại giấy phép, thì hiện nay đã cải cách, loại bỏ hết các giấy phép này, nhưng sô cô la vẫn được sản xuất nhiều hơn. Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đẩy mạnh; khắc phục về cơ bản những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước. Ở trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, thủ tục hành chính còn rườm rà, tình trạng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn. Một số nơi còn có hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ khi làm các thủ tục. Tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh.

Định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn.

Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn. Công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Hồng Thiết