TĐKT - Sáng 2/7, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Nguyễn Chí Thanh trong lịch sử cách mạng dân tộc” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Đại tướng (6/7/1967 – 6/7/2017).
Dự tọa đàm có: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội; đại diện gia đình Đại tướng và đồng đội cùng chiến đấu, công tác với Đại tướng lúc sinh thời và hơn 100 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Khoa học Quân sự.
Đại tá, PGS. TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Đại tá, PGS. TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: ngày 6/7/1967, đất nước Việt Nam “Đau xót như lòng mẹ/ Mất một người con Nguyễn Chí Thanh”. Đại tướng ra đi giữa lúc cách mạng miền Nam đang ở giai đoạn quyết liệt, đầy khó khăn, thử thách, đó không chỉ là mất mát lớn của gia đình mà của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. 50 đã trôi qua, nhưng hình ảnh một nhà lãnh đạo xuất sắc, một con người với lối sống và nhân cách thực sự “sáng trong như ngọc” vẫn vẹn nguyên trong các thế hệ người Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là chủ đề nghiên cứu chưa bao giờ vơi cạn cho các nhà khoa học trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa, tư tưởng, kinh tế… Ở mỗi khía cạnh trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta lại tìm thấy những nét mới, độc đáo, giá trị, có ý nghĩa thời sự, khoa học và thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, bất trắc và khó lường như hiện nay.
53 tham luận của các tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, những người có dịp tiếp xúc, làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi về hội thảo đã đề cập toàn diện, từ truyền thống gia đình, quê hương, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng đến những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong đó, tập trung luận giải, phân tích làm làm sáng tỏ những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với tư cách là nhà lý luận xuất sắc, nhà chỉ đạo thực tiễn tài năng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; phong cách của Đại tướng - tấm gương mẫu mực về phong cách, đạo đức cách mạng; những giá trị tinh thần từ cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên thật là Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh là do Bác Hồ đặt cho nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Vịnh khi lần đầu được gặp Bác tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 8/1945), sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng, vị tướng tài ba, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Từ một người nông dân yêu nước trở thành một vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng là cả quá trình phấn đấu bền bỉ không ngừng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những năm tháng hoạt động trên quê hương Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo phong trào cách mạng Trung kỳ; chịu đựng sự đày ải trong lao tù của đế quốc đã chứng tỏ phẩm chất cách mạng, năng lực lãnh đạo, rèn luyện đồng chí trở thành người tiên phong trên các mặt trận của cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã lãnh đạo quân, dân Bình Trị Thiên khôi phục lại thế trận chiến tranh nhân dân, mở ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến của quân dân Nam Khu 4. Giữa năm 1950, trước yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được phân công vào công tác trong quân đội, đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo quân đội thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng; góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ của các LLVT nhân dân. Đặc biệt, đồng chí đã có công rất lớn trong xây dựng hệ thống cơ quan chính trị, đưa công tác chính trị trở thành “linh hồn”, “mạch sống” của quân đội ta và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go, quyết liệt làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Với những cống hiến to lớn cho cách mạng và quân đội, năm 1959, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng, là vị Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều sang phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương của Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí đã “bám đội, lội đồng”, góp phần lãnh đạo đưa nông nghiệp, nông thôn miền Bắc phát triển, đóng góp quan trọng vào thành công của sự nghiệp xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chi viện cho cuộc đấu tranh ở miền Nam, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí được nhân dân suy tôn với tên gọi trìu mến “Đại tướng của nông dân”.
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, khả năng nắm bắt, tổng kết thực tiễn xuất sắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng với Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đề xuất nhiều chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn, làm cơ sở để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Tư tưởng “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh ” của đồng chí đã trở thành phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo, cổ vũ hàng triệu quần chúng vừa tham gia chiến đấu, vừa sáng tạo ra muôn hình muôn vẻ cách đánh độc đáo, đặc sắc khác để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…
Nguyệt Hà