Tiếp tục nghiên cứu giá trị lịch sử, hiện thực của Khởi nghĩa Lam Sơn
28/09/2018 - 16:00

TĐKT - Sáng 28/9, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) - Giá trị lịch sử và hiện thực” nhằm trao đổi, thảo luận và thống nhất đánh giá tầm vóc, vị trí, vai trò quan trọng của anh hùng dân tộc Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là các giáo sư, phó giáo sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia sử học đến từ các viện nghiên cứu, hội, ngành Trung ương và địa phương; các trường đại học cùng các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học trong và ngoài quân đội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận các chủ đề chính: Làm rõ bối cảnh, tình hình Đại Việt/ Đại Ngu cũng như âm mưu và quá trình thực hiện kế hoạch xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ 15; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; bước phát triển nghệ thuật quân sự độc đáo của Khởi nghĩa Lam Sơn trong tiến trình lịch sử Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Bộ Tham mưu nghĩa quân trong việc hoạch định đường lối, xây dựng căn cứ địa, tập hợp quần chúng, xác định phương thức tiến hành và chỉ huy cuộc khởi nghĩa; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của Khởi nghĩa Lam Sơn, những bài học kinh nghiệm trong xây dựng thế trận lòng dân, thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Hội thảo “Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) - Giá trị lịch sử và hiện thực” đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý báu được nghiên cứu bằng các phương pháp truyền thống và hiện đại, thông tin đa chiều, toàn diện đã và đang thể hiện tính đúng đắn, gần với lịch sử hơn.

Sau cuộc hội thảo, ban tổ chức mong muốn các đại biểu tiếp tục sưu tầm, cung cấp thêm những tư liệu, sự kiện liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn để các cơ quan, đơn vị đánh giá, thẩm định bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử trọng đại này, đồng thời làm cơ sở phục vụ nghiên cứu lâu dài.

Nguyệt Hà