Tiếp nhận “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam”
12/06/2024 - 16:24

BTĐKT - Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2024) và hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ngày 12/6, tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Mỹ), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức Lễ tiếp nhận “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam”; giới thiệu tự truyện “Mãi vẫn là người lính”; phục dựng và trao tặng di ảnh chân dung màu cho một số gia đình liệt sĩ…

Lễ trao tặng và tiếp nhận Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam

Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn những cuốn nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thu được trên chiến trường. Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được chụp lại và lưu giữ dưới hình thức microfilm, tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ (viết tắt là VNCA).

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng (người sáng lập và hiện là Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính”) - Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Hiện chúng tôi đã phối hợp với VNCA thực hiện một dự án phi lợi nhuận và nhân văn mang tên “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam”. Chúng tôi đã sử dụng các tài liệu được sàng lọc từ kho microfilm, với gần 3 triệu trang, đang lưu giữ tại VNCA, để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ Việt Nam đã hi sinh, hoặc mất tích trong chiến tranh; đồng thời, phối hợp với nhiều tổ chức và cá nhân, tiến hành tìm kiếm thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh còn sống sót qua chiến tranh, để có thể trao trả “Hồ sơ chứng tích chiến tranh” (nhật ký, thư riêng,...) cho các cá nhân, hoặc thân nhân liệt sĩ tại Việt Nam”.

Từ đầu tháng 5/2024, căn cứ nguồn tư liệu độc quyền do VNCA gửi, Tổ chức “Trái tim người lính” đã tiến hành biên soạn và giới thiệu trên mạng xã hội facebook và Tạp chí điện tử “Văn hóa và Phát triển” hơn 30 hồ sơ chứng tích chiến tranh. Đó là nội dung tóm tắt của 35 cuốn sổ tay nhật ký và 7 lá thư thời chiến. Với sự trợ giúp, chung tay, góp sức của nhiều bạn đọc, 11 hồ sơ trong đó đã có phản hồi tích cực của các thân nhân liệt sĩ, cựu tù binh chiến tranh và thương binh.

Tại sự kiện, các thân nhân liệt sĩ đã bày tỏ sự xúc động khi tiếp nhận “Hồ sơ chứng tích chiến tranh” liên quan đến gia đình mình, bởi ở đó chứa đựng những nét chữ, di bút quen thuộc, thiêng liêng của người đã mất...

* Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã giới thiệu tự truyện “Mãi vẫn là người lính” của tác giả, cựu chiến binh Đặng Ngọc Đa (quê tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), kể về cuộc hành trình của ông từ chiến trường ác liệt, đến cuộc sống thời bình. Hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bản lĩnh và ý chí của bộ đội Cụ Hồ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính trở về địa phương, ông Đa đã tiên phong xây dựng mô hình vườn cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao, truyền cảm hứng cho nhiều cựu chiến binh và nông dân ở Hưng Yên cũng như nhiều nơi trong cả nước học tập, làm theo.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính” đã phục dựng màu cho 4 di ảnh chân dung liệt sĩ, đều là những di ảnh duy nhất của liệt sĩ chụp trước khi hi sinh, để trao tặng cho thân nhân các liệt sĩ - cũng là các thành viên tiêu biểu của Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” .

Phương Thanh