Thực dưỡng không chữa khỏi bệnh ung thư, người bệnh chớ nên “mù quáng”
14/07/2020 - 09:34

TĐKT – Cả tin nghe theo các lời quảng cáo, bài viết lan truyền trên mạng xã hội và những lời khuyên vô căn cứ về việc “thực dưỡng chữa khỏi ung thư”, không ít gia đình đã lâm vào hoàn cảnh tiền mất, tật mang, có những người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng trong quá trình điều trị bệnh, thậm chí là tử vong.
Không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra vì chữa bệnh thực dưỡng

Gần đây, trước thông tin về bệnh nhi 30 tháng tử vong chẩn đoán ung thư máu nhưng không điều trị tại Bệnh viện mà đặt niềm tin vào lời quảng cáo “chỉ cần chữa bệnh bằng thực dưỡng, bé chắn chắn khỏi bệnh” đã để lại hệ quả vô cùng đáng tiếc. Bé gái chưa đầy 3 tuổi đã tử vong trong sự xót thương của nhiều người và nỗi ân hận vì sự cả tin của cha mẹ. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người bệnh đang điều trị bệnh ung thư, đừng “mù quáng” tin vào phương pháp không có cơ sở khoa học.

TS. BS Đỗ Huyền Nga, Phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết, Bệnh viện K

 Được biết em bé này có các dấu hiệu xuất huyết dưới da. Bệnh viện Trung uơng Thái Nguyên chẩn đoán là "theo dõi Lơ xê mi cấp" - ung thư máu dạng cấp. Sau đó, Bệnh viện đề nghị chuyển cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một nhân vật bán hàng thực dưỡng trên mạng để "điều trị" một thời gian.

Người bán quả quyết rằng ung thư máu ở trẻ em là thách thức đối với Tây y chứ với thực dưỡng thì chẳng khó khăn gì. Người bán còn nhiều lần khẳng định: Nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa bị tây y can thiệp gì cả thì cơ hội cứu sống cháu bé gần như chắc chắn.

Cách "điều trị" cho cháu bé là nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do chính người bán tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây.  Người mẹ cũng phải ăn theo "số 7" (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt muối vừng) trong khi cho con bú. Người bán cũng giải thích kỹ: Đến khi nào các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh, vì những chỗ bầm tím là dấu hiệu cho biết tình trạng máu độc hay sạch (bầm đen là máu độc, hết bầm là máu sạch).

Đánh trúng tâm lý của bậc làm cha mẹ, con có bệnh thì vái tứ phương, những lời quảng cáo đầy hấp dẫn và quả quyết như vậy đã nhận được niềm tin của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng may mắn để dừng lại kịp thời, cảnh tỉnh và đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Như câu chuyện của bé gái trên là hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Thời gian qua, có nhiều câu chuyện đáng tiếc được cảnh báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về những trường hợp tin vào thực dưỡng, tập thiền, điều trị ung thư. Tuy nhiên chia sẻ tại chương trình tư vấn trực tuyến “Tư vấn tâm lý và chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh ung thư”, GS. TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết “Trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đương nhiên là cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại và phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Hiểu một cách đơn giản bất kỳ loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein... chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh. Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.”

 Ung thư máu có thể điều trị ổn định nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng theo phác đồ điều trị

TS. BS Đỗ Huyền Nga, Phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết, Bệnh viện K chia sẻ: “Một căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh ung thư trẻ em, đó là ung thư máu, chiếm 1/3 tổng số trường hợp mắc ung thư hàng năm ở trẻ. Đây là một căn bệnh ác tính của tổ chức máu, gây nên hiện tượng rối loạn quá trình sinh sản và phát triển của dòng bạch cầu, lấn át dòng hồng cầu và tiểu cầu trong máu.

Ung thư máu ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh hơn so với người lớn. Cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, kết quả điều trị của bệnh ung thư máu ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện ra bệnh và mức độ nguy hiểm của bệnh. Phát hiện bệnh ung thư máu ở giai đoạn sớm thì càng có nhiều cơ hội chữa trị bệnh.

Với sự phát triển của nền y học hiện nay, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh có thể lên tới 80%, so với trước đây chỉ đạt 50% - 60%. Rất nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc, thậm chí là đã có gia đình riêng và sinh con. Là bác sĩ điều trị chuyên ngành ung thư, chúng tôi rất lấy làm tiếc trước những trường hợp từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền tai nhau uống thuốc nam hay thực dưỡng. Đấy cũng là điều chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tại bệnh viện, tại khoa điều trị để tâm lý người bệnh luôn ổn định, đặt niềm tin vào các bác sĩ”.

Cũng theo chia sẻ từ TS. BS Đỗ Huyền Nga, ung thư máu ở trẻ em không có những biểu hiện điển hình, tuy nhiên chúng ta có thể căn cứ vào một vài dấu hiệu dưới đây có thể là một cách để nhận biết sớm được bệnh ung thư máu ở trẻ em: Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân; xuất hiện các vết bầm tím trên da hoặc bị chảy máu mũi: Trẻ bị thiếu máu da xanh xao; sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân: Trẻ bị khó thở; trẻ hay bị nhiễm trùng: Đau bụng, chướng bụng; đau nhức xương khớp. Máu thường được sản xuất trong tủy xương, nhưng khi bị ung thư máu, lượng hồng cầu bị suy giảm do bạch cầu tăng cao, sự tích tụ quá mức của bạch cầu sẽ chèn ép, tác động lên các mô xương gây đau nhức.

Điều trị bệnh ung thư máu là sự kết hợp phác đồ đa mô thức, các phương pháp điều trị như hóa trị, phẫu thuật..., các bác sĩ cân nhắc tùy theo thể trạng sức khỏe, dạng bệnh và tuổi của trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là tâm lý của trẻ và gia đình. Phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe và quá trình điều trị của con em mình. Đừng vì cả tin mà bỏ dở điều trị, đi theo những lời khuyên hay phương pháp thiếu cơ sở khoa học và không có đích đến. Bởi để chiến thắng ung thư, không có phương pháp nào ngoài y học hiện đại và chính tâm lý lạc quan của người bệnh.

Hồng Thiết