TĐKT – Sáng 10/7, tại Hà Nội, Công đoàn Hà Lan (CNV Internationaal), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may Việt Nam.
Mục tiêu của lễ ký kết này là khẳng định cam kết của ba bên trong việc thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể thực chất trong ngành dệt may, hướng tới cải thiện điều kiện làm việc, năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, buổi lễ ký kết còn giới thiệu rộng rãi về mục tiêu và các hoạt động chính của dự án với các đối tác thực hiện và các bên có liên quan.
CNV là tổ chức công đoàn lớn thứ hai của Hà Lan, có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động đối thoại xã hội. CNV đã làm việc cùng các tổ chức công đoàn ở những nước phát triển trong vòng hơn 50 năm, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động thông qua mô hình tham vấn gắn kết trên cơ sở đối thoại xã hội – một công cụ quan trọng để cải thiện và phát triển bền vững.
Đại diện các đơn vị ký kết phối hợp
Theo chương trình ký kết, TLĐLĐVN sẽ phối hợp cùng VCCI, CNV triển khai Dự án trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chiến lược đổi mới chuỗi cung ứng ngành may, một sáng kiến nhằm cải thiện điều kiện lao động trong ngành dệt may, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Hà Lan. Mục tiêu của Dự án là nhằm giúp cho các đối tác đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp cơ sở taị ba tỉnh tham gia thí điểm (Hưng Yên, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh) có kinh nghiệm thực hiện đối thoại xã hội và thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp thực chất, từ đó hy vọng có thể tạo ra một số thay đổi cho cả hệ thống (pháp luật, chính sách thực hiện và thực tiễn).
Dự án giải quyết trực tiếp thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt khi khung khổ pháp luật hiện hành về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể không được thực thi đầy đủ.
Ngành công nghiệp dệt may ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao và phong phú, đa dạng của con người mà còn là ngành giúp nước ta giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho xã hội và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách quốc gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành khoảng 13,5%/năm, trong lĩnh vực xuất khẩu tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm và chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tính đến nay cả nước có khoảng gần 6000 doanh nghiệp dệt may, đang thu hút được khoảng 2,7 triệu lao động (chiếm 9,4% lực lượng lao động làm công hưởng lương của cả nước) và khoảng 2 triệu lao động khác làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.
Một trong những thách thức về vấn đề lao động mà ngành dệt may hiện nay đang phải đối mặt đó là việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động như quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể, thời giờ làm việc hợp lý, lương đủ sống, điều kiện lao động đảm bảo an toàn và sức khoẻ...
Cách tốt nhất để giải quyết những thách thức này đó là thực hiện tốt đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả.
Mai Thảo