TĐKT - Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020, Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn. Kết quả, số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm (BH) thất nghiệp hàng năm đều tăng so với chỉ tiêu được giao.
Cụ thể: Tính đến ngày 30/6/2018, tổng số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp và BHYT của tỉnh là hơn 1,2 triệu người, đạt 97,12% kế hoạch. So với lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn (xấp xỉ 769 nghìn người) thì số người tham gia BHXH đạt 29%, BH thất nghiệp đạt 27,3% và độ bao phủ BHYT đạt 95,6% dân số toàn tỉnh. Tổng số thu là 2.434 tỷ đồng, đạt 47,26% so với kế hoạch BHXH Việt Nam, tăng 13,19% so với cùng kỳ năm 2017.
Giám đốc BHXH tỉnh Ngô Chí Dũng chia sẻ về vấn đề đẩy mạnh đối tượng tham gia BHXH, BHYT
Đồng thời với công tác thu và mở rộng đối tượng, công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được BHXH tỉnh thực hiện liên tục, kịp thời, đảm bảo đúng quy định; thường xuyên rà soát chức danh nghề đã ghi trong sổ BHXH của người lao động, thực hiện điều chỉnh chức danh nghề ghi chưa đúng, chưa đủ theo hồ sơ gốc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi giải quyết các chế độ BHXH; người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh BHYT.
Song song với đó, BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh rà soát, cập nhật dữ liệu và nhập quá trình tham gia BHXH để trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH. Tính đến 30/6/2018, BHXH tỉnh đã bàn giao 250.222 sổ BHXH, đạt 96,23%.
Ngoài ra, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), niêm yết công khai các TTHC, vận hành hiệu quả phần mềm tiếp nhận hồ sơ để luân chuyển và giải quyết hồ sơ, trả kết quả cho đơn vị, cá nhân đúng thời gian quy định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chuyên nghiệp trong công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Duy trì nghiêm túc việc tổ chức bộ phận “Một cửa” tại BHXH tỉnh và BHXH huyện, thị xã. Duy trì đầu mối kiểm soát TTHC, thường xuyên rà soát hồ sơ, quy trình thủ tục giải quyết các TTHC để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế…
Do đó, công tác giải quyết TTHC đã được rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Tính đến cuối tháng 6/2018, tổng số hồ sơ tiếp nhận qua giao dịch điện tử là 19.105, qua dịch vụ bưu chính là 8.619; tổng số hồ sơ đã trả qua dịch vụ bưu chính là 39.331. Hiện tại đã có 4.807/4.828 đơn vị thực hiện nhận và trả kết quả TTHC qua bưu chính và 2.950/4.807 đơn vị đã thực hiện giao dịch điện tử.
Báo cáo của BHXH tỉnh cũng cho thấy, công tác thu và phát triển đối tượng trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Còn một số doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ BHXH cho người lao động đang làm việc và có hưởng lương tại doanh nghiệp; người lao động tại các khu công nghiệp tính ổn định không cao, thường xuyên vào, ra với số lượng khá lớn.
Nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn diễn ra, có những doanh nghiệp nợ đọng kéo dài. Đến 30/6, tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 106 tỷ đồng, chiếm 2,06% kế hoạch thu, giảm 15,12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đặc biệt lưu ý 14 tỷ nợ của 238 đơn vị (bao gồm: 224 đơn vị mất tích với số nợ 12,572 tỷ đồng; 13 đơn vị đang giải thể, phá sản với số nợ 1,247 tỷ đồng; 1 đơn vị đã giải thể, phá sản với số nợ 69 triệu đồng).
Nhận thức của một số chủ sử dụng lao động, người lao động và người dân về chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ; tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT vẫn đang diễn ra….
Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên Ngô Chí Dũng cho biết: Để khắc phục tình trạng này, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW và Quyết định 1167/QĐ-TTg. BHXH tỉnh chủ động, thường xuyên báo cáo, tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể liên quan trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào nhóm người lao động trong các khu công nghiệp và người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho rằng, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Thái Nguyên được triển khai bài bản, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt, một số chỉ tiêu vượt mức kế hoạch được giao. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn nhiều vấn đề cần phải tìm giải pháp khắc phục. Nợ BHXH, BHYT ở mức bình quân chung của cả nước nhưng số tuyệt đối vẫn rất lớn, nhất là nợ ở doanh nghiệp phá sản giải thể chưa xử lý được. Các chỉ tiêu về BHXH, BH thất nghiệp tương ứng chỉ tiêu bình quân chung toàn quốc, tuy nhiên, vẫn còn 600 doanh nghiệp với gần 10.000 lao động chưa được tham gia. Với hơn 3000 người tham gia BHXH tự nguyện là con số rất thấp.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH rà soát lại số lao động chưa tham gia và thực hiện các giải pháp đưa vào diện tham gia BHXH. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương cũng đề nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện cho tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của địa phương.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Phát triển đối tượng tham gia BHXH là một nhiệm vụ khó khăn. Ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND ban hành các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện để tăng đối tượng tham gia. Trong đó, đặc biệt chú ý đến người dân tại các Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị, Nhà nước quan tâm điều chỉnh chính sách về BHXH tự nguyện, tạo thuận lợi nhất và sự hỗ trợ cao nhất cho người tham gia.
La Giang