Tăng cường sự phối hợp cùng lắng nghe, cùng hành động vì nhân dân
25/03/2022 - 15:46

TĐKT - Chiều ngày 24/3, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021, trọng tâm phối hợp công tác năm 2022.

Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu.

Quang cảnh Hội nghị

Trong năm qua, sự phối hợp giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi bên. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hầu hết các vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được đổi mới, kiện toàn, Quốc hội bầu Chủ tịch nước khóa mới; công tác phối hợp giữa hai bên duy trì thường xuyên, hiệu quả, hoàn thành hầu hết các nội dung phối hợp hai bên đã thống nhất.

Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham dự nhiều hoạt động, ngày kỷ niệm, các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tham dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở một số địa phương.

Năm 2021, đại dịch Covid -19 đã khiến nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vì vậy, trong các chuyến công tác của mình, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam luôn dành thời gian tổ chức đi thăm hỏi, động viên các hộ nghèo, người có công, đoàn viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Với vai trò nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch nước với các hoạt động của mình đã kêu gọi, động viên nhân dân cùng nhau đẩy lùi đại dịch, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân, khơi dậy quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kêu gọi nhân dân chung sức đồng lòng, kề vai sát cánh với Đảng, Nhà nước để bảo vệ bản thân và cộng đồng thông qua Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động, kịp thời, linh hoạt trong việc chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động, các chương trình như: Phối hợp triển khai thành lập và ra mắt “Quỹ vắc - xin phòng, chống dịch Covid-19”; Lễ phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và triển khai Chương trình “Vắc-xin cho công nhân”... Công tác vận động ủng hộ phòng, chống dịch cũng đạt được nhiều kết quả, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được là 21.803,2 tỷ đồng.

Thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 02/9/2021, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cử đại diện tham gia thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Tổ thẩm định liên ngành xem xét hồ sơ đề nghị đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam trên toàn quốc; phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Quyết định đặc xá. Chủ tịch nước đã xem xét, ký quyết định đặc xá 3.035 người đủ điều kiện. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp chuẩn bị các điều kiện để giúp người được đặc xá sớm tái hoà nhập cộng đồng.

 “Việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa hai bên đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân chấp hành tốt kỷ cương, pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký  UBTƯ MTTQ Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận để góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm rõ vai trò của Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và việc phối hợp trong  xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; công tác phối hợp lắng nghe, phản ánh và giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong bối cảnh hiện nay; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào tại Ukraina và đồng bào đang gặp khó khăn ở một số quốc gia trong bối cảnh hiện nay và kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp gì để giúp bà con ổn định cuộc sống; tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai bên trong năm 2021; đồng thời thống nhất với nội dung trọng tâm công tác phối hợp giữa hai bên trong năm 2022.

Chủ tịch nước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, góp phần tích cực củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; động viên nhân dân phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới theo đường lối của Đảng, quy định của pháp luật, xây dựng đất nước; thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mở rộng quan hệ quốc tế.

Chủ tịch nước đặc biệt ghi nhận sự tích cực của MTTQ trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, đổi mới trong tổ chức, tuyên truyền và động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua, tạo được khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy sức sáng tạo mạnh mẽ trong nhân dân, phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần tích cực nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2022 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025. Do đó, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong năm 2022.

"Cần có nhiều kênh tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với các cơ quan của Đảng, Nhà nước giải quyết kịp thời, hiệu quả. Hoạt động của MTTQ phải góp phần tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội. Không thể coi thường đám lửa nhỏ trong cánh rừng lớn, nguy cơ có thể bùng lên", Chủ tịch nước gợi mở.

Ngoài ra, theo Chủ tịch nước, cần tăng cường, phối hợp đề xuất những cơ chế, chính sách để nhân dân thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, phải quan tâm tới quyền lợi chính đáng của nhân dân để bảo vệ cuộc sống bình yên hơn nữa.

Chủ tịch nước đề nghị, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và Điều lệ MTTQ Việt Nam; chủ động đề xuất các chương trình hành động cụ thể nhằm đa dạng hóa các hoạt động phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong các lĩnh vực đối nội, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong phục hồi, phát triển KTXH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Cần có những giải pháp hiệu quả đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm khích lệ, động viên những điển hình tiên tiến, tập thể và cá nhân tiêu biểu trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, tạo đà thi đua mới, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Chủ tịch nước nêu rõ.

Cũng theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên cần chú trọng hơn nữa việc phát động xã hội học tập trong mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần học nữa, học mãi. Đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đồng thời MTTQ Việt Nam cần đưa ra những tiêu chí thi đua để động viên mọi người học tập, dòng họ học tập; quan tâm đến văn hóa nhiều hơn, quan tâm đến đường lối văn hóa của Đảng ta để văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế…

Mai Thảo