Tăng cường quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối
18/07/2018 - 15:05

TĐKT - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai dự án tăng cường quản lý tăng huyết áp(THA), đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm ăn muối. Theo đó, Quỹ Phòng, chống THA-Resolve, Bộ Y tế Việt Nam và WHO sẽ hỗ trợ ban đầu cho 11 tỉnh, thành phố nâng cao năng lực quản lý 2 bệnh này và truyền thông giảm tiêu thụ muối.

http://www.nhandan.com.vn/cdn/vn/media/k2/items/src/3702/840cb2254908427d099a8b26be5bdae8.jpg

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam TS. Kidong Park cho biết, tiêu thụ nhiều muối là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp. Tại Việt Nam, ước tính tiêu thụ muối trung bình là 9,4g, gần gấp đôi mức khuyến nghị của WHO dưới 5g/người/ngày.           Lượng tiêu thụ muối hàng ngày ở nam là 10,5g/ngày; ở nữ là 8,3g/ngày/người.

Điều này dẫn đến bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và THA là 2 nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chịu trách nhiệm cho 1/3 số ca tử vong ở Việt Nam hằng năm.

Để giảm ăn muối, WHO sẽ hỗ trợ để xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong một số thực phẩm chế biến sẵn và tiến hành một chiến dịch truyền thông về giảm muối để nâng cao nhận thức của người dân.

TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ước tính Việt Nam có 12 triệu ngườiTHA, nhưng mới phát hiện được 43% và chỉ 14% được quản lý điều trị, còn 56,9% không được phát hiện. Với bệnh đái tháo đường, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc, mới phát hiện được 31% và quản lý điều trị khoảng 29%. Còn lại 68,9% không được phát hiện, đồng nghĩa với không được kiểm soát, điều trị.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã. Các bệnh không lây nhiễm chủ yếu được chẩn đoán, điều trị tại tuyến trên. Chỉ 12% xã thực hiện quản lý tăng huyết áp, hầu như chưa quản lý đái tháo đường tại xã.

Cùng đó là thiếu cơ chế, chính sách về tài chính, bảo hiểm y tế hỗ trợ cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm lại trạm y tế xã, tại cộng đồng. Năng lực cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế.

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của y tế dự phòng là tăng cường dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã và tại cộng đồng, trước mắt ưu tiên quản lý điều trị THA, đái tháo đường.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2018, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị quản lý THA và đái tháo đường. Đến năm 2019, ít nhất 70% trạm y tế điều trị quản lý THA và 40% trạm y tế điều trị quản lý đái tháo đường. Năm 2020 cũng sẽ có ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ đái tháo đường.

Hồng Thiết