Tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt
10/08/2017 - 12:17

TĐKT - Sáng 10/8, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ - TTg ngày 19/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giai đoạn từ 2014 -2017, do mới được bố trí vốn ngân sách 280 tỷ, bằng 50% so với kế hoạch giao (540 tỷ), nên hầu hết các dự án, công trình an toàn giao thông chưa được triển khai hoặc triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Tổng công ty đã rà soát, cắt giảm những khối lượng không cần thiết và đã làm được 133 đường ngang (năm 2015), hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt xong 127 đường ngang (năm 2016), chuyển tiếp thực hiện thi công 93 đường ngang trong năm 2017.

Tất cả các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đã đảm bảo độ êm thuận, thanh thoát và cảnh báo, cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, việc áp dụng lắp động cơ và cần chắn tự động tại các đường ngang đường sắt năm 2015, sau một thời gian sử dụng, đã phát huy hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), góp phần hướng dẫn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi qua đường giao cắt đường sắt.

Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt, giúp việc đi lại của nhân dân thuận tiện, xóa bỏ nhiều lối đi dân sinh, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt.

Công tác tuyên truyền đã giúp người dân nhận thức sâu sắc về luật lệ an toàn giao thông đường sắt. Nhiều địa phương đã phối hợp với ngành đường sắt tổ chức rào chắn, thu hẹp lối đi dân sinh, tích cực tham gia bảo vệ các công trình đường sắt, đầu tư kinh phí và bố trí nhân lực cảnh giới tại các vị trí giao cắt tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATGT.

Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 167 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 38 vụ (18,5%) so với cùng kỳ năm 2016; làm 79 người chết, giảm 4 người (4,8%); 112 người bị thương, giảm 30 người (21,1%). Riêng 41 đường ngang cảnh báo tự động đã lắp cần chắn tự động kể từ khi đưa vào sử dụng (tháng 1/2016) đến nay không xảy ra vụ tai nạn nào.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang đường sắt, giai đoạn 2017 - 2020 và các năm tiếp theo, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai các công việc cụ thể: hoàn thành nâng cấp 93 đường ngang đã được phê duyệt và bố trí vốn năm 2017; dự kiến xây dựng 150 km hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2000 lối đi dân sinh; nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang biển báo thành cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động và có gác; triển khai cắm mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến và bàn giao cho địa phương quản lý trong giai đoạn 2017 - 2020…

Về xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt: thực hiện kết nối giao thông với cầu đường bộ tại 3 cầu: cầu Bắc Giang, cầu Chung Lu và cầu Long Đại để đường bộ không đi chung với đường sắt (giai đoạn 2021 – 2022); hoàn thành xây dựng cầu đường bộ Lục Nam và kết nối giao thông (giai đoạn 2022 – 2025).

Về xây dựng các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt Quốc gia: giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng 36 cầu vượt đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện giao thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng các cầu vượt các tuyến còn lại.

Phương Thanh