Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững
24/12/2019 - 12:18

TĐKT - “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững” là vấn đề “nóng” trong giai đoạn hiện nay. Để tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới chính sách đất đai hiện nay như: Chính sách liên quan đến tập trung và tích tụ đất nông nghiệp; những bất cập trong chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; những vấn đề cần sửa đổi để hài hòa giữa Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Lâm nghiệp… Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) và Tổng cục Quản lý đất đai đã có những chủ đề và ý kiến hay tại Diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững”.

Toàn cảnh Diễn đàn

Cần thiết bổ sung luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp

Theo TS. Phạm Xuân Phương - Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2019, ngoài việc kế thừa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004, Luật Lâm nghiệp 2017 đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với bối cảnh của đất nước, như điều chỉnh về phân loại rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng… Trong khi đó Luật Đất đai được Quốc hội thông qua vào năm 2013 đến nay đã có điểm không còn phù hợp với thực tế nói chung và với Luật Lâm nghiệp nói riêng. Quốc hội đã có kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn quản lý lâm nghiệp Việt Nam, đồng thời tránh sự trồng chéo bất cập giữa 2 luật.

Điểm qua các bất cập giữa 2 luật, TS. Phạm Xuân Phương nêu: “Luật Lâm nghiệp quy định rừng tín ngưỡng (rừng ma, rừng thiêng...) thuộc rừng đặc dụng, trong khi đó Luật Đất đai quy định đất tín ngưỡng thuộc đất phi nông nghiệp. Luật Lâm nghiệp quy định khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia thuộc rừng đặc dụng, trong khi đó Luật Đất đai quy định các loại đất này thuộc đất phi nông nghiệp”.

Trong khi Luật Đất đai quy định quy hoạch sử dụng đất 3 cấp: Quốc gia, tỉnh, huyện; kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh là 5 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm… thì theo Luật Lâm nghiệp chỉ có quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia với thời gian là 10 năm, trong đó có nội dung định hướng phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở cấp quốc gia (Luật Quy hoạch quy định quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia).

Về đối tượng giao đất, giao rừng, Luật Đất đai (Điều 137) quy định Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng, trong khi đó không có giải thích cụm từ “tổ chức quản lý rừng” là tổ chức nào? (có thể chỉ hiểu là ban quản lý rừng đặc dụng hay còn tổ chức khác?), trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 16) quy định cụ thể giao rừng đặc dụng cho từng loại chủ rừng (Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế, và cả cộng đồng dân cư…).

Theo TS. Phạm Xuân Phương, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Sửa đổi bất cập sẽ thúc đẩy các mô hình tích tụ đất nông nghiệp

TS. Nguyễn Anh Phong (đại diện Tổ chức AgroInfo) cho biết, năm 2016 cả nước có tổng số 9,29 triệu đơn vị sản xuất nông nghiệp thì số hộ chiếm 99,89%; số doanh nghiệp chỉ chiếm 0,04% và số hợp tác xã chiếm 0,07%.

Trong đó, hộ sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2 ha chiếm 36,1% tổng số hộ; hộ sử dụng từ 5,0 ha đất trở lên chỉ chiếm 2,3%; số doanh nghiệp nông nghiệp có số lao động dưới 10 người chiếm 49%; trang trại chiếm tỷ lệ 0,3% trong tổng số hộ nông nghiệp của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn

Theo đó, việc tập trung đất đai hiện nay diễn ra dưới các hình thức: Doanh nghiệp thuê đất của nông dân; chính quyền thuê đất của nông dân để cho doanh nghiệp thuê lại; nông dân và doanh nghiệp thuê lại đất của Nhà nước. Về tích tụ ruộng đất, có hai hình thức là chuyển nhượng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất diễn ra dưới các hình thức: Hợp tác xã, dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn sản xuất theo hợp đồng.

Hiện nay, khó khăn đối với việc tích tụ và tập trung đất nông nghiệp thể hiện ở các quy định pháp lý hiện nay chưa phù hợp, chính sách hỗ trợ chưa đầy đủ, khó áp dụng… Quy định về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho thấy: Doanh nghiệp, hợp tác xã, người ở ngoài địa phương không được nhận quyền sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng quyền sử dụng đất; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thấp; mức thuế, phí và lệ phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác. Quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được đảm bảo. Chưa có các thị trường/sàn giao dịch để tạo quỹ đất cho các bên chuyển nhượng và cho thuê đất nông nghiệp hoặc các thị trường/sàn này hoạt động quá kém hiệu quả….

Tại Diễn đàn, các đại biểu thống nhất quan điểm chung là đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, ngoài việc phục vụ mục tiêu kinh tế, còn là phương tiện đảm bảo an sinh xã hội, văn hóa…Mọi quy định, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của nhóm nông dân nhỏ, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Các vướng mắc về đất đai là “nút thắt” cuối cùng cần phải giải quyết, sau khi đã có đầy đủ các điều kiện về an sinh xã hội, việc làm nông thôn và xúc tiến thương mại/chế biến nông sản.

Việc sửa đổi những bất cập hiện nay sẽ thúc đẩy các mô hình tích tụ đất nông nghiệp ở quy mô nông hộ để đạt đến ngưỡng sản xuất hiệu quả theo từng loại sản phẩm. Các giao dịch chuyển nhượng trên quy mô lớn cần được quản lý chặt chẽ. Nhà nước không thu hồi đất để phục vụ tích tụ và tập trung (TT&TT) đất nông nghiệp; các tiến trình TT&TT đất nông nghiệp cần được thực hiện trên cơ chế thị trường, có sự thỏa thuận và đồng thuận của các bên, Nhà nước hỗ trợ về mặt pháp lý và tư vấn để đảm bảo quyền và lợi ích của nông dân nhỏ và các nhóm yếu thế được đảm bảo trong các giao dịch này. Gỡ bỏ các rào cản hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp, thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Hồng Thiết