TĐKT – Sáng 29/5, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và công bố Quy tắc hòa giải.
Các thành viên của Trung tâm Hòa giải Việt Nam chụp ảnh cùng các đại biểu
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: Theo Báo cáo Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 và 2017, có thể nhận định rằng các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng giảm lựa chọn sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp của mình và sử dụng các phương thức thay thế khác, trong đó, lựa chọn được dùng nhiều là trọng tài thương mại.
Việt Nam trong những năm gần đây luôn được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để cải cách theo hướng kiến tạo nhiều hơn nữa, với mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp đồng thời giúp doanh nghiệp có thể làm ăn lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Trong đó có việc hoàn thiện khung pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại.
Được thành lập năm 1993 theo sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VIAC luôn nỗ lực không ngừng để dần hoàn thiện thủ tục trọng tài, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày một tốt hơn. Sau 25 năm hoạt động, VIAC hiện đã trở thành một điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi có tranh chấp.
Cùng với trọng tài thương mại, hơn 10 năm trước, VIAC cũng đã ban hành Quy tắc hoà giải và bắt đầu cung cấp dịch vụ hoà giải để cộng đồng doanh nghiệp có thêm lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Với tư cách là tổ chức giải quyết tranh chấp có nhiều hoạt động tại Việt Nam, VIAC đã đi tiên phong trong việc quảng bá phương thức hòa giải, tích cực chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định 22; đã chủ động xây dựng mới Quy tắc Hoà giải đảm bảo tính tuân thủ Nghị định 22 và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải.
Ngày hôm nay, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) chính thức ra mắt, sẽ là một trong ít tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải trên cơ sở Nghị định số 22/NĐ-CP.
Bộ Quy tắc VMC được chắp bút bởi Tổ biên tập Quy tắc VMC với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia hòa giải của IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại VMC sẽ đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của một thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới. Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của VMC tuân thủ các khuôn khổ của Nghị định 22/NĐ-CP về Hòa giải thương mại và có thể vận hành tốt trong thực tiễn tại Việt Nam.
Bộ Quy tắc VMC bao gồm 15 điều, mô tả các trình tự, các bước tiến hành, các hướng dẫn cũng như các nguyên tắc bắt buộc của một thủ tục hòa giải tại VMC. Theo đó, bất cứ bên nào khi có tranh chấp, dù đã có hay chưa có một thỏa thuận hòa giải, nếu mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đều có thể theo các hướng dẫn tại Điều 3: Bắt đầu hòa giải khi có thỏa thuận hòa giải và Điều 4: Bắt đầu hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải.
Quy tắc VMC, Biểu phí Hòa giải VMC và các thông tin liên quan được đăng tải trên trang thông tin điện tử: www.viac.vn và www.facebook.com/viac.vn/
Phương Thanh – Mai Thảo