TĐKT - Mặc dù cuộc sống nơi này còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ý thức được hiệu quả của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân giáo xứ Văn Xứ, huyện Quảng Văn, thị xã Ba Đồn vẫn tích cực tham gia bảo hiểm và đạt hiệu quả cao.
Chính sách bảo hiểm được người dân nắm bắt kịp thời
Trong tiết trời nắng nóng của tháng sáu, không quản ngại giao thông vất vả, đi lại khó khăn, cán bộ Bảo hiểm xã hội thị xã Ba Đồn vẫn tích cực tiếp cận, tư vấn cho bà con giáo xứ Văn Phú, xã Quảng Văn về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình một cách nhiệt tình, tận tâm.
Cán bộ bảo hiểm tư vấn về chính sách bảo hiểm cho người dân
Do hiểu sâu và rõ về lợi ích của ngươi tham gia bảo hiểm nên bà con giáo dân tại đây rất hào hứng khi được cán bộ y tế đến tuyên truyền. Đơn cử, chị Hoàng Thị Thịnh là giáo dân tại giáo xứ Văn Phú, chị là lao động tự do, do kinh tế gia đình khó khăn nên chị rút bảo hiểm một lần nhưng sau đó được tuyên truyền về lợi ích tham gia bảo hiểm tự nguyện sẽ có lương hưu khi về già nên chị đã tích cực tham gia lại chính sách này.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Ba Đồn Đoàn Văn Trung cho biết: Trong những năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thị xã đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tính đến hết tháng 5 năm 2022 đã đạt 6,22% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 3,1 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra.
Bên cạnh đó, bảo hiểm tự nguyện là loại hình phù hợp đối với người lao động tự do, được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của chính mình nên việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ giúp người dân có thể tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu khi về già, nhất là đối với những người không có việc làm ổn định, không có hợp đồng lao động, không được đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội định kỳ.
Với ý nghĩa đó, việc vận động bà con tham gia, nhất là vùng giáo xứ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo hiểm xã hội thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, thách thức rất lớn khi hai năm dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập của người dân bấp bênh, giảm sút.
Nhận rõ những thách thức trong phát triển người tham gia, BHXH thị xã Ba Đồn đã triển khai nhiều giải pháp để người dân giáo xứ hiểu rõ lợi ích thiết thực khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều này không chỉ có những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà còn có cả những người từng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và rút bảo hiểm xã hội một lần quay lại tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Ba Đồn Nguyễn Thị Hiếu cho biết, với đặc thù ở vùng giáo dân, bên cạnh sự kết hợp cùng chính quyền, đoàn thể cơ sở, đơn vị còn phối hợp với cha xứ trong tuyên truyền, vận động những người có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu khi về già và đạt những hiệu quả tích cực.
Khắc phục hạn chế, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2022, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hậu quả của thiên tai, lũ lụt từ những năm trước. Nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã, BHXH tỉnh Quảng Bình; sự phối hợp của các phòng, ban, ngành; cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động; BHXH thị xã Ba Đồn cơ bản đã thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT.
Cán bộ bảo hiểm thị xã Ba Đồn tư vấn bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân trên địa bàn
Với sự nỗ lực không ngừng, số người tham gia BHXH do BHXH thị xã Ba Đồn quản lý là 9.212 người, giảm 102 người so với cuối năm 2021, trong đó: Tham gia BHXH bắt buộc 5.646 người, giảm 11 người so với cuối năm 2021, đạt 93,15% kế hoạch BHXH tỉnh Quảng Bình giao. BHXH tỉnh đã phối hợp Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch – Ba Đồn rà soát, nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp và cơ bản đã khai thác triệt để 100% doanh nghiệp, lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tham gia BHXH tự nguyện 3.576 người, giảm 91 người so với cuối năm 2021, đạt 71,51% kế hoạch BHXH tỉnh Quảng Bình giao; đạt 6,22% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, cao hơn khoảng 3,1% so với tỷ lệ bình quân chung toàn quốc.
Bên cạnh đó, tham gia BHYT đạt 78.235 người, tăng 591 người so với cuối năm 2021, đạt 83,06% kế hoạch BHXH BHXH tỉnh Quảng Bình giao và đạt tỷ lệ bao phủ dân số là 84,94%.
Ngoài ra, BHXH thị xã Ba Đồn đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 4.757 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Công tác chi chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện đa dạng, linh hoạt; đặc biệt là đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được coi là điểm sáng của cơ quan bảo hiểm xã hội tại thị xã Ba Đồn trong thời gian qua.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong 8 tháng cuối năm 2022, BHXH thị xã Vân Đồ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, công tác trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thứ hai, tập trung thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó cần chú trọng tiếp tục kiện toàn hệ thống Đại lý thu BHXH, BHYT, mở rộng việc thu BHXH tự nguyện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; triệt để khai thác các doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế nhưng chưa tham gia BHXH trên địa bàn thị. Tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT; tập trung vào nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Đồng thời, thường xuyên chủ động thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về số liệu, kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và tình hình lạm dụng quỹ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thị xã.
Thứ tư là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Cuối cùng là tăng cường công tác kiểm tra và và đề nghị BHXH tỉnh thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành tổ chức kiểm tra liên ngành. Trong đó, tập trung kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHTN và các cơ sở KCB tăng chi quỹ KCB BHYT; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm.
Hồng Thiết