Quận Gò Vấp nhanh chóng, linh hoạt trong quản lý, khoanh vùng F0
17/09/2021 - 14:51

TĐKT - Từ địa bàn nóng bỏng về dịch COVID-19, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã nhanh chóng áp dụng linh hoạt các giải pháp như: Hướng dẫn người dân tránh tối đa lây nhiễm chéo, chăm sóc tốt F0 tại nhà… TS. BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

TS. BS Nguyễn Trung Hòa (áo xanh) nói về phương pháp chăm sóc F0

Phóng viên: Hiện nay, quận Gò Vấp đang quản lý bao nhiêu F0 tại khu cách ly tập trung ở phường, quận và tại nhà, thưa bác sĩ?

TS. BS Nguyễn Trung Hòa: Ở khu cách ly của quận đã giảm mạnh, chỉ còn 341 người. Lúc nhiều thì trên 500. Còn toàn bộ hệ thống khu cách ly tạm ở phường có 1.125 người. Số F0 tại nhà khoảng 2.200. Số ở nhà tuy vẫn còn cao nhưng được huy động tối đa các lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ các y, bác sĩ, trạm y tế lưu động chăm sóc, thăm hỏi, phát thuốc. Các số điện thoại luôn đảm bảo liên thông hai chiều giữa F0 và các nhân viên y tế. Đặc biệt, nhóm nguy cơ được phân loại ra sẽ theo dõi sát sao hơn.

Phóng viên: Có 10 chữ ngắn gọn mà ông tâm đắc trong việc áp dụng vào phòng, chống dịch từ tuyến cơ sở là gì?

TS. BS Nguyễn Trung Hòa: 10 chữ đó là “Chia nhỏ, quản chặt, dọn sạch, thắng dịch, rồi dừng”. Người dân nếu không chủ động cùng chính quyền chống dịch thì khó thắng được COVID-19. Chia nhỏ là thay vì “bắt” F0 dồn hết lên khu thu dung tập trung của quận với vài ngàn người thì chia nhỏ ra. Nhóm nào đủ điều kiện thì cho ở nhà. Không đủ điều kiện ở nhà, sợ lây nhiễm chéo thì đưa lên các khu thu dung, cách ly tạm thời ở phường. Từ sự chia nhỏ này sẽ quản lý chặt chẽ hơn. Đối với nhóm đưa lên các điểm thu dung ở phường thì hàng ngày các y, bác sĩ thăm khám cũng thuận lợi. Sự quyết liệt này giúp nắm vững các F0, tiến đến bóc tách và dọn sạch F0 ra khỏi cộng đồng. Chỉ có như vậy mới thắng được dịch.

Phóng viên: Với những người không muốn đi cách ly tập trung ở phường/quận thì xử lý thế nào, thưa ông?

TS. BS Nguyễn Trung Hòa: Các trường hợp này được chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là người có điều kiện tốt, đủ tiêu chí cách ly ở nhà thì chúng tôi để họ ở nhà. Quân y từ trạm y tế lưu động kết nối, thăm hỏi, chăm sóc. Loại thứ 2 là người không đủ điều kiện nhưng không chịu lên khu cách ly tạm ở phường. Với loại này, chúng tôi áp dụng giải pháp ôn hòa để động viên, hướng dẫn họ không để lây nhiễm chéo, kích hoạt trạng thái sẵn sàng ứng phó khi chuyển nặng. Với nhóm người có nhiều nguy cơ, bệnh nền, tuổi cao, chỗ ở không đảm bảo… chúng tôi phân tích kỹ cho họ thấy là đi tới khu cách ly tập trung sẽ được y, bác sĩ theo dõi sát, vài ngày sau ổn lại về nhà. Chúng tôi cũng căn cứ vào thực tế để linh động thời gian thu dung, cách ly. Có trường hợp test ra dương tính xong khai thác kỹ triệu chứng để tính toán số ngày họ đã nhiễm SARS-CoV-2 để vận dụng linh hoạt thời gian cách ly.

Phóng viên: Số lượng nhân lực hiện có gồm cả các trạm y tế lưu động, theo ông đã đủ để quản lý số F0 tại Gò Vấp chưa?

TS. BS Nguyễn Trung Hòa: Số trạm lưu động và nhân lực tăng giảm tùy theo tình hình dịch bệnh. Lúc đầu quận có 15 trạm lưu động để quản lý vài trăm F0 tại nhà. Nếu số ca bệnh tăng thì chúng tôi dự kiến nâng lên 25 trạm. Tuy nhiên chúng tôi đã có giải pháp kéo giảm số F0 trong các khu thu dung tập trung nên đến nay toàn quận có tổng cộng 16 trạm y tế cố định và 19 trạm y tế lưu động. 35 trạm y tế đủ lực để chăm sóc số lượng F0 mà quận hiện có.

Phóng viên: Giải pháp để giảm F0 trong các khu thu dung, cách ly tạm thời như ông nói là gì, thưa bác sĩ?

TS. BS Nguyễn Trung Hòa: Chúng tôi thực hiện chiến dịch “đầu vào - đầu ra” nghĩa là test sớm mà âm tính hoặc không còn khả năng lây nhiễm thì cho ra sớm chứ không nhất thiết cứ chờ đến 7 ngày hay 14 ngày nữa. Vậy nên F0 trong khu thu dung, cách ly tập trung từ 5.000 tụt xuống còn hơn 3.000. Sau đó cứ 10 ngày lại test đầu ra. Những người đã có triệu chứng cả tuần rồi mà giờ không còn nữa, sau 7 ngày là test thấy ổn thì cho về nhà. Hiện nay cả quận chỉ còn khoảng 3.500 F0. Ở khu thu dung, cách ly tập trung hơn 1.300, số còn lại ở cộng đồng trong các phường.

Tăng tốc tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Gò Vấp

Phóng viên: Việc áp dụng các gói thuốc A, B, C mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế cấp cho các F0, theo bác sĩ, mang lại hiệu quả thế nào?

TS. BS Nguyễn Trung Hòa: Thực ra ở Gò Vấp, ngay khi số F0 nhiều, có một số người chưa chuyển đi thu dung, cách ly tập trung kịp, chúng tôi đã khuyến cao có ngay tủ thuốc ở các trạm y tế để phát cho người dân. Các loại thuốc bổ tăng cường miễn dịch được phát nhiều. Sau đó, các túi thuốc A, B, C được triển khai thì F0 nào ở nhà cũng được tư vấn, phát thuốc. Các túi thuốc này rất tốt, vừa giúp người dân an tâm vừa điều trị bệnh. Từ đó, các ca bệnh chuyển nặng đã giảm, không có nhiều biến chứng đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt là gói thuốc C được một số bác sĩ quân y tư vấn kỹ càng, người dân sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng, không có bất thường nào xảy ra.

Phóng viên: Yếu tố quan trọng nhất trong việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà là gì và lực lượng y tế lưu động có vai trò như thế nào, thưa ông?

TS. BS Nguyễn Trung Hòa: Có hai yếu tố quan trọng nhất đó là giảm chuyển nặng, giảm tối đa tử vong. Các trạm y tế lưu động có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia cấp cứu nhanh - gọn - hiệu quả… các ca bệnh có chuyển biến xấu. Khi nào dịch được cơ bản kiểm soát, trạm y tế cố định của các phường mới có thể đảm đương được.

Khánh Phương