TĐKT - Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Mỗi năm Việt Nam có hơn 126 ngàn ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư. Không những số lượng người bệnh ung thư gia tăng mà chi phí điều trị bệnh ung thư cũng liên tục tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đây là nạn dịch của tương lai đã xảy ra trong hiện tại.
Thực trạng bệnh ung thư…
Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng, chống ung thư (PCUT) Trần Văn Thuấn cho biết, WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư, 50 nước cao nhất thuộc top 1. Cụ thể Việt Nam đang ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất.
Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong đứng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng, phổi. Ở nữ giới, lần lượt là ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng, phổi cổ tử cung, gan… Ung thư tiền liệt tuyết ở nam và ung thư tuyến giáp ở nữ có tốc độ gia tăng nhiều nhất.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa
Không chỉ số lượng bệnh ung thư gia tăng, mà chi phí điều trị các bệnh ung thư cũng liên tục gia tăng. Theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu, những bệnh mãn tính gồm ung thư, tim mạch và tiểu đường là thủ phạm gây ra hơn 60% số trường hợp tử vong trên toàn thế giới và tiêu tốn gần 3% chi phí điều trị công, tư của ngành y tế toàn cầu.
Theo báo cáo, chi phí cho ung thư năm 2008 là 895 tỷ đô la- chiếm khoảng 1,5% GDP thế giới, chưa kể những người tàn tật và tử vong vì ung thư trong năm đó. Trong đó, riêng ung thư phổi đã tiêu tốn 180 tỷ đô la. WHO dự báo xa rằng ung thư vượt qua bệnh tim cũng như dẫn đầu trong các nguyên nhân gây tử vong.
Theo nghiên cứu “Ung thư và tác động kinh tế của ung thư đối với hộ gia đình tại các quốc gia Châu Á (ACTION)” của Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George, trong 12 tháng trên 9.153 người bệnh tại 8 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanma, Philippines và Thái Lan, kết quả cho thấy: có 29% qua đời. 44% người bệnh sống sót với tình hình “thảm họa tài chính”. Ước tính số trường hợp dự kiến mắc mới ung thư ở khu vực này sẽ ở mức 1,3 triệu vào năm 2030, tăng 70% so với năm 2012.
Các chuyên gia nhận định, tăng gánh nặng ung thư sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á nếu không có hành động ngay từ bây giờ. Ung thư cần được ưu tiên khẩn cấp và xem như một vấn đề quốc gia.
Hoạt động PCUT thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã ước tính chi phí trực tiếp cho 6 bệnh ung thư tại Việt Nam năm 2012 (gồm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư khoang miệng và ung thư dạ dày) vào khoảng 25.789 tỷ VNĐ chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012.
Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng có đến 54% hộ gia đình phải gánh chịu chi phí thảm họa. Kết quả của phân tích này cũng cho thấy mặc dù tỷ lệ người bệnh được chi trả bởi BHYT lên đến 69,8%, vẫn có đến 36,9% rơi vào tình trạng thiếu tiền không thể chi trả cho tiền khám, chữa bệnh.
Ông Thuấn nhấn mạnh, cứ sau 10 năm, chi phí điều trị bệnh ung thư tăng 1,5 – 2 lần, vì người bệnh được tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán và điều trị mới tiên tiến hơn; áp dụng các xét nghiệm hiện đại; phẫu thuật cập nhật kỹ thuật mới, hóa trị cũng sử dụng những loại thuốc mới để đạt hiệu quả tốt hơn. Chính vì vậy chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư ngày càng tăng.
Công tác phòng, chống ung thư
Chương trình mục tiêu Quốc gia PCUT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bắt đầu triển khai từ năm 2008 là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phòng, chống ung thư. Bệnh viện K được giao nhiệm vụ là cơ quan điều phối trực tiếp hoạt động này, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế.
Đặc biệt, trong công tác PCUT đã có nhiều hoạt động truyền thông với nhiều hình thức trên truyền hình, đài, báo, tạp chí... Xây dựng hơn 30 loại tờ rơi cùng nhiều tài liệu về PCUT. Tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tuy nhiên các sự kiện chủ yếu tập trung tại thành phố lớn, hoạt động cho người bệnh chưa nhiều.
Kết quả, xét nghiệm HPV trong mẫu tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Huế và Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ nhiễm HPV ở Hà Nội là 6,13%, TP Hồ Chí Minh là 8,27%; Thái Nguyên là 9,2%. Qua nghiên cứu 2.593 trường hợp ung thư gan nguyên phát được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viên K cho thấy 80,5% có kết quả xét nghiệm HbsAg(+).
Với trình độ nhận thức của người dân thấp, có những suy nghĩ và nhận thức lệch lạc về bệnh ung thư, do vậy bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi mà các biện pháp điều trị kém hiệu quả.
Theo đề xuất của Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu PCUT Trần Văn Thuấn, các bệnh đa khoa đã có khoa ung bướu, do địa bàn hoạt động và sự năng động chuyên khoa, 1 số khoa ung bướu phát triển tốt, luôn phải tăng số giường bệnh đáp ứng nhu cầu người bệnh. Tuy nhiên, khoa ung bướu mới chỉ đáp ứng được một phần trong đa mô thức điều trị ung thư, do vậy còn bất cập trong quá trình điều trị toàn diện cho người bệnh.
Điều trị cần có sự phối hợp chặt chẽ các bác sĩ chuyên về phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân (hóa chất, nội tiết, miễn dịch). Việc chăm sóc giảm nhẹ trong đó có giảm đau và điều trị triệu chứng cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối lại đòi hỏi có một đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn sâu về lĩnh vực này.
Riêng tại các địa phương, công tác PCUT được điều phối bởi Sở Y tế, cơ quan này đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong lãnh đạo giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bước đầu triển khai hoạt động PCUT hiệu quả. Tuy nhiên tình trạng phân tách của hệ thống, hệ điều trị và hệ y tế dự phòng là một trong những rào cản trong lĩnh vực này.
Trước tình hình này, giải pháp mà ông Thuấn đề xuất, thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân về PCUT và vận động xã hội. Thứ hai, tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, sắp xếp, bố trí nhân lực các tuyến cho hợp lý trong PCUT.
Hồng Thiết