Phòng, chống dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân
10/10/2018 - 16:14

TĐKT- Chiều 9/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thong tin về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng lưu hành và gặp tại hầu hết ở 63 tỉnh, thành. Bệnh ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên, số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca mắc hàng năm khoảng 100 nghìn trường hợp.

9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 29.324 trường hợp mắc nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.

Quang cảnh họp báo

Số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, bệnh sởi cũng mang đến nguy cơ cao trong mùa đông xuân. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1.093 ca dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, với 1 ca tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài).

So với năm 2017, số ca mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn. Các tỉnh có số ca mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, do miền Nam đã bắt đầu vào mùa mưa. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh: Thứ nhất, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà...).

Thứ hai, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu.

Thứ ba, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

Thứ tư, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Thứ năm, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Thứ sáu, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, xử trí kịp thời.

Hồng Thiết