Phát triển toàn diện cho trẻ em những năm dầu đời
24/02/2022 - 11:57

TĐKT- Trong những năm đầu đời, vấn đề phát triển của trẻ em đóng vai trò quan trọng về việc thực hiện các quyền của trẻ em cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết. Đặc biệt vấn đề này cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực tương lai.

Lễ ký kết

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước, từ Hiến pháp năm 2013 đến Luật trẻ em năm 2016 và các bộ luật, các luật có liên quan. Trách nhiệm của nhà nước, gia đình, cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế về bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, được giáo dục và học tập, được bảo vệ để có môi trường sống an toàn, được vui chơi, giải trí và được thực hiện quyền tham gia được quy định cụ thể. Trong đó, đầu tư và hỗ trợ vì sự phát triển toàn diện của trẻ em là quan điểm xuyên suốt các quy định pháp luật và các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đưa việc thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội.  

Việt Nam đang triển khai thực hiện các chính sách chăm sóc cho bà mẹ thời kỳ mang thai và sau khi sinh; các chính sách chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi và trước tuổi đi học tiểu học; các chính sách hỗ trợ lứa tuổi giáo dục phổ thông trong đó ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thiệt thòi về cơ hội phát triển. Kết quả là: Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện, tỷ lệ này đã giảm và Việt Nam đã thuộc các nước trong khu vực dưới 20%, trẻ em được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, các bệnh dịch nguy hiểm được đẩy lùi nhờ việc hầu hết trẻ em được tiêm chủng. Hầu hết trẻ em được đến trường: trẻ 3-36 tháng đạt 28.2%; trẻ 3-6 tuổi đạt  92.4%. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp xã hội ngày càng tăng. Số trẻ em bị tai nạn, thương tích có xu hướng giảm dần.

Nhằm thống nhất các Bộ trong triển khai các chính sách về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Đề án chăm sóc vì phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng (gọi tắt là Quy chế phối hợp liên ngành) có 4 chương và 21 Điều, gồm các nội dung chính như: phối hợp triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Đề án; nghiên cứu rà soát và thực hiện chính sách pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án; phối hợp triển khai chương trình tư vấn giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phát triển toàn diện trẻ em; kiện toàn các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng; phối hợp triển khai các mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; phối hợp việc thống kê, cung cấp thông tin và báo cáo tình hình triển khai Đề án, nghiên cứu khoa học; giao ban liên ngành về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, việc các Bộ cùng nhau thống nhất và triển khai Quy chế phối hợp liên ngành sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quan trọng hơn nữa là bảo đảm cho trẻ em được phát triển toàn diện, được tiếp cận toàn diện các dịch vụ; can thiệp và hỗ trợ đồng bộ cho trẻ em góp phần quan trọng thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững, đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, điều phối triển khai Đề án.

Trong việc xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành giữa 4 Bộ: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế. Trong việc triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025. Quy chế phối hợp giữa các Bộ nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp triển khai, đề xuất các giải pháp trong quá trình thực hiện Đề án của Chính phủ. Quy chế cũng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng và tổn thương nặng nề đối với trẻ em, hàng nghìn trẻ em bị mồ côi do dịch bệnh COVID-19 gây ra, mất mát đối với cha, mẹ các cháu, và ngay cả bản thân các cháu cũng phải hứng chịu bị mắc COVID-19. Hơn lúc nào hết, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội cần phải chung tay, hợp sức để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Song song với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cao vai trò của các bậc cha mẹ đối với quá trình chăm sóc phát triển trẻ thơ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, làm cho cha mẹ, cộng đồng hiểu về tầm quan trọng của việc chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời, từ đó có sự thống nhất trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ nhà trường, gia đình và xã hội. Ngay sau khi Đề án được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-BGDĐT ngày 5/4/2019 để hiện thực hóa các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án. Trong giai đoạn tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ có tác động đến việc nâng cao chất lượng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học đã bị ảnh hưởng nặng nề do trẻ em không đến trưởng, trẻ em mầm non không học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung trình Chính phủ các chính sách và giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học ngoài công lập để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở giáo dục này, bảo đảm chất lượng phát triển toàn diện trẻ em như mục tiêu Đề án đặt ra.

Bên cạnh đó, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em là quá trình lâu dài, liên tục nhưng trong đó, cơ sở khoa học và thực tiễn cho thấy, những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất, não bộ cũng như tính cách, sự trưởng thành của mỗi người. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao việc các Bộ tham gia ký kết và triển khai Quy chế phối hợp liên ngành để thống nhất trong triển khai các chính sách về chăm sóc toàn diện trẻ em. Trong chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế, trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm cho trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tầm vóc; tuyên truyền, giáo dục về việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngay từ những năm đầu đời cho cha mẹ, các thành viên gia đình.

Cùng với đó, Hợp tác liên ngành là tâm điểm quan trọng để thúc đẩy phát triển toàn diện trẻ thơ mà vốn dĩ không thuộc trách nhiệm của chỉ riêng một bộ ngành nào. Việc có được một cơ chế hợp tác liên ngành hiệu quả, giúp bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện đến với trẻ đúng thời điểm và bảo đảm chất lượng, là việc cốt lõi. Các dịch vụ đó bao gồm các chăm sóc về y tế, dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh, giáo dục, bảo vệ trẻ em, và trợ giúp xã hội, cùng với những hỗ trợ kỹ năng làm cha mẹ cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Đây chính là khía cạnh thách thức nhất của cách tiếp cận phát triển toàn diện trẻ thơ trên bình diện toàn cầu. Sự hiện hữu của một Quy chế liên ngành mà các bộ, ngành chung tay ký hôm nay sẽ là nền tảng giúp dịch vụ phát triển toàn diện trẻ thơ được mở rộng một cách bền vững ở Việt Nam.  

Hồng Thiết