Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Thực trạng và giải pháp
12/08/2020 - 15:46

TĐKT - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng. Những năm qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên theo hướng đủ về số lượng, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhà trường vẫn còn nhiều bất cập cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Điều này đòi hỏi Nhà trường cần có các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ trong thời gian tới.

Tăng về số lượng

Năm 2019, số lượng nhân lực ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là 1.379 người; trong đó số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) là 1.265 người (chiếm 91,73%). Từ năm 2014 đến nay, số lượng NNLCLC có sự gia tăng theo từng năm. Năm 2014, NNLCLC là 1.145 người; năm 2015 là 1.182 người, tăng 37 người so với 2014; năm 2016 là 1.200 người, tăng 18 người; năm 2017 là 1.232 người, tăng 32 người; năm 2018 là 1.252 người, tăng 30 người; và năm 2019 là 1.265 người, tăng 13 người so với 2018. Như vậy, từ 2014 đến 2019, số lượng NNLCLC ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tăng 115 người (tăng 10,5% so với năm 2014).

Trong tổng số NNLCLC ở Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện nay, đội ngũ giảng viên có số lượng lớn nhất với 1.117 người (chiếm 88,3%); còn lại là đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức ở các phòng, ban chuyên môn, trung tâm... (148 người, chiếm 11,7%). Từ 2014 đến 2019, đội ngũ giảng viên đã tăng lên từ 1.070 người (năm 2014) lên 1.117 người (năm 2019), tốc độ tăng trưởng 4,0% so với năm 2014. Trong đó, đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) có xu hướng tăng, trình độ đại học có xu hướng giảm.

Nâng cao về chất lượng

Trình độ học vấn, năng lực của NNLCLC ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày càng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của nhà trường trong điều kiện mới. Tỷ lệ đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư tăng cao theo từng năm. Tính đến 2019, tỷ lệ nhân lực có học hàm, học vị giáo sư là 2,77%, phó giáo sư: 6,17%, tiến sĩ: 11,07%, thạc sĩ: 58,26%, trình độ đại học chiếm 21,73% tổng số NNLCLC toàn trường.

Từ năm 2014 - 2019, nhân lực có học hàm giáo sư tăng từ 19 người lên 35 người, phó giáo sư từ 52 người lên 78 người, học vị tiến sĩ từ 105 người lên 140 người, thạc sĩ từ 662 người lên 737 người. Trong khi đó, trình độ nhân lực có trình độ đại học có xu hướng giảm, từ 312 người xuống còn 275 người; trình độ dưới đại học giảm từ 134 người xuống còn 114 người.

Về trình độ chức danh chuyên môn của NNLCLC ở Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Tỷ lệ NNLCLC có chức danh chuyên viên, chuyên viên chính, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2014 lực lượng này chiếm 85,22% tổng NNLCLC toàn trường; trong đó, chuyên viên, chuyên viên chính chiếm 5,21%, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp chiếm 80,01%. Đến năm 2019, đội ngũ này tăng lên 94,23% (chuyên viên, chuyên viên chính chiếm 9,88%, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp chiếm 84,35%). Lực lượng có chức danh chuyên môn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số NNLCLC của nhà trường là đội ngũ nhà giáo (từ giảng viên trở lên), trung bình chiếm 81,9% trong giai đoạn 2014 - 2019.

Cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu giáo dục - đào tạo của nhà trường.

Kể từ năm 2014 đến 2019, ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ cấu NNLCLC đang dần hoàn thiện hơn khi trình độ sau đại học có xu hướng tăng, trình độ đại học có xu hướng giảm. Điều đó phản ánh chất lượng NNLCLC của nhà trường đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể: năm 2014, tỷ lệ NNLCLC có trình độ sau đại học (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ) là 838 người, chiếm 72,87%, trình độ đại học là 312 người chiếm 27,13% tổng NNLCLC toàn trường. Đến năm 2019, tỷ lệ NNLCLC tương tự lần lượt là 990 người (chiếm 78,26%) và 275 (chiếm 21,74%) tổng NNLCLC toàn trường.

Hiện nay, tỷ lệ giữa đội ngũ giảng viên với đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các phòng, ban, viện, trung tâm... là cũng khá phù hợp, 88,3% so với 11,7% (tỷ lệ 7,5/1). Đây là tỷ lệ hợp lý trong môi trường giáo dục đại học hiện nay, khi đội ngũ giảng viên giữ vai trò trung tâm nhất, phản ánh uy tín, chất lượng đào tạo, thương hiệu của nhà trường. 

Những hạn chế, bất cập

Số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với sự phát triển về quy mô đào tạo của nhà trường.

Số lượng NNLCLC của Nhà trường hiện nay còn thiếu so với chức năng nhiệm vụ. Số lượng sinh viên tăng nhanh, nhiệm vụ thường xuyên được bổ sung, trong khi đó số lượng NNLCLC lại tăng chậm. Năm 2015, NNLCLC của nhà trường tăng 3,2% so với 2014; năm 2016 tăng 1,5% so với 2015; năm 2017 tăng 2,7% so với 2016; năm 2018 tăng 2,4% so với 2017; năm 2019 tăng 1,0% so với 2018. Đến năm 2019, số lượng học viên, sinh viên tuyển sinh được là 8.654 người (trong đó có 614 cao học, 7.604 đại học và 436 cao đẳng); tốc độ tăng trưởng đạt 9,3%. Trong khi đó, kể từ 2014 đến 2019, đội ngũ giảng viên tăng lên từ 1.070 người (năm 2014) lên 1.117 người (năm 2019), tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,0% so với năm 2014. Nhiều giảng viên phải dạy tăng giờ thêm giờ so với quy định, có giảng viên giảng từ 600 đến 700 tiết/năm, gấp hơn 2 lần so với quy định. Với số lượng giảng viên là 1.117 người (năm 2019) như hiện nay nhà trường vẫn chưa đáp ứng được tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo thông tư số 57/TT-BGDĐT ban hành ngày 02/12/2011 là 25 sinh viên/giảng viên thì trường đang ở mức 28 sinh viên/giảng viên.

Chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đồng bộ, một số mặt chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Ở một số khoa, giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ còn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng đào tạo chuyên ngành của khoa. Cụ thể là khoa: Thiết kế đồ họa, Tiếng Trung - Nhật, Tiếng Nga 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở xuống. Nhiều khoa còn thiếu NNLCLC là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như: Khoa Tài chính, Cơ điện tử, Luật Kinh tế, Kiến trúc, Xây dựng, Môi trường, Quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận NNLCLC chưa được bố trí sắp xếp phù hợp với chuyên môn được đào tạo cũng như năng lực sở trường công tác của họ, đây cũng là một sự lãng phí trong việc dùng người. Trình độ tin học và ngoại ngữ của NNLCLC ở nhà trường còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo. Khả năng ngoại ngữ của một bộ phận lớn NNLCLC chưa cao là rào cản khả năng viết và đăng các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế và tham dự các hội thảo, các nghiên cứu mang tầm quốc tế, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế. Số giảng viên có trình độ cao hầu hết tuổi đời cũng đã cao, đây là hạn chế rất lớn do các giảng viên này khó có thể bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

Cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao còn có sự mất cân đối về cơ cấu chuyên ngành, độ tuổi và giới tính.

Cơ cấu ngạch bậc của NNLCLC ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mặc dù đã có sự phát triển hài hòa, cân đối đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của nhiệm vụ giáo dục - đào tạo đặt ra trong tình hình mới. Tuy nhiên, sự phân bổ giữa các cơ quan, đơn vị là không đồng đều nhau. Đối với khối khoa, cán bộ, nhà giáo có chức danh giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp cũng không đồng đều nhau về tỷ lệ giữa các khoa trong trường. Một số khoa tỷ lệ giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp còn thấp là: Khoa Mỹ thuật ứng dụng; Khoa Môi trường; Khoa Công nghệ thông tin; Khoa Dược; Khoa Đại học liên thông và đào tạo từ xa; Khoa Tại chức hướng nghiệp; Khoa Giáo dục Quốc phòng - An ninh; Khoa Giáo dục thể chất...

Cơ cấu theo độ tuổi: Mặc dù trong những năm qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tích cực tuyển dụng cán bộ trẻ, đào tạo để tạo nguồn bổ sung cho NNLCLC lớn tuổi nghỉ hưu và nhờ đó đã khắc phục được phần nào về tình trạng hẫng hụt NNLCLC, nhưng hiện nay cơ cấu NNLCLC theo độ tuổi vẫn còn những bất cập. Vẫn còn sự hẫng hụt nhất định về lực lượng kế cận ở các khoa, phòng, ban, trung tâm. Lực lượng kế cận cho vị trí lãnh đạo các khoa, phòng, ban, trung tâm ở tầm tuổi 40 - 50 còn thiếu hụt, chưa thể thay thế ngay lập tức cho các vị trí quản lý của Nhà trường.

Cơ cấu theo giới tính: Ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện nay NNLCLC nữ đông hơn nam. Năm 2019, tỷ lệ nữ nam là 53,68% - 46,32%. Đây là cơ cấu tương đối phù hợp với các chuyên ngành đào tạo thuộc khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngôn ngữ vì các chuyên ngành này thường vẫn có tỷ lệ nữ giới lớn hơn nam giới. Tuy nhiên, sự mất cân đối về giới tính thể hiện ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện nay là tỷ lệ cán bộ quản lý, giảng viên nữ có học hàm, học vị cao là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ lại thấp hơn nam giới. Năm 2019, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 35 giáo sư, 78 phó giáo sư, 140 tiến sĩ thì cán bộ quản lý, giảng viên nữ là 7 giáo sư (chiếm 20% tổng số giáo sư), 23 phó giáo sư (chiếm 29,5% tổng số phó giáo sư), 48 tiến sĩ (chiếm 34,3% tổng số giáo sư).

Một số giải pháp

Một là, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp.

Căn cứ vào chiến lược phát triển NNLCLC, các chủ thể quản lý cần xây dựng quy hoạch phát triển NNLCLC trong toàn trường. Quy hoạch cần tính cả nguồn bù đắp thay thế, nguồn tăng thêm theo mục tiêu chiến lược, nguồn dự phòng cho bộ phận nhân lực chất lượng cao sắp hết tuổi lao động, chuyển công tác… Quy hoạch cũng phải bảo đảm nội dung phát triển toàn diện: gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng và hoàn thiện cơ cấu NNLCLC, trong đó chú trọng phát triển bộ phận giảng viên cơ hữu có năng lực chuyên môn đặc biệt, tạo ra thương hiệu riêng cho từng khoa chuyên ngành của Nhà trường. Trên cơ sở quy hoạch phát triển, các khoa, phòng, ban, trung tâm và tổ chức đoàn thể phải có các kế hoạch phát triển NNLCLC của riêng mình, cả kế hoạch giai đoạn và kế hoạch thực hiện trong từng năm. Kế hoạch phải xác định thật cụ thể mục dích cần đạt tới, những nhiệm vụ cần triển khai, người phụ trách, lực lượng tiến hành, biện pháp cụ thể và nguồn lực bảo đảm cho từng nhiệm vụ.

Hai là, xây dựng chính sách sử dụng và đãi ngộ đặc biệt đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao.

Chính sách tiền lương phải được tính toán trên cơ sở lượng hoá kết quả lao động và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Nhà trường. Bộ phận nhân lực chất lượng cao được trả thu nhập vượt trội so với bộ phận còn lại là hoàn toàn xứng đáng, do chính sự đóng góp quan trọng của họ vào kết quả giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trả lương xứng đáng sẽ tạo động lực để NNLCLC không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng bản thân và ngày càng có đóng góp lớn hơn cho Nhà trường. Bên cạnh việc ưu đãi về tiền lương, bộ phận nhân lực chất lượng cao cần được bảo đảm môi trường làm việc tốt, cả về mặt kĩ thuật và mặt xã hội.

Về kỹ thuật, bộ phận nhân lực chất lượng cao cần được ưu tiên về không gian làm việc, được ưu tiên khai thác sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm phát huy tốt nhất năng lực lao động của họ. Về mặt xã hội, lao động của bộ phận nhân lực chất lượng cao là lao động phức tạp, cần huy động sự tập trung cao độ cả về tư duy và thao tác kĩ thuật, vì vậy việc quản lý lao động phải linh hoạt, mềm dẻo, tạo cảm giác thoải mái và cảm hứng sáng tạo cho họ.

Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính.

Để có đủ lượng tài chính cần thiết, Nhà trường cần huy động từ nhiều kênh khác nhau như huy động nguồn đóng góp của cổ đông, nguồn thu từ sinh viên, nguồn đầu tư hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, thu từ hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo với các tổ chức và doanh nghiệp… Sử dụng nguồn lực tài chính cho hoạt động phát triển NNLCLC là việc lập kế hoạch bảo đảm tài chính và tổ chức thực hiện kế hoạch đó phù hợp với kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển NNLCLC của Nhà trường. Trong hoạt động này, tài chính trở thành công cụ huy động các nguồn lực khác phục vụ cho thu hút, đào tạo, bồi dưỡng NNLCLC. Để việc sử dụng nguồn lực tài chính đạt được hiệu quả tối ưu, người lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính phải tính toán chính xác và cụ thể từng khoản đầu tư, và giám sát chặt chẽ sự vận động của chúng, sao cho mỗi khoản chi đều mang lại hiệu quả tương ứng, tránh thất thoát, lãng phí.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước sẽ giúp bộ phận nhân lực của Nhà trường được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu; đồng thời cũng góp phần quan trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực cho mỗi bên. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần tăng cường mời giảng đối với những giảng viên cao cấp, các nhà khoa học có uy tín. Các chuyên gia đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu khác nhằm bổ sung NNLCLC cho mình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận nhân lực CLC của Nhà trường thực hiện các hoạt động thỉnh giảng, ký kết các hợp đồng nghiên cứu khoa học và tham gia các hội đồng đánh giá luận văn, luận án, đề tài khoa học của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu khác trong cả nước.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp.

Nhà trường cần chủ động ký kết với doanh nghiệp các hợp đồng đào tạo nhân lực có địa chỉ, trao đổi chuyên gia và chia sẻ cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhà trường sẽ đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đồng thời mời các nhà quản lý giàu kinh nghiệm từ phía các doanh nghiệp tham gia thỉnh giảng, qua đó bổ sung NNLCLC cho trường. Nhà trường cần chủ động đề xuất thực hiện các hợp đồng đào tạo tại doanh nghiệp, hoặc thuê cơ sở hạ tầng kĩ thuật của doanh nghiệp để phục vụ dạy học thực hành, qua đó tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại cho phát triển NNLCLC của Nhà trường. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, vừa giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường bám sát thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, đồng thời giúp tạo nguồn thu quan trọng phục vụ cho phát triển NNLCLC.

ThS. Nguyễn Đại Lâm
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và đào tạo: Phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Trần Văn Hùng (2012), Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường đại học, <http://gdtd.vn/channel/3062/201008/Phat-trien nguon-nhan-lucchat-luong-cao-cho-cac-truong-DH-1932268/

3. Vũ Văn Phúc, Nguyễn Duy Hùng, (Chủ biên) (2012), Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (2019), Danh sách đội ngũ giảng viên phân theo khối ngành, trình độ năm 2019, Hà Nội.

5. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (2019), Danh sách cán bộ, nhân viên khối phòng, ban, trung tâm, viện nghiên cứu năm 2019, Hà Nội.