TĐKT - Ngày 29/6, tại Hà Nội, Hội Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc "Phát triển năng lực chuyên môn và đổi mới quản lý trong hoạt động can thiệp trẻ có rối loạn phát triển". Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trung tâm làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có rối loạn phát triển…
Các bài tham luận đã tập trung xoay quanh các nội dung: Tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn tạo dựng uy tín nghiệp vụ của các trung tâm làm nhiệm vụ can thiệp trẻ có rối loạn phát triển; rối loạn phát triển và các biểu hiện của rối loạn phát triển; các biện pháp, mô hình đánh giá, can thiệp sớm cho trẻ mắc rối loạn phát triển; kỹ năng xây dựng kế hoạch can thiệp cho trẻ mắc rối loạn phát triển; vai trò của gia đình trong việc hỗ trợ trẻ mắc rối loạn phát triển…
Phát biểu tại buổi Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết, rối loạn phát triển còn được hiểu là rối nhiễu tâm trí. Ở nước ta, nghiên cứu của Trần Tuấn và cộng sự năm 2003 trên đối tượng trẻ 8 tuổi cho thấy có tới 20,2% trẻ ở lứa tuổi này mắc chứng rối nhiễu tâm trí. Tỷ lệ trẻ gặp rối loạn về phát triển như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển… tăng theo thời gian.
Hội thảo “Phát triển năng lực chuyên môn và đổi mới quản lý trong hoạt động can thiệp trẻ rối loạn phát triển”
Hiện nhiều cơ sở thực hiện nhiệm vụ giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phát triển hoạt động. Trong đó có trung tâm đã và đang hoạt động rất có hiệu quả, được nhân dân tín nhiệm nhưng nhìn chung thường hoạt động độc lập, tách biệt, ít có điều kiện gặp gỡ trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong can thiệp hỗ trợ trẻ, trong bồi dưỡng các tri thức liên quan đến lĩnh vực hoạt động can thiệp.
Trẻ tự kỷ với những nhu cầu rất đa dạng và nhất là những trẻ ở các khu vực còn khó khăn thường có xu hướng được phát hiện ở những độ tuổi muộn hơn hoặc bị phát hiện chưa đúng.
Điều đó đòi hỏi việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, cộng đồng và các liên đới khác cũng như chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực có chuyên môn vững vàng, hiểu rõ các giá trị nhân văn trong trị liệu, can thiệp và giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ.
Nhìn chung các mô hình can thiệp điều trị rối loạn phổ tự kỷ chưa có sự thống nhất và còn tiếp tục nghiên cứu. Tại các nước tiên tiến trên thế giới và Việt Nam, do chưa có chính sách tổng thể về trẻ rối loạn phổ tự kỷ mang tầm quốc gia nên các gia đình không biết đưa đến nơi nào can thiệp, hoặc đưa đến can thiệp tại các cơ sở chăm sóc tập trung. Tại các cơ sở này cũng không đồng nhất về cơ sở điều trị cũng như phương pháp can thiệp.
Xu hướng hiện nay trên thế giới về thực hiện can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ là cần phải dựa vào các phương pháp can thiệp, trị liệu đã được kiểm chứng. Việc vận dụng các phương pháp can thiệp, trị liệu cũng cần phải dựa trên nhu cầu và năng lực của mỗi cá nhân trẻ tự kỷ.
Nhiều phương pháp đã được thực chứng về hiệu quả can thiệp và điều trị một số triệu chứng tự kỷ căn bản như trẻ được dạy theo phương pháp Montessori, hay các phương pháp tập trung vào sự phát triển cá nhân, mối quan hệ, cảm xúc như RDI, Floortime…
Dựa trên điểm mạnh của tự kỷ là tư duy về hình ảnh, các phương pháp sử dụng tranh (ví dụ PECs) giúp trẻ giao tiếp dễ hơn. Tranh ảnh cũng được sử dụng thường xuyên trong hầu hết các phương pháp can thiệp tự kỷ.
Theo khảo sát của Trung tâm, trước khi thực nghiệm tỷ lệ % cao nhất về mức độ khả năng chú ý chỉ dừng ở mức độ khá chiếm 42.9% số trẻ, có 42.9% trẻ có khả năng chú ý ở mức độ trung bình và 14.2% trẻ có mức độ chú ý yếu.
Sau khi thực nghiệm bằng cách sử dụng phương pháp Montessori, khả năng chú ý của trẻ có sự chuyển biến hơn một cách rõ rệt, có 28.6% số trẻ có chú ý mức độ tốt, 28.5% trẻ có mức độ chú ý chuyển từ yếu sang trung bình, không có trẻ nào có mức độ chú ý yếu.
Sự phát triển chú ý của trẻ rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) về cơ bản đều có những giai đoạn phát triển giống như trẻ bình thường nhưng trẻ RLPTK có những khó khăn nhất định nên sự phát triển chú ý của chúng thường diễn ra chậm hơn so với trẻ bình thường.
Do đó trong quá trình giáo dục, đòi hỏi các giáo viên, trung tâm cần luôn thay đổi các hình thức hoạt động và sử dụng các phương pháp, biện pháp khác nhau để duy trì sự chú ý có chủ đích của trẻ.
Hồng Thiết