Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả
05/07/2018 - 11:12

TĐKT - Ngày 5/7, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Công ty IDG Vietnam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018 với chủ đề "Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả".

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định: Từ năm 2005, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là sự kiện thường niên, là diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan, ban, ngành, Chính phủ và các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ và thảo luận về chính sách đầu tư, giải pháp phát triển công nghệ thông tin toàn diện, thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý quốc gia.

Hội thảo năm nay trao đổi, đánh giá về thực trạng và đề ra những giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sự phát triển của Chính phủ điện tử, nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công.

Ngoài phiên Báo cáo chính, Hội thảo có 2 phiên thảo luận chuyên đề với nội dung: "Đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống Chính phủ điện tử" và "Ứng dụng giải pháp Chính phủ điện tử để cải cách, cung ứng dịch vụ hành chính công, gia tăng trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng".

Có 15 diễn giả tham gia báo cáo, trình bày tại Hội thảo, với các chủ đề tiêu biểu: Thực trạng, tầm nhìn và chiến lược thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam; xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở hiện đại hóa hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và nhận thức của người dân; Chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình; một số vấn đề khó khăn và định hướng phát triển chính quyền điện tử nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; cơ chế bảo mật thông tin hệ thống Chính phủ điện tử - làm thế nào để quản lý đặc quyền tiếp cận...

Trong chương trình Hội thảo, Hội Truyền thông số Việt Nam đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng các đơn vị có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tiêu biểu năm 2017.

Diễn ra song song với Hội thảo là triển lãm các thành tựu công nghệ phục vụ việc xây dựng hạ tầng hệ thống Chính phủ điện tử và các công nghệ phục vụ ngành ngân hàng, đặc biệt là công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. Các công ty, tập đoàn tham gia triển lãm năm nay: GMO, Hyperlogy, Miraway, DTasia, CMC telecom, Netnam, TP bank, Vnpay...

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, trong quý I/2018, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều đã được nâng cao. Đã có thêm 13.909 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng, vận hành.

Như vậy, các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến, các địa phương cung cấp tổng cộng 45.374 dịch vụ.

Bên cạnh đó, chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể; tỷ lệ người dùng internet là 54,2% tổng dân số; số thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân; số thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân; số thuê bao băng thông rộng di động là 48,4 thuê bao/100 dân.

Trước đó, theo thông tin công bố trong Sách trắng công nghệ thông tin năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ấn hành, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương hoạt động rất hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn: Bộ Công an (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công thương (772.000 hồ sơ), Bộ Giáo dục và Đào tạo (270.000 hồ sơ), TP Hà Nội (225.173 hồ sơ), tỉnh Lâm Đồng (110.625 hồ sơ)...

Phương Thanh