TĐKT - Ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện”.
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương phát biểu tại Lễ phát động
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006 - 2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), giúp giảm 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2006 - 2010 và 5,65% trong giai đoạn 2011 - 2015. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), hướng tới triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các định hướng lớn cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó, việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Gần đây nhất, ngày 7 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 (Chỉ thị 20), trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Tại Chỉ thị 20, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực hiện 5 giải pháp: Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.
Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện” được tổ chức nhằm lan tỏa thông điệp của Chỉ thị 20 tới mọi tầng lớp, mọi người dân trong toàn xã hội.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết: “Nhằm lan tỏa thông điệp của Chỉ thị 20/CT-TTg, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện với chủ đề “Chung tay thực hiện tiết kiệm điện vì sự phát triển bền vững”. Thông qua cuộc thi, Bộ Công thương mong muốn sẽ lựa chọn được biểu tượng và khẩu hiệu thể hiện tầm quan trọng của việc thực hiện tiết kiệm điện đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”
Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo của cuộc thi tập hợp những chuyên gia cao cấp về thiết kế mỹ thuật, hội họa tới từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, các trường đại học chuyên ngành thiết kế, kiến trúc, mỹ thuật, truyền thông và đặc biệt, có sự tham gia của các nhà chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng, để đảm bảo quá trình lựa chọn được công tâm, chuẩn xác theo đúng yêu cầu và mục tiêu đặt ra của cuộc thi.
Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự cần thể hiện được xu hướng tiết kiệm điện, hướng đến tiêu chí bền vững và thân thiện. Đồng thời, đạt được những yêu cầu về thiết kế như: Thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được nét truyền thống kết hợp với xu thế hiện đại và hội nhập (thể hiện qua màu sắc, đường nét, bố cục, ý nghĩa...).
Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi gồm: 1 giải nhất (bao gồm cả logo và slogan) trị giá 50.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công thương; 10 giải khuyến khích trị giá 7.000.000 VNĐ/giải kèm chứng nhận của Bộ Công thương; 1 giải thưởng dành cho tổ chức có số lượng tham gia nhiều nhất trị giá 10.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công thương; 1 giải thưởng khán giả bình chọn nhiều nhất (qua fanpage cuộc thi) trị giá 5.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công thương.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi kể từ 12h00 ngày 21/10/2020 đến 17h00 ngày 5/12/2020. Dự kiến Lễ công bố trao giải sẽ diễn ra vào tháng 12/2020.
Phương Thanh