Phát động cuộc thi viết "Tôi tình nguyện" 2019
03/12/2019 - 09:30

TĐKT - Sáng 2/12, hưởng ứng Ngày Quốc tế Người tình nguyện (5/12), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động cuộc thi viết "Tôi tình nguyện" 2019 và ra mắt một số đội/nhóm tình nguyện viên chữ thập đỏ trực thuộc Trung ương Hội.

Lễ phát động cuộc thi

Cuộc thi bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 5/12/2019 đến hết ngày 20/4/2020. Lễ công bố và trao giải sẽ được tổ chức tại Lễ phát động Tháng nhân đạo 2020 - kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Ngày Tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam (8/5/2020).

Thể lệ cuộc thi được đăng tải trên trang fanpage và Cổng thông tin điện tử Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống.

Nội dung tác phẩm dự thi là những bài viết, câu chuyện khắc họa chân dung, kể về sự hy sinh, cống hiến của những con người, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... mà tác giả biết và chứng kiến hoặc chính những kỷ niệm sâu sắc của tác giả trong quá trình hoạt động tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng. Bài viết phải lan tỏa được thông điệp “Kết nối - sẻ chia và lan tỏa”.

Hình thức thể hiện là những bài phản ánh, ghi chép, phóng sự, ký chân dung. Ưu tiên cao nhất cho những bài viết có tính phát hiện cao, gây ấn tượng, có tầm ảnh hưởng xã hội sâu rộng.

Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt, tối thiểu 700 từ và không quá 2.000 từ, thể hiện dưới dạng file word, có kèm ảnh (nếu gửi qua thư điện tử là file .jpg dung lượng tối thiểu 500 Kb), không giới hạn số ảnh kèm theo.

Nhân vật trong bài viết phải là người thật việc thật, có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, rõ ràng và hành động, thành tích của họ trong quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện. Bài viết chưa được đăng tải trên bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm văn hóa nào, chưa tham gia các cuộc thi khác. Không hạn chế số lượng bài viết với mỗi tác giả.

Cũng tại buổi lễ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức ra mắt 2 đội tình nguyện viên chữ thập đỏ trực thuộc Trung ương Hội là: Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ của Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ “Mùa Thu và những người bạn” (Hà Nội) - làm cơ sở từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình tình nguyện viên chữ thập đỏ trực thuộc Trung ương Hội đa dạng các lĩnh vực hoạt động.

Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ của Bưu điện Việt Nam được thành lập gồm hơn 700 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang công tác tại các bưu cục nơi có đặt thùng quyên góp nhân đạo. Các tình nguyện viên của Bưu điện không chỉ tham gia quản lý, đảm bảo sự an toàn của các thùng quyên góp nhân đạo đặt tại các bưu cục mà còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương quản lý và xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn quỹ tại các thùng quyên góp nhân đạo ở các bưu cục, đồng thời tham gia khảo sát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo trong hoạt động lựa chọn trợ giúp các địa chỉ nhân đạo; tổ chức hoạt động trợ giúp địa chỉ nhân đạo phù hợp với điều kiện từng địa phương...

Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ “Mùa Thu và những người bạn” được thành lập từ năm 2016. Trải qua gần 4 năm hoạt động, Đội tổ chức nấu cháo và phát miễn phí cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại 7 bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội. Tổng giá trị hoạt động của năm 2019 (tính đến hết tháng 10/2019) trị giá 1 tỷ 350 triệu đồng, gồm các hoạt động: Hỗ trợ tinh thần và vật chất cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, xây dựng điểm trường học mới, tặng quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện.

Tính đến tháng 6 năm 2019, cả nước có trên 300.000 tình nguyện viên chữ thập đỏ, trong đó 9.596 đội, nhóm, câu lạc bộ với đa dạng các mô hình hoạt động như: Cửa hàng Chữ thập đỏ, Hội chợ nhân đạo (Hà Nội, Đồng Tháp), Vườn cây nhân đạo (Trà Vinh), Đội phòng cháy, chữa cháy Chữ thập đỏ (An Giang), Đội vận động hiến mô, hiến tạng nhân đạo, Tình nguyện viên gia đình phật tử (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng), Tủ bánh mỳ từ thiện, Tủ quần áo từ thiện (Khánh Hòa), Tình nguyện viên truyền thông, Đại sứ nhân ái (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), các hình thức câu lạc bộ: Bluse Trắng, Trái tim tình nguyện, Sống để yêu thương, Máu nóng tim yêu thương (Đà Nẵng)... Trong số đó, các mô hình: Bếp ăn tình thương, Tổ cấp cháo, nước sôi miễn phí, Quán cơm từ thiện, Bữa cơm cho người nghèo, Nồi cháo tình thương, Tủ bánh mỳ từ thiện, Tủ quần áo từ thiện vẫn duy trì phát triển ngày càng lan tỏa, mở rộng và giá trị hoạt động ngày càng lớn...

Dự kiến năm 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ xây dựng Chiến lược phát triển Tình nguyện viên giai đoạn 2020 - 2030 – tầm nhìn 2045 là cơ sở định hướng phát triển lực lượng tình nguyện viên và nâng cao chất lượng hoạt động của tình nguyện viên chữ thập đỏ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.

Phương Linh