Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn 4/4
25/03/2019 - 11:42

TĐKT - Ngày 24/3, tại Quảng Bình, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), Cơ quan hợp tác quốc tế Đại Hàn dân quốc (KOICA), tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Bình tổ chức Lễ mít tinh và các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4.

Tham gia các hoạt động có trên 1.000 người, gồm: Lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn

Các hoạt động trên nằm trong hợp phần giáo dục nguy cơ bom mìn của dự án Việt Nam -  Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KV-MAP). Dự án được triển khai trên 4 hợp phần: Khảo sát, rà phá bom mìn; hỗ trợ nạn nhân quản lý thông tin và giáo dục phòng, tránh tai nạn bom mìn.

Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh. Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp về hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai Việt Nam hiện bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ là 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh hiện nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhất ở các tỉnh miền Trung.

Trong đó, tỉnh Quảng Bình có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích gần 225.000 ha. Trong vòng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh Quảng Bình xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, làm chết 49 và bị thương 115 người. Hàng ngàn người tàn phế suốt đời.

Một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng trên là do người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên không nhận dạng, phân biệt được bom mìn và các vật liệu nổ khác để phòng, tránh.

Ông Trần Hữu Thành, Phó Trưởng phòng Phòng Kế hoạch điều phối Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, thường xuyên chỉ đạo công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng bị ô nhiễm.

Trong điều kiện công tác rà phá bom mìn cần phải có nguồn lực lớn và thời gian dài, vì vậy vấn đề cấp thiết cần thực hiện trước hết là công tác tuyên truyền giáo dục phòng, tránh bom mìn trong nhân dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Lễ mít tinh và các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 được tổ chức là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng một thế giới hòa bình, không có bom mìn, một cuộc sống bình yên và phát triển của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, cổ vũ, động viên các tổ chức chính trị, xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại.

Tại Lễ mít tinh, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được diễn ra, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tham gia hưởng ứng: Tìm hiểu những kiến thức về bom mìn, vật nổ và cách phòng, tránh; diễu hành trên các tuyến phố trung tâm TP Đồng Hới, tuyên truyền lưu động với thông điệp “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”;  Cuộc thi vẽ tranh của học sinh trong độ tuổi 8-15 tuổi với chủ đề “Vì cộng đồng an toàn, không có tai nạn bom mìn”...

Minh Phương