TĐKT – Triển khai từ năm 2014, đến nay, mô hình Thành phố an toàn cho trẻ em gái do Tổ chức Plan International Việt Nam và các đối tác phối hợp thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần giải quyết vấn đề an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố.
Với tổng ngân sách 17,32 tỷ đồng, Tổ chức Plan International Việt Nam và các đối tác đã hợp tác hiệu quả triển khai mô hình Thành phố An toàn cho em gái. Sau 4 năm, dự án đã giảm được tỷ lệ các em gái từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt từ 31% năm 2014 xuống còn 19% năm 2018 và giảm được số người cho rằng việc một em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là việc của họ từ 20% năm 2014 xuống còn 9% năm 2018 ở cả nam và nữ.
Liên hợp quốc ước tính rằng vào năm 2030, cứ 3 người thì có một người sinh sống ở các thành phố/đô thị với ít nhất nửa triệu dân. Theo ước tính, vào năm 2030, sẽ có 700 triệu trẻ em gái sẽ sinh sống tại các khu vực đô thị trên thế giới.
Báo cáo năm 2010 của Plan International toàn cầu cho thấy, khi sinh sống tại khu vực đô thị, các em gái sẽ có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, nghề nghiệp, công nghệ tốt hơn, đồng thời, các em cũng phải đối mặt với các rủi ro cao hơn liên quan đến sự an toàn của các em khi sinh sống tại thành phố/đô thị.
Một trong những vở kịch truyền thông về mô hình Thành phố an toàn cho trẻ em gái được thực hiện tại Hội nghị Sơ kết dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái” sáng 27/6 tại Hà Nội
Mô hình Thành phố an toàn cho trẻ em gái được thiết kế để đáp ứng với các thách thức ngày càng gia tăng của vấn đề đô thị hóa thông qua việc trao quyền cho các em gái, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng các cộng đồng trở nên an toàn và thân thiện hơn.
Chương trình cũng nhằm giải quyết các vấn đề gốc rễ của xã hội dẫn đến nguy cơ không an toàn của các em gái cũng như hướng tới việc chuyển đổi các quan niệm, định kiến xã hội đã củng cố các phân biệt về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Trên toàn cầu, Tổ chức Plan International hợp tác với tổ chức UN HABITAT và Women in Cities thực hiện sáng kiến xây dựng Thành phố an toàn với trẻ em gái từ năm 2012. Đến nay, từ 5 thành phố ban đầu bao gồm Hà Nội, New Delhi, Kampala, Cairo, Lima, tổ chức Plan International đã nhân rộng mô hình đến 8 thành phố khác và dự kiến sẽ phát triển mô hình tại 20 thành phố của các nước chưa phát triển và đang phát triển trên toàn cầu.
Dự án thúc đẩy sự an toàn của em gái tại các nơi công cộng, khi tham gia giao thông công cộng và sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của các em gái vào trong quá trình hoạch định sự phát triển của thành phố nơi các em sinh sống. Để đạt được mục tiêu này, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước triển khai chương trình Thành phố an toàn cho trẻ em gái.
Từ năm 2014, Plan International Việt Nam hợp tác với Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội (TRAMOC) để triển khai can thiệp thúc đẩy sự an toàn của em gái khi đi lại trên phương tiện xe buýt thông qua các hoạt động đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ ngành giao thông, lái xe, phụ xe về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực giới với em gái. Bên cạnh đó là các sáng kiến truyền thông do chính các em gái khởi xướng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng an toàn cho em gái và thúc đẩy các hành động đẹp của nam giới nơi công cộng.
Từ năm 2016, can thiệp của chương trình tiếp tục được mở rộng với sự hợp tác của UBND huyện Đông Anh (TP Hà Nội), Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) nhằm tạo ra một mô hình cộng đồng an toàn với em gái tại huyện Đông Anh. Từ tháng 8/2017, Plan International Việt Nam phối hợp với Vụ Bình đẳng Giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để triển khai dự án ở cấp quốc gia.
Theo kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam thực hiện vào tháng 6/2013 cho thấy 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng. Ngoài ra, 62% cán bộ nhà nước, 45% hành khách nam và 49% hành khách nữ được hỏi cho rằng quấy rối tình dục là một nguy cơ. Trong khi đó, 45% người trả lời trong khảo sát không làm gì cả khi nhìn thấy sự việc ở nơi công cộng và 20% không can thiệp khi nhìn thấy em gái bị quấy rối trên xe buýt.
Sau 4 năm triển khai, kết quả khảo sát nhanh do Tổ chức Plan International tiến hành vào tháng 6/2018 cho thấy: Nhận thức về vấn đề mất an toàn ở các khu vực công cộng và khi sử dụng xe buýt của các em gái đã tăng lên so với năm 2014. Giảm đáng kể số người cho rằng không có nguy cơ nào đe dọa sự an toàn của các em gái tại các khu vực công cộng (50%) và khi đi xe buýt (10%).
So với năm 2014, có ít trường hợp quấy rối tình dục ở nơi công cộng hơn được báo cáo trong khảo sát lần này (giảm 12%). Đồng thời số người chưa bao giờ chứng kiến hành vi quấy rối tình dục tại nơi công cộng tăng lên hơn 11%.
Tình nguyện viên đang phát tờ rơi và trò chuyện, nâng cao nhận thức cho người dân về cộng đồng an toàn và thân thiện với trẻ em gái tại Hà Nội
Số người cho rằng việc một em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là việc của họ đã giảm đi đáng kể tại thời điểm năm 2018 so với năm 2014 (từ 20% năm 2014 xuống còn 9% năm 2018 ở cả nam và nữ). So với năm 2014, số hành khách báo cáo hành động để chống lại các ca quấy rối tình dục trên xe buýt (tìm cách để bảo vệ em gái và ngăn chặn kẻ quấy rối) đã tăng lên đáng kể vào năm 2018 (tăng 12 - 16%).
Đặc biệt, đến nay đã có một sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của lái xe, phụ xe buýt về tầm quan trọng của vấn đề an toàn cho trẻ em gái và cam kết thúc đẩy an toàn của trẻ em gái ở cộng đồng đô thị khi 58% lái xe, phụ xe tham gia khảo sát năm 2018 đồng ý rằng họ đã cảnh báo/chia sẻ về nguy cơ về an toàn của trẻ em gái ở nơi công cộng cho hành khách (năm 2011 con số này là 42,5%).
Thiết nghĩ, Thành phố an toàn cho trẻ em gái là một mô hình cần được triển khai nhân rộng trên quy mô quốc gia tại Việt Nam. Theo đó, thời gian tới Tổ chức Plan sẽ hợp tác với Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong: Chuẩn hóa và chia sẻ rộng rãi bộ tài liệu đào tạo cán bộ nhà nước, cán bộ ngành giao thông vận tải về Thành phố an toàn cho em gái và bộ tài liệu Em gái, em trai, thủ lĩnh của sự thay đổi.
Tập huấn, hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình Thành phố an toàn với em gái đến 7 tỉnh và thành phố bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Cần Thơ, Khánh Hòa. Tổ chức Hội thảo quốc gia chia sẻ các can thiệp của thành phố An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái phối hợp cùng các tổ chức trong mạng lưới.
Xây dựng bộ công cụ khảo sát cho thực hiện Chỉ số Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Xây dựng và xuất bản 6 cuốn sách cung cấp kỹ năng về bình đẳng giới, phòng, chống, ứng phó với bạo lực giới cho cho em gái và em trai vị thành niên.
Hưng Vũ