Người khuyết tật còn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách ưu đãi
17/04/2018 - 15:12

TĐKT – Sáng 17/4, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT – Thực tiễn và kiến nghị” với sự tham gia của gần 50 giám đốc, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT, đại diện cho hàng trăm cơ sở trong cả nước.

Tọa đàm “Cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT – Thực tiễn và kiến nghị”

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam nhấn mạnh: Việc làm cho thương binh và NKT còn khả năng lao động luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý và môi trường thuận lợi để phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đất nước nói chung, của thương binh và NKT nói riêng trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Trong cơ chế mới, nhiều thương binh, bệnh binh, NKT đã tự tin, mạnh dạn đứng ra thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không những lo cuộc sống cho gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người khác, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Từ chỗ chỉ có vài chục cơ sở, đến nay cả nước đã có gần 700 cơ sở sản xuất của thương binh và NKT, thu hút, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể hàng trăm thương, bệnh binh, NKT khác là chủ kinh tế hộ gia đình làm ăn rất ổn định và hiệu quả. Chỉ tính riêng các cơ sở là thành viên của Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của NKT mỗi năm cũng đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và NKT chưa nhiều. Hầu hết các cơ sở có quy mô nhỏ, chỉ 10 – 15 lao động, vốn ít, công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, phần nhiều sản xuất thủ công; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước, trong địa phương, thị trường bấp bênh, không ổn định.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của mô hình sản xuất, kinh doanh đặc thù này như chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi thuê mặt bằng, thuê đất, chính sách tín dụng, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ cải tạo môi trường làm việc… Nhưng nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.

Tại tọa đàm, đại diện  các cơ sở đã thẳng thắn chia sẻ những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, những thuận lợi, khó khăn, những kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn hoạt động, những vướng mắc hiện nay và những kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành, Chính phủ để tháo gỡ.

Một số kiến nghị, đề xuất đã được nêu lên: Cần triển khai chương trình giải quyết việc làm đối với NKT có chiều sâu, hiệu quả hơn; sửa đổi hệ thống pháp luật về NKT theo hướng bổ sung những quy định ghi nhận và đảm bảo thực hiện hóa nguyện vọng được làm việc của NKT, có các quy định rõ về các chế tài xử phạt , đặc biệt đối với các hành vi ngược đãi, phân biệt đối xử với NKT; quy định rõ trách nhiệm bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cho NKT của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Minh Phương