TĐKT - Ngày 23/9, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9 với chủ đề “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nhấn mạnh: Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe sinh sản.
Ngày Tránh thai thế giới 26/9 có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Hiện nay, dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2% năm 1993 đã giảm xuống còn 1,07% năm 2017. Theo Tổng cục Thống kê cho biết, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) năm 2017 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,4%.
Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai (PTTT) tiếp tục tăng. Đặc biệt vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục như: Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở VTN/TN còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế.
Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phòng, tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích: Chủ động trong việc sinh con; tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phòng, tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình…
Trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý, mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đông bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Lan Hương, đại diện Công ty Bayer tại Việt Nam nhận Bằng Khen của Tổng cục DS-KHHGĐ
Trong 3 năm qua, Chương trình truyền thông xã hội với chủ đề “Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động” do Tổng cục DS-KHHGĐ và Hội LHPN Việt Nam thực hiện với sự tham gia góp sức của Bayer Việt Nam đã được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực; cung cấp thêm kiến thức về phòng, tránh thai, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho nhiều chị em phụ nữ, thanh niên… trên cả nước.
Tiếp nối những thành công đó, trong năm 2019, để thuận tiện hơn cho các cán bộ dân số cũng như chị em phụ nữ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chương trình cho ra mắt App Mobile với tên “Sống chủ động”. Đây là nơi tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về SKSS, các phương pháp ngừa thai, cũng là nơi giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc SKSS.
Tại Hội thảo, Tổng Cục DS-KHHGĐ cũng vinh danh và trao tặng giấy khen cho Công ty Bayer Việt Nam là một trong những doanh nghiệp có cùng tầm nhìn chiến lược và kiên trì thực hiện cam kết 3 bên về vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc tuyên truyền đúng về kiến thức ngừa thai.
Mai Thảo – Hồng Thiết