Ngành tư pháp góp phần quan trọng thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng
25/12/2019 - 10:09

TĐKT - Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 đã diễn ra ngày 24/12, tại Hà Nội. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành tư pháp tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Ngành tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; đặc biệt tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng.

Ngành đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 18 dự án Luật và nhiều nghị quyết; xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 văn bản, ban hành được 49 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh.

Bên cạnh đó, chất lượng, tiến độ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được cải thiện. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện, đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, được dư luận xã hội hoan nghênh.

Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao. Số tiền đã thi hành xong tăng cao so với năm 2018 và đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, đã thi hành xong trên 579.000 việc với số tiền lên đến hơn 52.700 tỷ đồng (tăng đến 52,77% so với năm 2018)...

Bộ Tư pháp đã tham gia trách nhiệm, toàn diện về các vấn đề pháp lý quốc tế trong quá trình hội nhập; kịp thời tham mưu, đề xuất đưa ra các phương án hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, khai thác được các lợi ích từ việc hội nhập quốc tế cũng như đề xuất tham gia vào các thiết chế pháp lý quốc tế đa phương để cùng với các quốc gia xây dựng, định hình khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận: Với những nỗ lực, cố gắng, nhiều kết quả của ngành tư pháp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị - pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2020, ngành tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đảm bảo việc hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên và khai thác những lợi thế từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hạn chế những tác động tiêu cực thông qua việc xây dựng các biện pháp phòng vệ, hàng rào pháp lý. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trong đó tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; xử lý nghiêm trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư.

Chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tham gia tích cực vào triển khai các nhiệm vụ công tác của bộ, ngành, địa phương mình; đồng thời, tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp địa phương cũng cần phối hợp tốt hơn nữa với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ.

Trang Lê