TS Phạm Anh Cường, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường cho biết: Việt Nam được ghi nhận là một trong nhưng nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái tự nhiên, các loại sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. ĐDSH Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra ĐDSH còn là nguồn cảm hứng văn hóa nghệ thuật và gắn liền với đời sống tinh thần của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Hiện nay, loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ tiếp tục bị đe dọa do hoạt động khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã vẫn diễn ra phức tạp, đang trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Để ngăn chặn tình trạng suy thoái đa dạng sinh học hiện nay, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý đa dạng sinh học, cần thực hiện một số giải pháp: tăng cường công tác quản lý về bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH; tăng cường thực hiện các công cụ tài chính mới cho bảo tồn ĐDSH; xã hội hóa công tác bảo tồn ĐDSH.
Hội thảo “Đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam”
Với những giải pháp đưa ra, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn ĐDSH và đạt được một số kết quả đáng khích lệ: diện tích và chất lượng hệ sinh thái rừng trên cạn tăng; có thêm khu bảo tồn được công nhận danh hiệu quốc tế; tích cực tham gia các điều ước, công ước quốc tế…Tuy nhiên, thực trạng suy thoái ĐDSH vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, đòi hỏi những cách làm hiệu quả hơn nữa để khắc phục tình trạng này.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tham luận tích cực, sôi nổi. Trong đó, tiêu biểu là tham luận của TS. Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật về “Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam gắn với khai thác các hoạt động du lịch sinh thái” và tham luận của bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) về “Bảo vệ môi trường và du lịch bền vững - Tư duy đột phá”…
Hồng Thiết