TĐKT - Chiều 29/8, tại Hà Nội, Báo Hànộimới, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm”.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đã giải đáp các câu hỏi của bạn đọc về những vấn đề liên quan đến sử dụng thực phẩm sạch, hạn chế những thực phẩm bẩn, không an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Nội dung chính của Tọa đàm chia làm 3 phần: người tiêu dùng trước nỗi lo thực phẩm bẩn; trách nhiệm của cơ quan chức năng, doanh nghiệp với vấn đề thực phẩm; hãy là người tiêu dùng thông thái.
Toàn cảnh Tọa đàm
Hiện nay, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Chưa bao giờ sự lo ngại trước vấn đề an toàn thực phẩm lại tăng cao như hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 1.600 người mắc, khoảng 1.400 người nhập viện và 17 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận 7 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với 31 trường hợp mắc và 6 trường hợp tử vong.
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm, trong đó các cơ quan báo chí tăng cường có bài, chuyên mục về an toàn thực phẩm; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và lên án, phê phán các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại Tọa đàm,Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản vẫn chưa kiểm soát được.
Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ, quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta với gần 90% là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể. Vì vậy, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như không đạt yêu cầu.
Vấn đề thực phẩm buôn bán trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Việc thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hoá chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc cho tất cả các cơ quan quản lý và xã hội.
Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao…
Thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển giống nòi. Sử dụng thực phẩm không an toàn có khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và nhất là gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tổng Biên tập Nguyễn Hoàng Long khẳng định, trước bối cảnh trên, để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Việc tổ chức Tọa đàm trực tuyến về “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm” trên Báo Hànộimới là rất cần thiết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc... Mặt khác, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.