Nâng cao nhận thức của người dân về Đề án người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam
12/05/2017 - 00:00

TĐKT - Ngày 12/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát động triển khai giai đoạn 2 “Đề án người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt”.

Đề án được phát động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại cơ sở y tế và trong cộng đồng. Đồng thời, thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu dùng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Đề án được triển khai nhằm hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những năm qua, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách, trong đó, có đưa nội dung, quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như Luật Dược sửa đổi 2016; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật đấu thầu...

Tại các địa phương, nhiều Sở Y tế cũng đã tiến hành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án trên địa bàn; đề ra kế hoạch, giải pháp để tăng cường, thúc đẩy thuốc sản xuất trong nước trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện cũng đã chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước...

Active Image

Dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP

Với nhiều giải pháp được triển khai và tiến hành đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bước đầu, Đề án đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng lên so với trước đây. Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện Đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%. Sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, đã có 164 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Tổ chức Y tế thế giới, một số nhà máy đã đạt tiêu chuẩn của các nước như EU, Nhật Bản...

Tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được và đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, Bộ Y tế đã phát động triển khai giai đoạn 2 của đề án với các mục tiêu đề ra là đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% tuyến huyện.

Hồng Thiết